Quốc tế

K21-105 Hàn Quốc có thể thay thế xe tăng hạng nhẹ PT-76 trong Quân đội Việt Nam?

DNVN - Hiện nay, nhu cầu về một loại xe tăng hạng nhẹ có hỏa lực mạnh dành cho lính thủy đánh bộ cũng như bộ binh cơ giới nhằm thay thế PT-76 ngày càng trở nên cấp thiết đối với nhiều quân đội.

T-15 Armata liệu có xứng danh xe chiến đấu bộ binh tương lai? / Ứng viên sáng giá mới cho vị trí pháo tự hành tương lai của Lục quân Việt Nam?

Hiện tại lực lượng xuyên phá của lính thủy đánh bộ nhiều quốc gia vẫn phải dựa hoàn toàn vào xe tăng lội nước PT-76 của Liên Xô sản xuất. Vũ khí này tồn tại nhiều nhược điểm như đã quá cao tuổi, giáp yếu và đặc biệt là hỏa lực thua sút rất nhiều so với xe tăng hạng nhẹ hiện đại.

Ứng viên hàng đầu được nhắc tới cho vai trò thay thế PT-76 chính là xe tăng hạng nhẹ (hay còn gọi là pháo tự hành diệt tăng) 2S25 Sprut-SD của Nga. Phương tiện này có các ưu điểm như khả năng bơi linh hoạt, trang bị pháo chính 125 mm hỏa lực mạnh mẽ và tạo sự đồng bộ về vũ khí trang bị.

Đáng tiếc là hiện nay Sprut-SD lại chưa được chính Quân đội Nga tin dùng và đặt hàng số lượng lớn. Nguyên nhân là do nó sử dụng khung thân của xe bọc thép nhảy dù BMD giáp quá mỏng, động cơ hoạt động chưa tin cậy và rất dễ cháy khi làm việc ở công suất cao và giá thành còn đắt ngang với T-90S.

Xe tăng hạng nhẹ K21-105 của Hàn Quốc trong một cuộc triển lãm quân sự. Ảnh: Military Today.

Xe tăng hạng nhẹ K21-105 của Hàn Quốc trong một cuộc triển lãm quân sự. Ảnh: Military Today.

Trong diễn biến khác, khách hàng có thể chuyển hướng sang chiếc K21-105 do Hàn Quốc chế tạo, đây là mẫu xe tăng hạng nhẹ rất tiên tiến và có độ tin cậy cao, cực kỳ tiện nghi cho kíp chiến đấu.

Xe tăng hạng nhẹ K21-105 có trọng lượng chỉ 25 tấn, đây là thành viên của gia đình xe chiến đấu bộ binh K21 khi lắp thêm tháp pháo Cockerill CT-CV 105HP 105 mm của Bỉ.

Vỏ giáp của xe tăng K21-105 cung cấp sự bảo vệ an toàn trước đạn xuyên giáp cỡ 30 mm ở vòng cung phía trước, bên hông chịu được đạn xuyên lên tới 14,5 mm, các thông số trên vượt trội Sput-SD.

Chiếc K21-105 được lắp động cơ diesel tăng áp công suất máy 750 mã lực cho tốc độ tối đa 70 km/h trên đường tốt, tầm hoạt động 450 km, có thể bơi trên mặt nước với vận tốc 10 km/h.

 

Xe tăng hạng nhẹ K21-105 có tiềm năng xuất khẩu rất cao

Xe tăng hạng nhẹ K21-105 có tiềm năng xuất khẩu rất cao. Ảnh: Military Today.

Làm nên sức mạnh của xe tăng K21-105 chính là tháp pháo 105 mm Cockerill XC-8-105HP - sản phẩm của công ty quốc phòng CMI của Bỉ. Đây là tháp pháo dạng module nhỏ, nhẹ, được trang bị sẵn hệ thống điều khiển hỏa lực độc lập.

Tháp pháo này có thiết bị nạp đạn tự động khiến biên chế chiến đấu của kíp xe được giảm bớt. Các cảm biến hồng ngoại, laser lắp xung quanh mang lại khả năng tác xạ chính xác bất kể ngày đêm.

 

Khẩu pháo nòng trơn áp lực cao độ giật thấp Cockerill 105 mm được ổn định 2 trục, hầu như không gây ảnh hưởng đến khung gầm xe tăng hạng nhẹ, giúp xe có thể bắn trong khi bơi với độ chính xác rất cao.

Đặc biệt hơn, khẩu pháo 105 mm trên còn phóng được cả tên lửa chống tăng Falarick 105 GLATGM để tiêu diệt các loại xe tăng chiến đấu chủ lực từ cự ly trên 4 km. Khay đạn bố trí phía sau giúp nâng cao độ an toàn khi bị trúng đạn.

Ngoài ra xe tăng hạng nhẹ K21-105 còn đảm nhiệm được chức năng của pháo tự hành yểm trợ hỏa lực gián tiếp do nòng nâng lên được tới góc 42 độ với tầm bắn xa 15 km, khiến nó trở thành phương tiện chiến đấu "2 trong 1" độc đáo.

Điều quan trọng nhất được đánh giá mang lại lợi thế rõ ràng đó là Hàn Quốc cho biết họ sẵn sàng chuyển giao công nghệ để đối tác mua xe tăng K21-105 có thể lắp ráp tại chỗ, đây là điều mà Nga không bao giờ đồng ý khi bán Sprut-SD.

Với những ưu điểm trên, không loại trừ việc K21-105 sẽ được những quốc gia đang sử dụng PT-76 trong đó có Việt Nam lựa chọn, nhất là khi quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước ngày càng phát triển.

 

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm