Khu vực Đông Nam Á và Nam Á thu hút đầu tư
Năm 2023, trong khi nền kinh tế tại nhiều khu vực trên thế giới vẫn đang gặp nhiều trở ngại thì khu vực Đông Nam Á và Nam Á lại được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh.
Nỗi lo về lạm phát đè nặng lên giá vàng châu Á / Kinh tế Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt
Ảnh minh họa
Nói về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mới đây nhất ngân hàng phát triển châu Á ADB dự báo khu vực này sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay, trong đó vùng Nam Á, và Đông Nam Á hưởng lợi trực tiếp từ nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng - du khách quay trở lại - còn lạm phát cũng bắt đầu quay về mốc trước đại dịch COVID-19. Một trong những động lực tăng trưởng lớn đến từ việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm phong toả nghiêm ngặt vì COVID-19.
Nhưng theo ông Dan Harris, Nhà sáng lập hãng luật Harris Bricken, Mỹ, với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn về luật quốc tế cho các doanh nghiệp Âu Mỹ, những năm gần đây, các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan hay là Nam Á như Ấn Độ, Nepal lại đang toả sáng như những điểm nóng mới về dây chuyền sản xuất - khiến các công ty Âu Mỹ muốn đầu tư - thay vì chọn phương án quen thuộc là vào Trung Quốc.
Ông Dan Harris nói: "Ví dụ về đồ jeans, Trung Quốc từng đứng đầu trong ngành may mặc đồ jeans xuất khẩu sang Mỹ, nhưng bây giờ Trung Quốc đang ở vị trí thứ 5 còn Việt Nam và Bangladesh lại vượt lên".
Cả Việt Nam và Ấn Độ đều được dự đoán tăng trưởng trên 6% cho năm nay và năm sau. Theo ngân hàng ADB, đó là nhờ nhu cầu nội địa phục hồi, hoạt động sản xuất được nối lại, và dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ về.
Ông Dan Harris cho biết thêm: "Nhiều doanh nghiệp Mỹ có ấn tượng rằng Việt Nam là một quốc gia nhỏ bé nhưng các bạn đứng thứ 15 trên thế giới về dân số. Môi trường kinh tế cũng như chính trị ổn định, tạo tâm lý tự tin cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, một vài điểm hạn chế có thể kể đến như khâu hậu cần vận chuyển hàng hoá - hay logistic - vẫn chưa phát triển hoàn toàn. Một số doanh nghiệp mà tôi đã tư vấn, họ lo ngại về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - thương hiệu của họ tại Việt Nam".
Theo bài báo mới đây trên Bloomberg, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia nổi lên như "những người chiến thắng sớm" vào năm 2023 khi chính quyền Mỹ đa dạng nguồn cung ứng chip bán dẫn của nước này. Đáng chú ý, Việt Nam chiếm hơn 10% hàng nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp. Ấn Độ chứng kiến các lô hàng bán dẫn của nước này sang Mỹ tăng 34 lần lên 152 triệu USD trong khi Campuchia cũng tăng ấn tượng gần 7 lần lên 166,3 triệu USD - một con số chưa từng có trong những năm trước.
Bloomberg cho biết, số liệu tháng 2 là số liệu mới nhất cho thấy Mỹ đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng thiết bị điện tử bao gồm thông qua các động thái như việc Tập đoàn Apple chuyển dần dây chuyền sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc sang thị trường khác tại Nam Á và Đông Nam Á.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo