Kinh tế suy giảm, Nga hạ lãi suất cho vay xuống còn 17%
Thị trường vũ khí hạt nhân toàn cầu tăng trưởng đáng lo ngại / Chiến sự Ukraine: Tại sao trận đánh của Nga ở Donbass tới đây sẽ rất khó khăn?
Ngân hàng Trung ương Nga từng tăng lãi suất cho vay hơn 2 lần hồi cuối tháng 2 để kích thích đồng ruble tăng giá sau khi Mỹ và các đồng minh phương tây công bố các biện pháp trừng phạt tài chính khắc nghiệt với Nga, như đóng băng phần lớn dự trữ ngoại hối, sau khi Moscow khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Với việc hạ lãi suất, Ngân hàng Trung ương này quyết định chuyển trọng tâm chính sách sang kích thích nền kinh tế vốn đang gặp khó. Còn những nỗ lực ổn định hệ thống tài chính của Nga dường như đã ra “trái ngọt”, giới phân tích cho hay.
“Quyết định hạ lãi suất thể hiện việc tái cân bằng các rủi ro từ đẩy nhanh tăng trưởng giá tiêu dùng, hoạt động kinh tế suy giảm và rủi ro với sự ổn định tài chính”, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo. Mặc dù các tác nhân bên ngoài sẽ hạn chế đáng kể hoạt động kinh tế, rủi ro đối với sự ổn định tài chính đã không còn tăng lên.
Cơ quan này cũng cho biết các nhà hoạch định chính sách nhận thấy tốc độ tăng giá tiêu dùng đang chậm lại nhờ giá trị của đồng ruble phục hồi. Đồng ruble tăng trở lại sau đợt giảm mạnh khi Nga áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt, khiến khả năng mua ngoại tệ của người dân bị hạn chế và giới đầu tư nước ngoài không thể đầu tư vào Nga. Đồng ruble giao dịch ở khoảng 79 ruble đổi 1 USD trong phiên 8/4, gần với mức giá của thời điểm trước chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine của Moscow.
Theo bà Sofya Donets, chuyên gia kinh tế về Nga tại Ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, các biện pháp này giúp Ngân hàng Trung ương Nga bớt phụ thuộc vào chính sách tăng lãi suất để hỗ trợ nội tệ, và có thể tập trung vào việc hỗ trợ nền kinh tế vượt qua nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.
“Đà tăng giá gần đây của đồng ruble là một dấu hiệu cho thấy các biện pháp kiểm soát vốn đang có hiệu quả. Đây không còn là một nền kinh tế mở nữa mà là một hệ thống tài chính đóng nên chính sách lãi suất sẽ hoạt động theo hướng khác. Kinh tế Nga đang gặp cú sốc về nguồn cung nên họ sẽ cần phải tái thiết lại chuỗi cung ứng. Điều này phụ thuộc vào sự sẵn có của nguồn tín dụng”, bà Donets nói.
Các chuyên gia kinh tế tại Viện Tài chính Quốc gia của Nga ước tính, GDP của Nga sẽ giảm 15% trong năm nay, tương đương mức tăng trưởng của hơn 15 năm qua bị xoá sổ hoàn toàn. Giới phân tích cho rằng, Ngân hàng Trung ương nước này sẽ giảm lãi suất hơn nữa.
Igor Rapokhin, chiến lược gia thị trường trái phiếu cấp cao tại SberCIB Investment Research, nhận định: “Nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tương tự, lãi suất có thể giảm về 10% vào cuối năm nay. Không thể loại trừ khả năng lãi suất sẽ giảm về 15% trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 29/4”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo