Quốc tế

Kịch bản Syria đang lặp lại tại Libya: Tuyên bố hòa bình nằm trên giấy, thực tế trở thành chiến tranh ủy nhiệm

Hội nghị Berlin về Libya-bước đầu tiên trên con đường ngàn dặm tìm ra giải pháp cho cuộc nội chiến Libya, nhiều khó khăn, thách thức còn đang chờ phía trước.

Súng máy hạng nặng Kord bị "ông lão" Mỹ vượt mặt: Công nghệ gì mà Nga chưa thể áp dụng? / NÓNG: Lực lượng Mỹ, Anh và 8 nước châu Âu rầm rập áp sáp Iran - Hàn Quốc cũng tham chiến

Khởi đầu cho một giải pháp giải quyết xung đột

Ngày 19/1/2020, theo lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Libya đã được tổ chức tại Berlin. Tham gia hội nghị có nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ của 12 nước, trong đó có Thủ tướng Đức A. Merkel, Tổng thống Nga V. Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan, Tổng thống Pháp E. Macron, Thủ tướng Anh B. Johnson, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte, Tổng thống Ai Cập A. F. Al-Sissi, Thủ tướng Algeria Abdelmajid Tebboune, Tổng thống Congo Felix Tshisekadi và Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo, ngoại trưởng các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)l đại diện Trung Quốc. Tướng K. Haftar, Tư lệnh quân đội quốc gia Libya (NLA) và Thủ tướng chính phủ hoà hợp dân tộc (GNA) cũng được mời đến dự.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Ả Rập (AL), Liên minh châu Phi (AU) và Đặc phái viên của Liên họp quốc về Libya Ghassan Salame cũng đã tham dự. Đây là Hội nghị quốc tế đầu tiên về Libya với sự tham gia đông đảo của nhiều nước.

Kịch bản Syria đang lặp lại tại Libya: Tuyên bố hòa bình nằm trên giấy, thực tế trở thành chiến tranh ủy nhiệm - Ảnh 1.

Ảnh: Đỗ Linh

Thủ tướng Đức, Angela Merkel, nói rằng Hội nghị Berlin đã đạt được một số thoả thuận tích cực, trong đó có cam kết thực hiện lệnh cấm vận cung cấp vũ khí cho Libya và thành lập một Uỷ ban quân sự giám sát lệnh ngừng bắn giữa các bên tham chiến tại nước này. Bà nói thêm, Hội nghị Berlin là "khởi đầu của một giải pháp cho cuộc xung đột tại Libya".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres cho rằng kết quả của Hội nghị sẽ góp phần chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tại Libya. Trong khi đó, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya Ghassan Salame nói: "Hôm nay là một ngày tuyệt vời, bởi vì nó cho chúng ta sức mạnh tinh thần để tiếp tục các nỗ lực nhằm thực hiện các thỏa thuận của Hội nghị Berlin."

Hội nghị hoan nghênh sự suy giảm rõ rệt về mức độ bạo lực gần đây ở Libya, đánh giá cao các cuộc đàm phán được tổ chức tại Moscow ngày 13/1/2020 giữa Thủ tướng chính phủ Hoà hợp dân tộc (GNA) Fayez Sarraj và Tư lệnh quân đội quốc gia Libya (NLA) tướng K. Haftar theo sáng kiến của Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan và tất cả các sáng kiến ​​quốc tế khác nhằm đi đến ký kết một thỏa thuận ngừng bắn bền vững, vĩnh viễn tại Libya.

Hội nghị cam kết tôn trọng và chấp hành nghiêm túc lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya theo Nghị quyết 1970 năm 2011 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các nghị quyết tiếp theo về việc này. Hội nghị cũng khẳng định sẽ thắt chặt các biện pháp giám sát việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí và tăng cường cơ chế của Liên Hợp Quốc để đảm bảo thực thi nghị quyết này, tránh bất kỳ hành động nào làm nghiêm trọng thêm xung đột.

Các bên ủng hộ việc thành lập quân đội quốc gia Libya, cảnh sát và lực lượng an ninh thống nhất dưới sự quản lý của chính quyền dân sự trung ương trên cơ sở quá trình đàm phán và các nghị quyết của Hội nghị Cairo.

 

Hội nghị nhấn mạnh, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia là cơ quan dầu mỏ hợp pháp duy nhất theo các nghị quyết 2259 và 2441 của Hội đồng Bảo an, bác bỏ mọi hành động phá hoại các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Libya và tất cả các công việc bất hợp pháp trong việc mua bán dầu thô hoặc các sản phẩm dầu ngoài tầm kiểm soát của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.

Các bên tuyên bố tuyên bố ý định thành lập Ủy ban quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc để tiếp tục phối hợp giám sát việc thực hiện kết quả của Hội nghị Berlin.

Xung đột Libya đang trở thành chiến tranh ủy nhiệm

Hội nghị Berlin là một bước tích cực trên con đường giải quyết cuộc xung đột ở Libya. Tuy nhiên, việc thực hiện nội dung Tuyên bố của Hội nghị không hề dễ dàng, nó không chỉ phụ thuộc vào hai phe tham chiến chính tại Libya của tướng K. Hafta và Thủ tưởng chính phủ GNA F. Sarraj, mà còn tuỳ thuộc rất nhiều vào các bên nước ngoài đang ủng hộ hai phe khác nhau.

Khó khăn và phức tạp nhất nằm ở mâu thuẫn giữa hai trung tâm quyền lực của cuộc xung đột Libya: F. Sarraj và K. Haftar và cách thức các bên tham gia cuộc xung đột bên trong cũng như bên ngoài thực hiện các nghị quyết của Hội nghị.

 

Kịch bản Syria đang lặp lại tại Libya: Tuyên bố hòa bình nằm trên giấy, thực tế trở thành chiến tranh ủy nhiệm - Ảnh 3.

Ảnh: Đỗ Linh

Quân đội của tướng K. Haftar hiện kiểm soát hơn 80% lãnh thổ Libya và hầu hết các mỏ dầu lớn ở miền Đông liệu có sẵn sàng thoả hiệp hay không?

Việc giám sát lệnh cấm vận vũ khí là một việc làm tích cực, vì bất kỳ sự trợ giúp quân sự nào cũng sẽ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột. Câu hỏi đặt ra là, do các lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh của mình liệu Thổ Nhĩ Kỳ có sẵn sàng ngừng đưa quân và cung cấp vũ khí cho K. Sarraj sau khi đã ký Hiệp định hợp tác quân sự với GNA và đã được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hay không? Liệu Ai Cập có chấm dứt ủng hộ tướng K. Haftar hay không? Ở đây chưa nói đến vai trò hết sức quan trọng của Nga và các nước khác có quan điểm và lợi ích rất khác nhau tại Libya.

Ngày 13/12/2019, phát biểu tại Brussels, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói "cuộc xung đột ở Libya đang trở thành một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm qua tay người khác." Nhiều nhà phân tích chính trị cùng chia sẻ ý kiến ​​này.

Trong cuộc nội chiến đang diễn ra ở Libya, Nga, Ai Cập, UAE, Ả Rập Saudi, Hi Lạp và Pháp ủng hộ Tướng Khalifa Haftar. Chính phủ Hoà hợp dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez Sarraj được Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và một số nước khác ủng hộ. Mỹ giữ thái độ trung lập. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được coi là hai người chơi chính tại Libya xung đột với nhau về lợi ích do một bên ủng hộ F. Sarraj và bên kia ủng hộ K. Haftar. Gần đây, một số phương tiện truyền thông quốc tế đã đưa tin rằng Moscow đang tích cực can thiệp vào cuộc xung đột quân sự ở Libya.

 

Kịch bản Syria đang lặp lại tại Libya: Tuyên bố hòa bình nằm trên giấy, thực tế trở thành chiến tranh ủy nhiệm - Ảnh 4.

Ảnh: Đỗ Linh

Moscow duy trì duy trì các mối quan hệ với chính phủ ở Tobruk. Các công ty năng lượng của Nga đã ký hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC). Có nhiều bằng chứng cho thấy Putin đang đặt cược vào chiến thắng của Tướng K. Haftar, một sỹ quân được đào tạo tại Liên Xô trước đây, trong cuộc đấu tranh giành quyền lực ở Libya.

Sự giúp đỡ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho F. Saraj hoàn toàn không phải vô tư, mà là để đổi lấy việc F. Sarraj sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện học thuyết "Quê hương xanh - Mavi Vatan" do cựu đô đốc Ramadan Cem Gurdeniz của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trước đây.

Ngày 28/11/2019 R. Erdogan và F. Sarraj đã ký Thỏa thuận hợp tác về biên giới, quốc phòng và hàng hải. Hai nhà lãnh đạo đã tự ý hoạch định đường biên giới trên biển ở Địa Trung Hải, mà không thương lượng với các nước liên quan, trong đó có Síp và Hy Lạp.

Theo thỏa thuận, các vỉa dầu khí nằm trong thềm lục địa của Síp thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng việc ký kết thoả thuận này, F. Sarraj đã tạo tiền lệ cho việc mở rộng không gian địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2006, Đô đốc Gurdeniz đề xuất mở rộng chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ lên 462 nghìn Km2 ở Địa Trung Hải, Biển Aegean và Biển Đen.

 

Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất quan tâm tới các mỏ dầu lớn, các nhà máy lọc dầu và các hải cảng ở phía đông Libya hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Quân đội Quốc gia Libya (NLA) của tướng K. Haftar.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch đưa quân sang Libya là nhằm thực hiện chính sách của R. Erdogan nhằm khôi phục lại đế chế Ottoman, tăng cường ảnh hưởng của của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực đã từng là một phần của Đế chế Ottoman. Cho đến năm 1912, Libya nằm dưới sự đô hộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Erdogan làm mọi cách để giữ F. Sarraj ở lại nắm quyền. Nếu tướng K. Haftar lật đổ được F. Sarraj lên cầm quyền, ông có thể chấm dứt thỏa thuận gây tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ.

Kịch bản Syria đang được lặp lại tại Libya với sự can dự của nhiều nước có lợi ich khác nhau. Tuyên bố Berlin mới chỉ là những ý tưởng nằm trên giấy, hoà bình cho đất nước Libya còn hết sức xa vời.

Nguồn gốc cuộc xung đột Libya

Sau khi NATO tấn công quân sự lật đổ chế độ Jamahiriya và giết hại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011, cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái và lực lượng chính trị ở Libya đã bùng nổ. Tháng 6/2014, cuộc bầu cử Quốc hội đã được tổ chức tại Libya, Liên minh chống Hồi giáo gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc và tự do, được Tướng Khalifa Haftar ủng hộ đã giành được thắng lợi.

 

Những người Hồi giáo không công nhận kết quả bầu cử. Xung đột giữa các bên leo thang thành một cuộc nội chiến kéo dài cho đến ngày nay. Quốc hội được bầu đã buộc phải di chuyển từ Tripoli đến thành phố Tobruk ở phía đông Libya.

Liên Hợp Quốc đã có nhiều cố gắng để hòa giải giữa hai phe xung đột và chấm dứt đổ máu. Tại Tripoli, một chính phủ hoà hợp dân tộc (GNA) được thành lập do Fayez Sarraj đứng đầu. Kể từ đầu năm 2016, về lý thuyết GNA là người cai trị đất nước, nhưng cho đến nay, GNA chỉ kiểm soát được một phần lãnh thổ nhỏ bé ở Thủ đô Tripoli và các một số vùng lân cận. Trong khi đó, chính phủ Tobrouk của tướng K. Haftar hiện kiểm soát hơn 80% lãnh thổ và hầu hết các mỏ dầu ở Libya.

Trong khi đó, Quốc hội ở Tobruk đã bổ nhiệm Tướng Khalifa Haftar làm Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (NLA). Tướng Haftar và các cơ cấu quyền lực ở phía đông không công nhận chính quyền Sarraj và tháng 4/2019, quân đội NLA của tướng K. Haftar đã mở một chiến dịch quân sự lớn vào Tripoli nhằm lật đổ chính phủ GNA của F. Sarraj.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm