Quốc tế

Khai mạc Diễn đàn Hòa bình Paris, điểm hẹn các sáng kiến về quản trị

Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ nhất đã khai mạc chiều ngày 11/11 tại trung tâm văn hóa La Villette, quận 19 thủ đô Paris, với sự tham dự của 60 nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia.

Uy lực tên lửa Nga mạnh cỡ nào khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước hạt nhân? / Đại chiến Syria: Khủng bố ồ ạt pháo kích giết nhiều binh sĩ chính phủ

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, đây là sự kiện nối tiếp lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, tổ chức sáng cùng ngày tại Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs Elysée. Diễn đàn là điểm hẹn của các dự án, sáng kiến và ý tưởng về quản trị thế giới, xoay quanh 5 chủ đề: Hòa bình và an ninh, phát triển, môi trường, kinh tế toàn diện, kỹ thuật số và công nghệ mới.

Tại lễ khai mạc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo thế giới hiện đang bị suy yếu bởi sự trở lại của nhiều điều đáng buồn: Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, phân biệt chủng tộc, tư tưởng cực đoan, nạn khủng bố…Ông hy vọng diễn đàn sẽ là "biểu tượng rực rỡ của hòa bình lâu dài giữa các quốc gia", chứ không phải là "hình ảnh khoảnh khắc cuối cùng của sự đoàn kết, trước khi thế giới chìm vào mớ hỗn độn mới."

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng dường như hiện đang xuất hiện một yếu tố địa chính trị "vô hình" nhưng đáng lo ngại vì tương tự như yếu tố đã dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Diễn đàn Hòa bình Paris. (Nguồn: US News & World Report)

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Diễn đàn Hòa bình Paris. (Nguồn: US News & World Report)

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Merkel khẳng định hợp tác quốc tế là cách duy nhất để ngăn chặn chiến tranh và khủng hoảng toàn cầu. Theo bà, hầu hết những thách thức và mối đe đọa ngày nay đều không thể được giải quyết chỉ bởi riêng một quốc gia nào đó. Tuy nhiên, những thách thức và vấn đề này sẽ được giải quyết chỉ khi các nước cùng hợp tác, hành động cùng nhau.

Đó cũng chính là lý do vì sao tất cả các nước trên thế giới nói chung và ở châu Âu nói riêng cần phải nỗ lực để hướng tới một sự hợp tác như vậy. Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh sự hợp tác quốc tế dựa trên những giá trị chung được ghi nhận trong các điều lệ và hiến chương Liên hợp quốc. Đó là cách duy nhất để vượt qua những nỗi sợ hãi và kinh hoàng của quá khứ cũng như mở ra một tương lai mới tốt đẹp hơn.

Diễn đàn Hòa bình Paris diễn ra trong 3 ngày, gồm 3 không gian kết nối với nhau. Không gian tranh luận là nơi các ý tưởng và sáng kiến được bàn thảo và đi đến các kết luận có thể thực thi. Tại không gian giải pháp, các cá nhân và tổ chức trình bày các dự án quản trị thế giới liên quan đến 5 chủ đề của diễn đàn. Không gian sáng tạo dành cho các nhóm lập trình và phát triển phần mềm về việc minh bạch các số liệu tài chính.

Đây là nơi chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp sáng tạo, quy tụ tất cả các chủ thể quản trị như nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia, nghị sĩ và đại biểu dân cử địa phương, tổ chức khu vực và quốc tế, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn, tôn giáo, quỹ đầu tư, báo chí truyền thông... Các dự án được thảo luận trong những khuôn khổ đa dạng và khuyến khích việc gặp gỡ giữa các bên triển khai dự án và các bên nắm quyền ra quyết định có liên quan.

Diễn đàn Hòa bình Paris là một phần của cuộc vận động do Tổng thống Emmanuel Macron khởi xướng, để tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và hành động tập thể nhằm đối mặt với các thách thức hiện nay. Mục tiêu đề ra là thúc đẩy hòa bình thông qua việc quản trị thế giới tốt hơn và khuyến khích mọi sáng kiến góp phần giảm bớt căng thẳng quốc tế, trong đó gồm hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết các thách thức vùng biên giới, quản lý tập thể các tài sản công của thế giới, điều tiết tốt hơn mạng Internet và các hoạt động trao đổi trên đó.

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trên thế giới hiện nay, Diễn đàn Hòa bình Paris có thiên hướng trở thành điểm hẹn hàng năm của các dự án, ý tưởng và sáng kiến, góp phần thực chất để có được một quá trình hợp tác quốc tế tốt hơn đối với các thách thức lớn toàn cầu, một quá trình toàn cầu hóa công bằng hơn và bình đẳng hơn, cũng như một hệ thống đa phương hiệu quả hơn.

Theo vietnamplus.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm