Quốc tế

Thị trường vũ khí hạt nhân toàn cầu tăng trưởng đáng lo ngại

Một bản báo cáo mới nhất về vũ khí hạt nhân của Allied Market Research cho thấy thị trường vũ khí hạt nhân toàn cầu đang có sự tăng trưởng đáng lo ngại.

Bộ Quốc phòng Nga: Lính đánh thuê nước ngoài bị nhốt trong Mariupol / Công nghiệp 'vũ khí copy' của Trung Quốc chao đảo vì một cái tên nóng: Vì sao họ lo ngại?

Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research, có trụ sở tại bang Oregon (Mỹ), trong 10 năm tới thị trường tên lửa và bom hạt nhân toàn cầu sẽ vượt mức 126 tỷ USD, tức là tăng gần 73% so với thời điểm của năm 2020.

Báo cáo cho biết, sự gia tăng của các xung đột địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là tại Đông Âu, và việc tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng của các nước sẽ dẫn đến sự mở rộng của thị trường vũ khí hạt nhân với tốc độ trung bình 5,4% hàng năm từ nay đến 2030.

Bà Beatrice Fihn - Giám đốc điều hành Chiến dịch quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân cho biết: "Chúng tôi cũng thấy xu hướng đáng lo ngại với tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Vương quốc Anh tuyên bố tăng 40% kho vũ khí hạt nhân, trong khi Trung Quốc cũng đã tăng kho vũ khí hạt nhân của họ".

Báo cáo cũng dự báo, nhu cầu đầu đạn hạt nhân loại nhỏ có thể triển khai thông qua máy bay, tên lửa đất đối không cũng sẽ tăng nhanh. Ngoài ra, thị trường vũ khí hạt nhân dự báo sẽ tăng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi khu vực Bắc Mỹ từng chiếm hơn nửa thị trường toàn cầu trong năm 2020.

Thị trường vũ khí hạt nhân toàn cầu tăng trưởng đáng lo ngại - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói: "Các quốc gia tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của họ, mối đe dọa hạt nhân đạt đến mức chưa từng thấy trong gần bốn mươi năm qua".

Các loại vũ khí sẵn sàng khai hỏa chiếm tới hơn 2/3 thị phần trên thị trường vũ khí hạt nhân toàn cầu trong năm 2020, do các nước tăng cường đầu tư cho kho vũ khí hạt nhân và gia tăng mua sắm các đầu đạn mới.

Một nội dung cũng vừa được cập nhật trong bản báo cáo tuần qua là hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ đều đang củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo số liệu của Chiến dịch quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân thì Nga và Mỹ đang nắm giữ tới hơn 90% kho vũ khí của thế giới và nhất cử nhất động của hai nước này đều rất đáng chú ý.

Mỹ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân

Mức ngân sách quốc phòng mà Tổng thống Mỹ đề xuất Quốc hội phê chuẩn năm 2023 ở mức hơn 773 tỷ USD, tăng 4% so với năm nay, với mục tiêu là để hiện đại hóa quân đội, trong đó có kế hoạch tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hiện địa hóa bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược.

Bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược bao gồm tàu ngầm tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom và tên lửa đất đối không. Các khoản chi này bao gồm gần 35 tỷ USD cho các doanh nghiệp hạt nhân, hơn 6 tỷ USD cho tàu ngầm lớp Columbia, 5 tỷ USD cho máy bay ném bom B21 và 3,6 tỷ USD cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ tiếp theo cùng 4,8 tỷ USD cho hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân.

Thị trường vũ khí hạt nhân toàn cầu tăng trưởng đáng lo ngại - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Biden đánh giá kế hoạch này là một trong những khoản đầu tư lớn nhất cho an ninh quốc gia của Mỹ, để đảm bảo rằng quân đội Mỹ được chuẩn bị và trang bị tốt nhất.

Bộ Quốc phòng Mỹ chuẩn bị kế hoạch ngân sách này trong tháng 1, tức là trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine, vì vậy kế hoạch chi tiêu này có thể sẽ tiếp tục được cập nhật, bổ sung và tăng thêm để đáp ứng với những diễn biến mới của tình hình thế giới.

Nga bác bỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân

Về phía Nga, trong cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay, Tổng thống Putin từng đặt lực lượng hạt nhân Nga vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, quan chức Nga tại LHQ đã bác bỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine.

Thực tế Moscow đã từng đưa ra thông điệp về chính sách an ninh của mình, theo đó vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng khi phải đáp trả chính việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Nga và các nước đồng minh của Nga, hoặc khi có mối đe dọa thực sự đến sự tồn vong của đất nước. Và như tuyên bố của đại diện Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy, những tiêu chí này không thể áp dụng cho tình hình ở Ukraine và khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở đây được cho là không có cơ sở.

Thị trường vũ khí hạt nhân toàn cầu tăng trưởng đáng lo ngại - Ảnh 3.

