Quốc tế

Kỳ tích dùng rocket S-5 bắn hạ máy bay địch của phi công Việt Nam

DNVN - Trong lịch sử những trận không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam đã ghi nhận trường hợp có một không hai đó là chiếc F-105D bị bắn hạ bằng rocket.

Màn nhào lộn xoáy trôn ốc của “bóng ma bầu trời” Su-57 Nga / Xe tăng chủ chiến Karra của Iran sẽ có "cuộc đối đầu lịch sử" với Spike NLOS Israel?

Rocket S-5 (ARS-57) cỡ 55 mm là một loại vũ khí hàng không được phát triển bởi Không quân Liên Xô để trang bị cho máy bay chiến đấu cánh cố định cũng như trực thăng nhằm chống lại các mục tiêu mặt đất.

Tuy nhiên có một điểm đặc biệt đó là dự án nghiên cứu chế tạo rocket S-5 bắt đầu từ những năm 1950 như một phần trong chương trình vũ khí không đối không AS-5 để trang bị cho tiêm kích MiG-19.

Sau quá trình thử nghiệm trên máy bay MiG-15 và MiG-17, các bài kiểm tra hoàn thành vào năm 1955 trên MiG-17PF và rocket S-5 nhận được kết luận rằng đây không phải là một vũ khí phù hợp cho các cuộc không chiến.

Tiêm kích MiG-17 và MiG-21 của Không quân Việt Nam mang rocket S-5 trực tác chiến phòng không. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Tiêm kích MiG-17 và MiG-21 của Không quân Việt Nam mang rocket S-5 trực tác chiến phòng không. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Mặc dù vậy, thật bất ngờ khi trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, các tiêm kích MiG-17 và MiG-21 do Liên Xô viện trợ lại sử dụng rocket S-5 với đúng mục đích thiết kế ban đầu của nó đó là tác chiến không đối không.

Trong bức ảnh trên có thể thấy chiếc tiêm kích MiG-17F số hiệu 2072 và MiG-21PFM số hiệu 5046 trên sân bay Nội Bài. Chiếc 2072 mang thùng phóng rocket 57 mm ORO-57K (8 đạn) trong khi chiếc 5046 mang thùng rocket 57mm UB-16-57U (16 đạn).

Việc tiêm kích MiG-21 sử dụng rocket S-5 thay vì tên lửa R-13 có thể là do thời kỳ này chúng ta chưa được viện trợ đầy đủ vũ khí tối tân trên, hoặc nhiều khả năng chiến thuật sử dụng vẫn trung thành theo lối đánh cũ.

Tiêm kích MiG-21 phóng rocket tấn công mục tiêu mặt đất. Ảnh: Defence Blog.

Tiêm kích MiG-21 phóng rocket tấn công mục tiêu mặt đất. Ảnh: Defence Blog.

 

Tuy rằng việc sử dụng rocket trong tác chiến không đối không chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, tuy nhiên các phi công Việt Nam vẫn kịp lập nên chiến công chói lọi.

Ngày 7/7/1966, phát hiện nhiều tốp máy bay của Không quân Mỹ cất cánh từ Thái Lan và hướng bay vào khu vực Thái Nguyên. Trung đoàn 921 lệnh cho biên đội 2 chiếc MiG- 21 do phi công Nguyễn Nhật Chiêu (mang tên lửa R-36S) và Trần Ngọc Síu (mang rocket) cất cánh đánh địch.

Khi các máy bay F-105D từ Thái Lan sang đã bay ngang dãy Tam Đảo, ngang qua sân bay Nội Bài. Lập tức từ khu chờ, 2 chiếc MiG- 21 của ta lao tới bất ngờ tấn công.

Số 2 phát hiện tốp F-105D đang bay hướng 340 độ, bên trái phía sau, lập tức thông báo cho số 1 và ép độ nghiêng vòng phải gấp, cắt vào phía sau hai chiếc F-105D. Các máy bay F-105 bị bất ngờ, vỡ đội hình.

 

Ở vị trí thuận lợi, số 2 Trần Ngọc Síu khéo léo đưa mục tiêu vào vòng ngắm rồi phóng một loạt rocket ở cự ly 500 m, sau đó tiếp cận đến cự ly 150 m tiếp tục phóng loạt thứ hai.

Số 1 Nguyễn Nhật Chiêu nhìn thấy số 2 bắn trúng cánh máy bay F-105D, chiếc F-105D trúng đạn, lao xuống, Đại úy, phi công Tack Harvey Tomes nhảy dù và bị bắt sống.

Hai chiếc MiG-21 tăng tốc độ thoát ly khỏi khu vực chiến đấu. Trận chiến diễn ra quá nhanh và bất ngờ khiến tốp tiêm kích F-4 hộ tống không kịp trở tay. Biên đội Nguyễn Nhật Chiêu, Trần Ngọc Síu hạ cánh an toàn tại Sân bay Gia Lâm.

Phía ta ghi nhận Phi công Trần Ngọc Síu là người đầu tiên đã bắn rơi một chiếc F-105D bằng rocket trong trận chiến đấu ngày 7/7/1966.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm