Quốc tế

HQ-9 Trung Quốc, đứa con lai của S-300 Nga và Patriot Mỹ

Tên lửa phòng không tầm xa hiện đại HQ-9 của Trung Quốc được xem là thiết kế dựa trên cơ sở tham khảo tên lửa nổi tiếng S-300 của Nga và Patriot của Mỹ.

Mỹ lo lép vế khi Trung Quốc và Nga bắt tay phát triển vũ khí trí tuệ nhân tạo / Tiêm kích 'con cưng' J-10 của Trung Quốc nay đã được lắp động cơ ‘made in China’

Nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc có bước phát triển vượt bậc trong một thập niên trở lại đây, tuy vậy phần đa vũ khí của họ vẫn chỉ là bản sao chép cóp nhặt từ các vũ khí nổi tiếng của Nga và phương Tây. Hệ thống phòng không HQ-9 là một trong số đó.

Sau khi ổn định về kinh tế, Trung Quốc bắt đầu tái tổ chức quân đội theo hướng hiện đại mạnh mẽ, họ đã bắt đầu nghiên cứu phát triển các loại vũ khí để có thể bắt kịp Liên Xô và phương Tây. Ngoài việc tiếp tục mua từ Liên Xô, họ cũng bắt đầu phát triển các hệ thống vũ khí công nghệ cao như tên lửa đánh chặn.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 (Hồng Kỳ -9) bắt đầu được nghiên cứu chế tạo vào những năm 1980 dưới sự chủ trì của Học viện Công nghệ quốc phòng Trung Quốc . Ban đầu nó phát triển dựa theo hệ thống tên lửa đối không Patriot của Mỹ.

Việc Trung Quốc lúc bấy giờ có thể tiếp cận được Patriot của Mỹ vẫn là điều bí mật dù lúc này hai nước có mối quan hệ nồng ấm, Mỹ thậm chí đã bán trực thăng S-70 cho Bắc Kinh, tuy nhiên với các vũ khí công nghệ cao thì chưa, vì vậy có thể Trung Quốc đã tiếp cận được Patriot thông qua Israel, nước đang có mối giao hảo về công nghệ vũ khí khá thân thiết với Bắc Kinh khi đó.

Thậm chí chiếc J-10 nổi tiếng hiện tại của Trung Quốc được cho là mua bản thiết kế từ tiêm kích Lavi của Israel, trong khi đó Lavi lại được phát triển từ F-16 của Mỹ.

Sau khi tiếp cận được Patriot, hệ thống tên lửa HQ-9 được thiết kế để phóng trong các ống phóng container hình hộp như Paitriot của Mỹ. Tên lửa sử dụng một động cơ nhiên liệu rắn hai tầng.

Tuy nhiên, biến thể đầu tiên của HQ-9 không thực sự thành công, mỗi xe phóng chỉ mang được 2 tên lửa, khả năng cơ động kém và độ tin cậy rất thấp. Rất có thể việc tiếp cận Patriot trong vòng bí mật cùng với thời gian ngắn cũng như không có mẫu để mổ sẻ nên việc sao chép của Trung Quốc đã thất bại.

Tuy nhiên vận may đã đến với Trung Quốc khi giiữa những năm 1990, Nga đồng ý xuất khẩu tên lửa phòng không S-300PMU1 do đang cần tiền để vực dậy nền kinh tế sau khi Liên Xô tan rã, chớp cơ hội Bắc Kinh đã mua lượng lớn hệ thống phòng không tiên tiến này.

Có số lượng lớn S-300PMU1 trong tay, Trung Quốc đã mổ sẻ hệ thống này để hoàn thiện HQ-9.

Trung Quốc đã sao chép gần như toàn bộ công nghệ (đạn tên lửa, radar, xe phóng) của S-300PMU1 do Nga sản xuất. Hình dáng của HQ-9 lúc này đã gần giống với hệ thống phòng không của Nga hơn là của Mỹ.

Khẩu đội của HQ-9 được biên chế gồm: 4 xe phóng với 4 đạn tên lửa/xe; đài radar điều khiển hỏa lực HT-233; xe đài chỉ huy TWS-312 và xe tiếp đạn ND1206.

Thông thường thì khẩu đội được dẫn bắn bởi một radar kiểm soát bắn duy nhất. Tất cả các xe đều đặt trên khung gầm xe bánh lốp đem lại khả năng cơ động cao.

Tuy vậy một số cơ chế hoạt động lại giữ nguyên giống như Patriot của Mỹ, cụ thể hệ thống HQ-9 sử dụng phương thức dẫn đường bao gồm dẫn đường quán tính cho pha đầu, từ pha giữa tới pha cuối tên lửa được dẫn đường thông qua một kênh track-via-missile (TVM).

Lệnh hiệu chỉnh đường bay được truyền đến tên lửa thông qua một liên kết dữ liệu trung gian với sự tham gia của các trạm điều khiển từ mặt đất.

Theo đó, sau khi phóng, đạn tên lửa của HQ-9 dùng cơ chế dẫn đường hỗn hợp gồm: Pha đầu sử dụng hệ thống lái tự động quán tính trên đạn. Pha giữa sử dụng kết hợp hệ thống lái tự động quán tính trên đạn để chỉnh tầm với lệnh điều khiển vô tuyến từ đài điều khiển mặt đất để chỉnh hướng. Pha cuối sử dụng lệnh điều khiển vô tuyến từ đài điều khiển mặt đất với phần tử mục tiêu được đạn cung cấp qua cơ chế TVM điều khiển bám sát theo đạn kết hợp với radar bán chủ động để khóa mục tiêu.

Cơ chế dẫn đường TVM hoạt động như sau: Ban đầu radar của đạn tên lửa bắt bám mục tiêu ở pha cuối bằng cách thu sóng dội từ mục tiêu bị đài mặt đất chiếu xạ, sau đó truyền phần tử mục tiêu về đài điều khiển mặt đất, đài kiểm soát bắn mặt đất sẽ tính toán và hiệu chỉnh các tham số về mục tiêu và truyền lệnh điều khiển vô tuyến đến tên lửa.

Đạn tên lửa HQ-9 có chiều dài 6,8 mét, trọng lượng 1,3 tấn, đầu đạn nặng 180kg và được trang bị ngòi nổ vô tuyến cận đích được kích hoạt khi đạn cách mục tiêu 5 m, bán kính diệt mục tiêu của đạn là 35m. Đây cũng là cơ chế tiêu diệt mục tiêu của đại đa số hệ thống tên lửa phòng không hiện nay, tuy nhiên gần đây Mỹ đã phát triển phương thức đánh chặn mới mang tên hit to kill, tức là tiêu diệt mục tiêu bằng động năng không cần đầu nổ.

Đạn của hệ thống HQ-9 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn một tầng đẩy, miệng phụt của động cơ có khả năng chỉnh hướng phụt tương tự như các loại đạn tên lửa của S-300.

Tầm bắn của đạn tên lửa HQ-9 đạt cự ly tối đa tới 150km (biến thể HQ-9B nâng tầm lên 200km).

Truyền thông Trung Quốc còn tung hô rằng, HQ-9 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở cự ly xa tối đa 30km. Tuy nhiên tính năng này chưa được kiểm chứng.

Giới phân tích chỉ ra rằng, hệ thống dẫn đường của HQ-9 với radar bán chủ động của HQ-9 tồn tại nhiều nhược điểm, khó điều khiển. Điều này đòi hỏi kíp chiến đấu phải được huấn luyện rất kỹ, nếu không khả năng tác chiến sẽ là không hiệu quả.

Hệ thống phòng không HQ-9 hiện đang sử dụng một radar mạng pha xung phẳng 3D HT-233 để trinh sát, theo dõi mục tiêu.

HT-233 có khả năng quét góc phương vị 360 độ với góc tà từ 0-65 độ, theo dõi đồng thời 100 mục tiêu và tham chiến với 50 mục tiêu cùng lúc.

Radar có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 150km và theo dõi mục tiêu ở cự ky 100km. Tuy nhiên diện tích phản hồi radar RCS mà radar có khả năng phát hiện lại không Trung Quốc công bố. Điều này khiến giới quan sát nghi ngờ về khả năng hiệu quả của chúng.

Tất nhiên, HT-233 không phải là do Trung Quốc tự thiết kế 100% mà nó được cho là bản sao của radar 30N6E thuộc hệ thống S-300 PMU1 mà Trung Quốc đã mua từ Nga.

Nhưng thay vì kích thước gọn gàng như bản gốc, radar HT-233 lại có kích thước khá lớn với tổng trọng lượng với khung gầm lên tới 30 tấn.

Với sự nặng nề như vậy, khả năng cơ động lẫn tiêu thụ năng lượng là rất lớn, điều này sẽ gây ra những khó khăn nhất định trong tác chiến cường độ cao.

Tuy vậy HQ-9 cũng có những điểm cải tiến nhất định so với S-300 PMU1 của Nga là phòng điều khiển trang bị nhiều màn hình AMCLD COTS và phần mềm kiểm soát bắn dựa trên việc tổng hợp và lựa chọn chế độ hiển thị mục tiêu, điều này cho phép hệ thống tham chiến cùng lúc với nhiều mục tiêu hơn.

Tổ hợp HQ-9 có khả năng sử dụng tương thích cả với các radar theo dõi của Nga, cũng như việc dùng chung các loại đạn tên lửa do Nga sản xuất.

Điều này khiến nó có thể triển khai xen kẽ với S-300 PMU1 hiện có nhằm tạo nên hệ thống phòng không hoàn hảo hơn cho Trung Quốc.

Trung Quốc đang ráo riết chào hàng biến thể xuất khẩu của HQ-9 có tên gọi là FD-2000 cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nhiều quốc gia châu Á khác. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một quốc gia nào đặt hàng.

Dù truyền thông Trung Quốc hết lời ca ngợi HQ-9, thậm chí cho rằng chúng vượt bậc so với Patriot của Mỹ và S-300, thậm chí ngang bằng với S-400 của Nga.

Nhưng cuối cùng Trung Quốc vẫn phải bỏ ra khoản tiền khổng lồ để mua S-400 của Nga, điều này cho thấy thực tế HQ-9 không tốt như những lời quảng cáo có cánh trước đó, bởi nếu tốt đến vậy thì Bắc Kinh đã không phải tốn hàng tỷ USD để mua S-400 từ Nga.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm