Quốc tế

Iran bắt tay với Nga, thay đổi "cuộc chơi" ở Trung Đông: Phá vòng vây Mỹ, thắng lớn ở Syria

Bị bao vây bởi nhiều thế lực thù địch, Iran không còn cách nào khác là củng cố tiềm lực quân sự và bảo vệ tối đa an ninh kinh tế chống lại những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Nga nhận số lượng lớn xe tăng T-72B4 ngay trong năm 2020 / Bức ảnh hé lộ vũ khí chống vệ tinh của Nga?

Vai trò, vị thế của Iran trong khu vực Trung Đông

Vốn là một phần lãnh thổ của Đế chế Ba Tư trước đây, Iran nằm ở ngã 4 của các tuyến vận tải hàng hóa từ Đông sang Tây và từ Bắc xuống Nam. Tiếp giáp với Vịnh Persic quanh năm ấm áp, Iran dễ dàng phát triển thương mại hàng hải với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài vị trí địa lý và quân sự chiến lược thuận lợi, Iran còn sở hữu nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ.

Lịch sử của Iran hiện đại được bắt đầu từ năm 1979, khi cuộc Cách mạng Hồi giáo lật đổ chế độ thân Mỹ của Vua Peza Palevi. Từ đó, quốc gia này nằm dưới sự lãnh đạo tinh thần của các Giáo chủ dòng Shiite.

Nhưng cũng từ sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Hồi giáo, đất nước Iran đã trở thành kẻ thù của hai thế lực hùng mạnh ở khu vực đó là Mỹ cùng các quốc gia đồng minh Phương Tây và Saudi Arabia cùng những quốc gia Hồi giáo Trung Đông theo dòng Sunni.

Bị bao vây bởi nhiều thế lực thù địch, nhà nước Iran hiện đại không còn cách nào khác là củng cố tiềm lực quân sự của mình và bảo vệ tối đa an ninh kinh tế chống lại những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Tuy nhiên, đối với Tehran, việc đạt được mục tiêu trên là điều không dễ dàng. Ngay sau Cách mạng Hồi giáo, chiến tranh 8 năm với nước láng giềng Iraq (giai đoạn 1980-1988) đã làm tiêu hao đáng kể tiềm lực kinh tế của đất nước.

Iran bắt tay với Nga, thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông: Phá vòng vây Mỹ, thắng lớn ở Syria - Ảnh 2.

Sở hữu một quân đội mạnh đã giúp Iran không trở thành nạn nhân kế tiếp của chính sách thống trị thế giới của Washington. Ảnh:

Nhưng chiến tranh cũng tôi luyện cho Iran nhiều nhà lãnh đạo quân đội xuất sắc, trung kiên. Nhờ đó mà vào những năm 1990, khi Mỹ là siêu cường duy nhất, Iran đã không trở thành nạn nhân kế tiếp của chính sách thống trị thế giới của Washington cho dù giới lãnh đạo Iran công khai lập trường chống Mỹ.

Vị thế Iran tăng lên khi liên minh với Nga

Quan hệ hợp tác thực sự có hiệu quả giữa Nga và Iran bắt đầu vào những năm 2000 khi Tehran quyết định thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình. Giới lãnh đạo Iran đã chọn các công ty Nga để xây dựng, cung cấp các thiết bị cho dự án nhà máy điện hạt nhân của họ.

Cũng chính vì chương trình hạt nhân mà Iran phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ phía Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ nửa sau những năm 2000. Hợp tác Nga - Iran không chỉ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân mà còn mở rộng sang lĩnh vực quốc phòng; Moscow luôn là nhà cung cấp chính các loại vũ khí hiện đại cho Tehran.

Trước tình hình thế giới có nhiều biến động, Nga dần tìm lại được sức mạnh của chính mình. Thế giới đơn cực với sự thống trị của Mỹ trong quan hệ quốc tế, đang từng bước bị thay thế bởi một thế giới đa cực mới.

 

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, đặc điểm của thế giới mới sẽ là sự liên kết những quốc gia mới nổi, có ảnh hưởng địa chính trị chống lại một nước Mỹ đang suy yếu và Iran sẽ là một trong những quốc gia thực hiện vai trò đó.

Nhiều năm trên chiến tuyến chống Mỹ, Iran đã duy trì hiệu quả nền kinh tế độc lập trong điều kiện hết sức khó khăn của lệnh trừng phạt quốc tế, ngoài ra, Iran còn giúp cho nhiều đối tác có những kinh nghiệm đối phó với Mỹ.

Nắm bắt cơ hội, những thay đổi trong quan hệ quốc tế diễn ra trong thời kỳ đầu thập niên vừa qua, Tehran đã đẩy mạnh chính sách đổi ngoại, tác động lên tất cả những lực lượng đồng minh trong khu vực.

Iran bắt tay với Nga, thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông: Phá vòng vây Mỹ, thắng lớn ở Syria - Ảnh 3.

Từ những bối cảnh khách quan có thể khẳng định nước Nga không thể tìm được một đồng minh tin cậy thứ 2 trong khu vực ngoài Iran. Ảnh: Sputnik.

Điều này khiến Iran dính líu sâu hơn vào một số xung đột khu vực trong đó có có xung đột vũ trang tại Syria: tại đây, Iran cùng Nga ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, liên minh Nga-Iran cũng đặt ra không ít những câu hỏi từ giới quan sát, liệu liên minh giữa một nước Nga thế tục với một Iran Hồi giáo có bền vững hay không?

 

Kể từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Hồi giáo, Chính quyền Iran đã xác định Mỹ là "kẻ thù"; còn Nga cũng xem Mỹ và NATO là những lực lượng thù địch, đe dọa an ninh quốc gia, nhất là từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Nga sáp nhập bản đảo Crimea. Vô hình trung, Mỹ trở thành kẻ thù chung của hai nước và rõ ràng một liên minh như vậy sẽ có lợi cho cả hai.

Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng về mặt tôn giáo, người Hồi giáo Iran chủ yếu theo dòng Shiite; những người Hồi giáo dòng Shiite, khác với cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni, không chủ trương xây dựng "một nhà nước Hồi giáo thế giới" hoặc phát động một "cuộc thánh chiến" chống lại những người Thiên chúa giáo.

Cuối cùng, nền tảng kinh tế-xã hội ở Iran cũng tốt hơn nhiều quốc gia Hồi giáo khác nên sẽ khó có thể xảy ra một làn sóng di cư ồ ạt như tình trạng đang xảy ra hiện nay mà các quốc gia châu Âu đang phải hứng chịu do những phần tử Hồi giáo Sunni cực đoan gây ra.

Cũng có ý kiến cho rằng, nước Nga không cần phải hợp tác với Iran vì quốc gia này không khi nào chấp nhận làm "vệ tinh" của Nga trên trường quốc tế. Tuy nhiên, hợp tác quốc tế không nhất thiết chỉ thể hiện dưới hình thức tương hỗ giữa các cường quốc thế giới với các quốc gia-vệ tinh, cũng có những trường hợp là mối quan hệ bình đẳng.

Về nguyên tắc, hình thức mối quan hệ hợp tác này được xây dựng khi các bên có cùng chung mục đích, hiện cả Nga và Iran đã có điều kiện "cần và đủ" này. Cân nhắc tất cả các mặt lợi hại, Moscow lựa chọn phương án hợp tác với Tehran.

 

Sự kiện đáng chú ý nhất là Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập thành công Định dạng Astana (2017), qua đó thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn tiến trình hòa bình ở Syria, đồng thời khẳng định sự hình thành liên minh Nga - Iran trong khu vực Trung Đông.

Có thể nói, việc chính quyền Syria lật ngược tình thế, giành lại được nhiều mục tiêu chiến lược từ tay quân khủng bố cũng như quân nổi dậy trong thời gian qua hoàn toàn nhờ vào các chiến dịch không kích của Nga và sự hỗ trợ của lực lượng Iran trên mặt đất. Sự can dự của Tehran đã góp phần làm thay đổi cục diện nhiều cuộc chiến tại Trung Đông nói chung và Syria nói riêng.

Chiến lược trở thành siêu cường của Iran

Về cơ bản, Iran đang theo đuổi 3 mục tiêu chiến lược sau:

Thứ nhất, ngăn chặn Mỹ mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở khu vực. Như nêu ở trên, trong bất cứ cuộc xung đột nào mà Mỹ có "lợi ích", Iran sẽ "kiên quyết" chống lại.

 

Thứ hai, củng cố vị trí địa-chiến lược, Iran quyết tâm bảo vệ các "cửa ngõ" đi qua lãnh thổ của mình, bao gồm Syria và Iraq nằm trên tuyến vận tải nguyên liệu và hàng hóa của Iran sang Phương Tây; đặc biệt là khu vực eo biển Hormuz (nơi mà gần đây đã xảy ra các xung đột, đụng độ căng thẳng giữa Mỹ và Iran).

Thứ ba, những vấn đề liên quan đến việc hình thành hệ thống quan hệ quốc tế mới. Nước Mỹ suy yếu đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của Mỹ đối với các đồng minh Trung Đông kém đi; Mỹ cũng đã tuyên bố rút quân khỏi Syria, Iraq...; giảm sự bảo trợ quân sự đối với các quốc gia Ả Rập.

Điều này cũng có nghĩa là, nếu Iran gia tăng chính sách đối ngoại tích cực, hoàn toàn có thể hy vọng trở thành một trong các cực quan trọng trong hệ thống quan hệ quốc tế mới (thế giới đa cực).

Việc Iran tham gia vào cuộc nội chiến Syria hiện nay cũng không nằm ngoài mục địch bảo đảm, duy trì ảnh hưởng tại khu vực. Kể từ năm 2011, khi Mỹ âm mưu tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Iran đã quyết định ủng hộ chính quyền Assad đến cùng.

Iran bắt tay với Nga, thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông: Phá vòng vây Mỹ, thắng lớn ở Syria - Ảnh 4.

Sự can dự của Tehran đã góp phần làm thay đổi cục diện nhiều cuộc chiến tại Trung Đông nói chung và Syria nói riêng. Ảnh: Enab Baladi.

 

Các chuyên gia quân sự Iran có mặt trên lãnh thổ Syria từ những ngày đầu cuộc chiến, góp phần quan trọng vào việc làm thất bại âm mưu lật đổ chính quyền Damascus của phương Tây.

Đồng thời, Tehran cũng phối hợp chặt chẽ với Moscow trong cuộc chiến chống IS hiện nay tại Syria; cho phép các tên lửa tân công của Nga bay qua không phận Iran; gửi 4.000 nhân viên quân sự giúp quân đội chính phủ Syria; gửi bộ binh đến Syria tham gia trợ giúp chiến đấu trên thực địa.

Ngoài ra, trong bối cảnh chiến sự hỗn loạn ở Syria, Iran còn có trong tay một quân bài rất quan trọng, có khả năng gây tác động lên tình hình, đó là phong trào Hồi giáo Hezbolla" - những người Hồi giáo Shiite.

Các đơn vị Hezbolla có nhiều kinh nghiệm chiến đấu chống Israel và được Tehran vũ trang tốt. Trong cuộc nội chiến ở Syria, phong trào Hezbolla đứng về phía Chính quyền Syria chống lại các phần tử phiến loạn Hồi giáo Sunni.

Cũng giống như ở các xung đột khác trong khu vực có sự can dự của Tehran, những mục tiêu cơ bản của Iran ở Syria cũng có sự pha trộn của ưu tiên tôn giáo lẫn chiến lược. Nếu như về khía cạnh tôn giáo (chống lại những quốc gia theo dòng Sunni) đã quá rõ ràng thì về mặt mục tiêu chiến lược của Iran trong khu vực cần phải được xác định cụ thể hơn.

 

Một là, từ phân tích những bối cảnh khách quan (lợi ích địa-chính trị và địa-chiến lược) có thể khẳng định nước Nga không thể tìm được một đồng minh tin cậy thứ 2 trong khu vực ngoài Iran.

Hai là, tiềm lực của Iran sẽ ngày càng lớn mạnh cho dù quốc gia Hồi giáo này tiếp tục hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế, chính trị của Mỹ và các nước đồng minh.

Ba là, trong một thế giới mới hình thành sau sự sụp đổ của hệ thống đơn cực, Iran tất yếu sẽ có được vị trí hàng đầu, ít nhất cũng trong khu vực Trung Đông.

Thỏa thuận hạt nhân của Iran với Nhóm P5 1 (JCPOA) là động lực quan trọng giúp Tehran gia tăng ảnh hưởng, vai trò của mình tại khu vực. Không loại trừ khả năng, Mỹ/phương Tây sẽ phải dỡ bỏ các lệnh cấm vận, trừng phạt lâu nay đối với Iran khi chúng không còn phát huy được tác dụng.

Trong khi, nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đã bắt đầu điều chỉnh lại chiến lược tại Trung Đông, chấp nhận sự tồn tại của Chính quyền Syria, chấp nhận vai trò của Nga, Iran trong giải quyết tranh chấp khu vực, giảm dần ảnh hưởng quân sự tại đây để tập trung "Nước Mỹ trước tiên".

 

Cũng có những ý kiến cho rằng, Mỹ đã nhận ra sai lầm khi đưa quân vào Iraq, lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Gaddafi và tạo ra "khoảng trống" quyền lực ở Trung Đông. Washington có vẻ đã quá mệt mỏi và có tâm lý buông xuôi; muốn thoát khỏi các vũng lầy tại Trung Đông; đây cũng là cơ hội để Iran phát triển và vươn lên thành một cường quốc khu vực.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm