Quốc tế

Indonesia nâng mức cảnh báo núi lửa tại Sunda

Giới chức địa chất Indonesia ngày 27/12 đã nâng mức cảnh báo tại Anak Krakatau lên mức cao thứ 2 trên thang đo 4 mức.

Vợ chồng ông Obama được yêu thích nhất nước Mỹ / Mỹ bị cáo buộc tập hợp tên lửa Tomahawk gần Nga

Núi lửa Anak Krakatau phun tro bụi khổng lồ - Ảnh: Reuters


Giới chức đưa ra cảnh báo mới về khả năng xảy ra sóng thần do núi lửa hoạt động mạnh. Người dân cũng được khuyến cáo không đi vào khu vực cách miệng núi lửa 5 km. Vùng cấm này được mở rộng từ mức 2 km trước đây.

Cùng ngày, Indonesia đã điều hướng lại các chuyến bay xung quanh khu vực núi lửa Anak Krakatau, nằm giữa các đảo Java và Sumatra.

Nguồn tin cơ quan kiểm soát không phận Indonesia cho biết, do núi lửa Anak Krakatau phun trào nhiều đợt tro bụi dữ dội, cơ quan này quyết định nâng mức cảnh báo hoạt động phun trào của núi lửa lên mức cảnh báo đỏ, đồng thời yêu cầu các hãng hàng không chuyển hướng chuyến bay khi bay qua khu vực này.

Nhà chức trách Indonesia trước đó cảnh báo về hiện tượng thời tiết cực đoan và thủy triều dâng cao đang diễn ra quanh núi lửa Anak Krakatau, đồng thời hối thúc người dân tránh xa khu vực bờ biển đã bị sóng thần tàn phá.

Người đứng đầu Cơ quan Địa vật lý và Khí tượng Indonesia (BMKG) Dwikorita Karnawati hôm 25/12 cho biết, việc núi lửa Anak Krakatau tiếp tục hoạt động tăng cường kết hợp với thời tiết cực đoan như mưa to và những cột sóng cao tại eo biển Sunda có thể dẫn tới sụt lở sườn núi lửa xuống biển, từ đó có thể gây ra một trận sóng thần tương tự trận sóng thần xảy ra hôm 22/12 vừa qua.

Thảm họa sóng thần tối 22/12 là đợt sóng thần thứ 3 tấn công Indonesia trong 6 tháng qua. Theo BMKG, núi lửa Anak Krakatau phun trào đã gây ra một vụ sụt lở dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao bất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này.

 

Những trận sóng thần xảy ra sau các trận động đất thường sẽ kích hoạt hệ thống cảnh báo, tuy nhiên, sóng thần lần này xảy ra do núi lửa phun trào nên không được phát hiện và cảnh báo kịp thời.

Số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa sóng thần tàn phá khu vực xung quanh eo biển Sunda lên tới 430 người, trong khi 1.495 người bị thương. Ngoài ra, hiện vẫn còn ít nhất 159 người mất tích. Có thể nhiều nạn nhân vẫn đang bị vùi lấp trong đống đổ nát. Gần 22.000 người phải rời nhà đi lánh nạn.

Theo baochinhphu.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm