Kho dự trữ tên lửa của Nga “khủng” cỡ nào?
Australia viện trợ 41 tiêm kích F/A-18 Hornet cho Ukraine? / Súng cối tự hành 'nhảy dù' 2S41 Drok trực chiến
Sau khi giành lại nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn vào năm 2022, Ukraine đã tiến hành cuộc phản công nhằm vào các khu vực do Nga kiểm soát ở phía Nam và phía Đông. Tuy nhiên, Kiev đạt được rất ít bước tiến do hàng loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.
Nga phóng tên lửa phá hủy kho vũ khí Ukraine tại Lviv. Ảnh: pravda
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2/2022, Nga đã sử dụng hơn 5.000 tên lửa và máy bay không người lái tấn công Ukraine, hầu hết là các loại tên lửa thông thường có trong kho vũ khí của nước này”.
Để duy trì cường độ tấn công, Moscow được cho là đã khai thác đáng kể kho dự trữ tên lửa đồng thời nỗ lực tìm kiếm nguồn cung, thậm chí nhập khẩu từ các quốc gia khác. Theo giới phân tích, tấn công bằng tên lửa vẫn là một trong những chiến thuật chính của Nga và Moscow sẽ không có nguy cơ sớm cạn kiệt nguồn cung bất chấp thách thức kể trên.
Tên lửa phóng từ trên không, trên biển và đất liền
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết tên lửa mà Nga dùng để tấn công Ukraine được phóng từ máy bay chiến đấu, chủ yếu là máy bay ném bom Tu-95, Tu-22M, Tu-160 và Su-24, Su-35.
Theo báo cáo của CSIS, tên lửa phóng từ trên không chiếm số lượng lớn nhất và đa dạng nhất trong kho vũ khí của Nga. Ước tính, Nga đã phóng hơn 2.700 loại tên lửa này từ các máy bay chiến đấu bên ngoài không phận Ukraine trong 5 tháng đầu tiên của cuộc xung đột.Tiêm kích Su-35 của Nga (Ảnh: RT).
Các tên lửa hành trình tầm xa phổ biến nhất mà Nga sử dụng là Kh-101 và Kh-555. Chúng thường được phóng từ không phận Nga, đôi khi từ các khu vực xa xôi như Biển Caspian, Biển Đen hay lãnh thổ nước láng giềng Belarus. Nga được cho là đã phóng hơn 600 tên lửa tầm xa kể từ khi xung đột bùng phát.
Kh-101, được giới thiệu vào năm 2012, là tên lửa hành trình tầm xa có tốc độ bay cận âm cực kỳ hiện đại, đạt tầm bắn 5.000 km. Chúng có đầu đạn nặng 400kg, sử dụng hệ thống định vị vệ tinh để tiếp cận mục tiêu. Điều đặc biệt là tên lửa hành trình Kh-101 có khả năng tàng hình và bay ở độ cao thấp, điều này khiến cho việc phát hiện và bắn hạ chúng khá khó khăn.
Kh-555 là phiên bản nâng cấp của Kh-55, được giới thiệu vào năm 1984, có thể mang cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân có sức công phá từ 200 đến 250 kiloton. So với tên lửa cũ, Kh-555 có hệ thống dẫn đường tiên tiến hơn, tầm bắn mở rộng và tiết diện radar giảm.
Loại vũ khí phóng từ trên không hiện đại nhất mà Nga đã sử dụng trong cuộc xung đột tính đến thời điểm hiện tại là tên lửa Kh-47 Kinzhal, đây là vũ khí siêu thanh đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu. Theo thông báo của phía Nga, tên lửa có tầm bắn từ 1.500 đến 2.000km khi mang đầu đạn nặng 480kg. Nó có thể đạt tới tốc độ Mach 10 (12.250km/h). Quân đội Nga nhiều lần mô tả Kinzhal là tên lửa siêu vượt âm bất khả xâm phạm, nhờ có khả năng cơ động và bay theo những quỹ đạo khó đoán nhưng Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 7 tên lửa này bằng tổ hợp phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.
Nga cũng sử dụng nhiều tên lửa không đối đất khác, chẳng hạn như Kh-25, Kh-29, Kh-31, Kh-58 và Kh-59. Kh-22 - tên lửa chống hạm phóng từ trên không được sử dụng để tiêu diệt các tàu sân bay hoặc mục tiêu trên bộ. Ngoài ra, Moscow còn triển khai một loạt tên lửa phóng từ mặt đất như tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9M728 và 9M723 Iskander hiện đại và tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U.