Mặc dù chính Tổng thống Nga Putin trước đó từng đặt lực lượng hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, nhưng giới phân tích vẫn cho rằng cho tới nay, các hành động của Nga dường như đều nhất quán với những gì mà nước này đưa ra về vai trò của vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột như ở Ukraine: Đó là ngăn cản nó leo thang thành một cuộc chiến lớn hơn. Với Nga thì đây vẫn là một chiến dịch quân sự đặc biệt để đạt được mục tiêu chính trị quân sự.

Nói một cách khác, những cảnh báo hạt nhân của Nga có mục tiêu ngăn chặn một cuộc xung đột địa phương leo thang thành cuộc chiến khu vực. Và các nước phương Tây dường như cũng "đọc" được thông điệp này của Nga khi nhiều lần tuyên bố sẽ không đưa quân tới Ukraine. Cả Nga và phương Tây đều hiểu, nếu vượt qua ngưỡng chiến tranh hạt nhân, thì đây sẽ là tình huống nguy hiểm cho tất cả các bên.

Không ai thắng trong chiến tranh hạt nhân

Có thể khẳng định, các hiệp ước quốc tế cùng các nghị quyết của LHQ đã góp phần hình thành khuôn khổ pháp lý, các chuẩn mực quốc tế về giải trừ và cấm vũ khí hạt nhân. "Vũ khí hạt nhân không phải để tự vệ, mà là tự sát" - đó là thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guteres nhân ngày Quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Lịch sử đã cho thấy mức độ hủy diệt do vũ khí hạt nhân gây ra và nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân sẽ không có bên nào chiến thắng.

Thị trường vũ khí hạt nhân toàn cầu tăng trưởng đáng lo ngại - Ảnh 4.

Hai quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nhật Bản năm 1945 là lần đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm này, vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến tranh. Little Boy - quả bom được thả xuống Hiroshima có sức công phá khoảng 13-18 kiloton. Fat Man - quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagasaki, có sức công phá 21 kiloton. Và chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu được sự tàn phá khủng khiếp đó.

Ông Sumiteru Taniguchi - Người sống sót sau vụ ném bom Nagasaki kể: "Khi mọi thứ lắng xuống, tôi nhận ra rằng da của cánh tay trái, từ vai đến đầu các ngón tay của tôi, cứ thế kéo dài xuống như một miếng giẻ. Chiếc xe đạp của tôi hoàn toàn bị xoắn lại như một viên kẹo".

Vụ ném bom Hiroshima đã khiến 140 nghìn người dân thành phố này thiệt mạng. Vụ ném bom Nagasaki 3 ngày sau đó đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 74 nghìn người nữa. Kể từ sau hai vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, vũ khí hạt nhân vẫn tiếp tục được kích nổ hơn 2.000 lần để thử nghiệm và phô trương sức mạnh quân sự.

Bom Sa hoàng của Liên Xô là quả bom khủng khiếp nhất từng được kích nổ trong lịch sử nhân loại, với sức công phá khi thử nghiệm lên đến 50 megaton, mạnh hơn gấp 2.500 lần quả bom ném xuống Nagasaki.

Thị trường vũ khí hạt nhân toàn cầu tăng trưởng đáng lo ngại - Ảnh 5.

Ông Sergei Novikov - Giám đốc truyền thông Tổng Công ty Năng lượng Nguyên tử Nga (Rosatom) cho biết: "Sau cuộc thử nghiệm, mọi người đều hiểu rằng Liên Xô có một vũ khí không chỉ dẫn đến chiến thắng mà còn hủy diệt tất cả, nếu nó đã được sử dụng".

Vũ khí hạt nhân là một vũ khí mạnh ở mức độ hủy diệt khác biệt hoàn toàn so với những loại bom hay chất nổ thông thường. Thế nhưng, thế giới vẫn tiếp tục phải sống nơm nớp trong nỗi lo thảm họa hạt nhân có thể xảy ra.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Chiến tranh leo thang, dù đó là do tai nạn hay một kế hoạch được xây dựng, đều đe dọa đến toàn thể nhân loại. Viễn cảnh xung đột hạt nhân từng là điều không thể tưởng tượng nổi, thì giờ đây đã quay trở lại trong phạm vi có khả năng xảy ra".

Trong bối cảnh chiến tranh hạt nhân vẫn đang là một mối lo ngại đối với nhân loại, đặc biệt khi số lượng vũ khí hạt nhân ngày một gia tăng, các cường quốc hạt nhân đã có một động thái hiếm hoi. Ngày 3/1/2022, năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh, cũng là 5 quốc gia duy nhất trên thế giới được công nhận sở hữu vũ khí hạt nhân - đã ra tuyên bố chung cam kết hợp tác tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. "Chúng tôi tuyên bố rằng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không có người chiến thắng. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng. Chúng tôi cũng khẳng định rằng, vũ khí hạt nhân phải phục vụ các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và chiến tranh".

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm