Ukraine ra mắt bản nâng cấp T-72AMT "vượt trội T-72B3" của Nga
Sự thực về con số hàng ngàn xe tăng, thiết giáp của Syria bị phiến quân phá hủy / Động tác nhào lộn "rắn hổ mang" bị nhận xét không có tác dụng trong thực chiến
Cuối thập niên 1990, Công ty KMDB của Ukraine đã giới thiệu gói nâng cấp dành cho xe tăng chiến đấu chủ lực T-72M (phiên bản T-72 sản xuất tại nước ngoài theo giấy phép của Liên Xô) như một giải pháp kinh tế nhưng vẫn mang lại sức chiến đấu vượt trội.
Phiên bản này nhận định danh là T-72AG, nó đã nâng cao sức cơ động nhờ cài đặt động cơ diesel 6TD công suất 1.000 mã lực, mạnh hơn 28% so với loại cũ. Giáp phản ứng nổ của T-72AG được lấy từ T-80UD cùng T-84 đời đầu, khiến bề ngoài trông nó giống như "con lai" giữa T-72 và T-80.
Bên cạnh đó, xe còn được nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực bằng kính ngắm ngày/đêm TKN-4S ổn định 1 mặt phẳng cho trưởng xe, có tầm quan sát 5.000/700 m. Pháo thủ sử dụng kính ngắm ban ngày 1G46 ổn định 2 mặt phẳng, phát hiện được mục tiêu cách xa 5.000 m và kính ngắm đêm TPN-4 tầm trinh sát lên tới 3.000 m.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72AG. Ảnh: Defence Blog.
Dễ dàng nhận thấy mọi thông số của T-72AG đều vượt trội T-72M nguyên bản, T-72AG đã xuất hiện tại Triển lãm IDEX 97 tổ chức ở Abu Dhabi - Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, nhưng đáng tiếc là không giành được hợp đồng nào do nhu cầu đối với T-72 hiện đại hóa vào thời điểm đó khác hẳn hiện tại.
Nhưng vào lúc này, khi nhiều quốc gia có xu hướng tái nâng cấp các dòng chiến xa cũ nhằm tiết kiệm kinh phí, cũng như chờ đợi sự ra đời một thế hệ MBT hoàn toàn mới thì triển vọng dành cho những biến thể hiện đại hóa của T-72 lại sáng sủa hơn bao giờ hết.
Phiên bản T-72B3 do Nga chế tạo chắc chắn thu hút được nhiều sự chú ý nhất từ các quân đội có kinh nghiệm sử dụng xe tăng Liên Xô, đáng tiếc rằng Moskva chưa có ý định xuất khẩu nhằm giữ thị phần cho T-90.
Trong tình cảnh này, khách hàng sẽ buộc phải tìm một nguồn cung cấp mới với chất lượng tương đương. Chớp thời cơ, Ukraine đã giới thiệu gói nâng cấp mới mang định danh T-72AMT, về cơ bản, nó không quá khác biệt so với T-72AG trước kia.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72AMT. Ảnh: Defence Blog.
Thay đổi đáng kể nhất là xe sử dụng động cơ diesel tăng áp 6TD-2 công suất lên tới 1.200 mã lực; bổ sung giáp dạng lồng vào phía sau thân cũng như tháp pháo, tăng cường giáp phản ứng nổ Kontakt 1 ở mặt trước; tích hợp kính ngắm TKN-ZUM cho súng máy 12,7 mm; kính ngắm 1K-13-49 và TNK-72 cho pháo thủ cùng trưởng xe...
Nhờ máy tính đạn đạo cùng thiết bị chiếu chùm tia laser, T-72AMT có thể phóng tên lửa chống tăng Kombat (chức năng tương tự AT-11 Sniper) tầm bắn 5.000 m qua nòng, cũng như bắn chính xác đạn xuyên động năng dưới cỡ từ cự ly lên tới 2.500 m.
Tính năng kỹ chiến thuật của T-72AMT theo nhận định ban đầu không hề thua kém T-72B3, nếu như không muốn nói là vượt trội trong khi vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tính kinh tế.Sự xuất hiện của T-72AMT có lẽ sẽ buộc Nga phải thay đổi định hướng không xuất khẩu T-72B3 của mình, nếu như không muốn khách hàng mua nó để phối hợp tác chiến bên cạnh T-90.
End of content
Không có tin nào tiếp theo