Nga cũng sử dụng tên lửa đánh chặn từ các tổ hợp phòng không S-300 và S-400 để tấn công các mục tiêu của Ukraine. Tuy nhiên, tên lửa này được cho là lựa chọn không mấy phù hợp để thay thế cho các tên lửa dẫn đường chính xác vì chúng có đầu đạn nhỏ hơn, sử dụng radar bán chủ động, do vậy kém chính xác khi thực hiện các cuộc tấn công mặt đất.
Báo cáo của CSIS ước tính rằng Nga có 500 bệ phóng S-300 và 8.000 tên lửa đánh chặn. Với số lượng lớn tên lửa S-300 này, Nga có thể liên tục duy trì sức ép lên hệ thống phòng không của Ukraine.
Đối với tên lửa phóng từ trên biển, Nga đã sử dụng tên lửa hành trình chống hạm P-800 Oniks phóng từ hệ thống phòng thủ bờ biển di động Bastion-P vào các mục tiêu trên bộ của Ukraine. P-800 có thiết bị tìm kiếm radar chủ động, được dùng để tấn công các tàu chiến được bảo vệ nghiêm ngặt.
Các tàu chiến và tàu ngầm của Nga ở Biển Đen và Biển Caspi cũng đã bắn tên lửa hành trình 3M-14 Kalibr vào các mục tiêu Ukraine. Kalibr đang được coi là một trong nhiều vũ khí chủ lực của Nga với tầm bắn từ 1.500 km đến 2.500 km. Tên lửa có thể mang đầu đạn nặng 400 - 500 kg, tốc độ Mach 3, đủ sức phá hủy các căn cứ kiên cố của đối phương.
Năng lực sản xuất tên lửa “không phải dạng vừa” của Nga
Chiến dịch tấn công bằng tên lửa của Nga đã phần nào cho thấy cách Moscow sử dụng cũng như chế tạo những loại vũ khí này. Việc Nga sử dụng quá nhiều tên lửa cùng các biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có của phương Tây đối với nước này đã dẫn đến những suy đoán về giới hạn kho dự trữ tên lửa của Nga. Nhưng kho dự trữ đó có thể sẽ không bao giờ cạn kiệt, nhà phân tích Ian Williams, phụ trách Dự án Phòng thủ tên lửa tại CSIS nhận định.
Nga có thể đã “nhanh chóng sử dụng hết” các tên lửa tầm xa mà nước này phân bổ cho chiến dịch quân sự, nhưng họ đang tìm cách xoay sở để đảm bảo ổn định nguồn cung, trong đó có việc tái phân bổ từ các khu vực khác, cũng như tái trang bị hoặc thiết lập lại nhiệm vụ đối với tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm, ông Ian Williams lưu ý.
Ông Williams đánh giá: “Các cuộc tấn công liên tục của Nga kể từ đầu năm đến nay cho thấy một điều khá rõ ràng là họ khó có khả năng cạn kiệt hoàn toàn tên lửa. Bất chấp các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, Nga vẫn có thể sản xuất tên lửa và duy trì khả năng tấn công tầm xa cần thiết để gây thiệt hại đáng kể cho quân đội Ukraine”.
Khi giao tranh tăng nhiệt, Nga đã tăng cường sử dụng các loại máy bay không người lái cảm tử như Shahed-136 hay Lancet tập kích cơ sở hạ tầng và căn cứ quân sự của đối phương. Ước tính số lượng UAV mà Nga tiển khai đã tăng từ 40% trong quý đầu tiên năm 2023 lên đến 60% trong quý 2. Điều này cho phép Nga dự trữ các tên lửa tinh vi để tấn công những mục tiêu quan trọng hơn.
Bên cạnh đó, Moscow cũng tìm mọi cách thúc đẩy năng lực sản xuất tên lửa. Các quan chức Mỹ cho rằng, các nhà sản xuất Nga đang lấy các linh kiện điện tử từ thiết bị quân sự và từ các sản phẩm dân sự, như máy rửa bát, để chế tạo tên lửa. Nga cũng được cho là mua các bộ phận do phương Tây sản xuất thông qua thị trường chợ đen hoặc các nước trung gian để chế tạo các loại vũ khí khác chẳng hạn như máy bay không người lái Orlan-10.
Ông Williams trích dẫn các đánh giá tình báo Ukraine từ tháng 5/2023 cho rằng, Nga đang sản xuất khoảng 60 tên lửa hành trình, 5 tên lửa đạn đạo Iskander và 2 tên lửa Kinzhal mỗi tháng.
Việc Nga tiếp tục tăng cường khả năng mua và chế tạo tên lửa, máy bay không người lái đã khiến Ukraine đứng trước sức ép "phải tìm cách duy trì hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không mạnh mẽ" và Kiev đang kêu gọi sự hỗ trợ liên tục từ Mỹ và các nước châu Âu để thực hiện điều này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo