Quốc tế

Iran tiềm năng trở thành “khách hàng vàng” đối với vũ khí Nga

Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc sẽ hết hiệu lực trong tháng 10 tới. Quốc gia Cận Đông này đang khởi động một loạt tiến trình đàm phán mua sắm vũ khí, trang bị quân sự mới, trong đó có nhiều hợp đồng giá trị hàng tỷ USD với Nga.

Iran trang bị tên lửa vượt qua THAAD và Patriot / Iran từ chối mua xe tăng T-90MS vì có sản phẩm nội địa "vượt trội"

Hiện tại, Iran vẫn chưa công bố dự định mua sắm vũ khí mới sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, nhưng Bộ Ngoại giao Nga đã tiết lộ nhiều thông tin về “khách hàng vàng” tiềm năng ở khu vực Cận Đông này. Nga hiện có nhiều loại vũ khí mà Iran rất mong muốn sở hữu ở thời điểm hiện tại.

Tehran có nhu cầu nâng cao khả năng phòng thủ

Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, sau khi lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran được dỡ bỏ, Tehran chắc chắn sẽ không thể tiếp cận với các nguồn vũ khí từ Mỹ và phương Tây, khi Washington đe dọa sẽ vận động cho một lệnh cấm vận vô thời hạn mới với Iran. Chính vì lý do này, Iran sẽ tìm nguồn cung mới của mình ở phía Đông với tiền lệ thành công là các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU-2 Favorit.

Tên lửa phòng không sẽ là ưu tiên mua sắm hàng đầu của Iran sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.

Iran hiện có nhu cầu rất lớn đối với các tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại để tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa từ trên không và phòng thủ tên lửa. Hệ thống phòng không của Iran phần lớn là các loại vũ khí lạc hậu, có nguồn gốc từ nhiều quốc gia khác nhau. Theo một số nguồn tin, mỗi tiểu đoàn tên lửa S-200 có tới 6 bệ phóng, nhưng vì các lệnh cấm vận, Iran chỉ còn duy trì được hoạt động 1-2 bệ với tính năng kỹ thuật hạn chế.

Năng lực phòng không hiện đại của Iran phụ thuộc vào 4 tổ hợp S-300PMU-2 do Nga cung cấp từ năm 2016. Tuy nhiên, những tổ hợp vũ khí trên không đủ để bảo vệ lãnh thổ rộng lớn của Iran. Tehran đang điều động chúng và các tổ hợp tên lửa Tor-M1 bảo vệ các cơ sở hạt nhân quan trọng.

Iran trong nhiều năm qua cũng rất nỗ lực tự phát triển các dòng tên lửa phòng không nội địa và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với các sản phẩm như Mersad, Khordad-15. Hiệu năng chiến đấu của chúng đã được khẳng định qua vụ bắn hạ thiết bị bay không người lái RQ-4C Triton của Hải quân Mỹ tại vùng Vịnh. Tuy nhiên, số lượng các sản phẩm nội địa của Iran vẫn rất hạn chế và thiếu độ tin cậy cần thiết.

Dù là vũ khí phòng thủ, nhưng với vị trí địa lý đặc biệt của Iran, các tổ hợp tên lửa bờ sẽ là vũ khí răn đe đáng gờm.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph đang nhận được sự chú ý lớn từ Tehran. Với năng lực tác chiến đã được chứng minh tại Syria, tổ hợp tên lửa của Nga đáp ứng rất tốt nhu cầu của Iran để đối phó với các mối nguy cơ đến từ Mỹ và các quốc gia thù địch.

Một trong những loại vũ khí phòng thủ khác Iran cũng có nhu cầu rất lớn chính là các tổ hợp tên lửa bờ. Các tổ hợp tên lửa bờ hiện đại như Bal-E, Bastion-P sẽ giúp Iran kiểm soát vùng Vịnh và eo Homus. Đây chính là loại vũ khí Iran chắc chắn đặt mua ngay khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.

 

Nâng cấp quân đội quy mô lớn

Nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, bên cạnh các loại vũ khí phòng thủ, Không quân Iran có thể được "thay máu" khi lệnh cấm vận của HĐBA Liên hợp quốc hết hiệu lực. Trong cơ cấu quân đội Iran, không quân được coi là lực lượng yếu nhất. Tính từ thập niên 1970 tới nay, Không quân Iran chưa được nâng cấp lớn và trang bị phần lớn đã lạc hậu và nguồn hậu cần chắp vá. Để duy trì năng lực hoạt động của các phi đội F-14 Tomcat, Iran thậm chí phải tìm nguồn phụ tùng từ chợ đen hoặc tháo dỡ từ các máy bay không còn đủ điều kiện bay.


Máy bay chiến đấu Su-35S và xe tăng T-90S sẽ nâng cấp đáng kể năng lực tác chiến của quân đội Iran.

Trước khi lệnh cấm vận được áp dụng vào năm 2015, Iran từng quan tâm tới các dòng máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ 4++ của Nga như Su-35S, Su-30SM và máy bay thế hệ thứ 5 Su-57E. Với năng lực tài chính hiện tại, các dòng máy bay Su-35S và Su-30SM sẽ là sự lựa chọn tốt đối với Tehran. Chúng đều là dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm có năng lực tác chiến mạnh, có thể đương đầu được với lực lượng không quân mạnh của các quốc gia trong khu vực Cận Đông như Saudi Arabia hay Israel. Nếu lựa chọn Su-57E, Không quân Iran sẽ giành được ưu thế, kể cả khi phải đối đầu với một số đơn vị máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor của Không quân Mỹ đang duy trì trong khu vực. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ cần nguồn tài chính hàng tỷ USD, cũng như tiến độ giao hàng không thể thực hiện ngay do Tập đoàn Sukhoi sẽ ưu tiên sản xuất cho các đơn hàng của Không quân Nga trước.

Một ưu tiên khác đối với Iran sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ là hiện đại hóa lục quân với lực lượng xe tăng làm nòng cốt. Lục quân Iran đang sở hữu số lượng đáng kể xe tăng T-72 có nguồn gốc từ Liên Xô trước đây và ứng cử viên T-90S đang là lựa chọn sáng giá. Iran đã chú ý tới dòng xe tăng T-90S của Nga và coi đây là sự lựa chọn tối ưu giữa giá thành và hiệu năng chiến đấu từ kinh nghiệm thực chiến ở Syria.

Theo lời Phó tư lệnh Lục quân Iran, tướng Kiomars Kheidari, Tehran không chỉ quan tâm tới xe tăng T-90S nguyên chiếc nhập khẩu từ Nga, mà nước này có thể mở rộng hầu bao để được chuyển giao công nghệ lắp ráp dòng xe tăng này trong nước. Mô hình như vậy từng rất thành công ở Ấn Độ với phiên bản xe tăng T-90S Bhismas.

 

Đối với hải quân, dù Iran rất quan tâm tới việc thuê các tàu ngầm hạt nhân của Nga, nhưng đề nghị này rất khó được Moscow chấp thuận. Tuy nhiên, khả năng nâng cấp hay mua mới tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo rất khả thi về mặt tài chính và nhu cầu của Hải quân Iran.

Với các thông tin đã được công khai hiện tại, gần như chắc chắn sẽ có hợp đồng vũ khí cả gói lớn giữa Iran và Nga ngay khi lệnh cấm vận vũ khí hết hạn vào tháng 10-2020. Những hợp đồng này sẽ vấp phải sự phản đối từ Mỹ và các quốc gia đối địch với Iran trong khu vực, nhưng nó sẽ không ngăn cản được quyết tâm của Tehran và quan điểm của Moscow về vấn đề này.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm