Quốc tế

Làn sóng COVID-19 mới nhất ở New Zealand đạt đỉnh, số ca mắc mới tại Nhật Bản cao nhất thế giới 2 tuần qua

Đến sáng 5/8, thế giới có trên 585,77 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,42 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc chậm lại / Nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ bị đảo ngược toàn cầu hóa

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 93,59 triệu ca mắc và hơn 1,057 triệu trường hợp tử vong.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 4/8, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,08 triệu người người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 526.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 152.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 33,99 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Nga trong 24 giờ qua ghi nhận 17.126 ca mắc mới COVID-19. Đây là mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 2/4.

Lực lượng đặc trách ứng phó dịch bệnh của Nga ra tuyên bố vào ngày 4/8 nêu rõ, tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước hiện vượt mốc 18,65 triệu ca. Ngoài ra, có thêm 44 trường hợp không qua khỏi, nâng tổng số người tử vong do dịch bệnh này tại Nga lên 382.604 ca.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 vào mùa đông tại Australia do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron lây lan nhanh có lẽ đã đạt đỉnh sớm hơn dự kiến. Đây là nhận định do Bộ trưởng Bộ Y tế Australia đưa ra vào ngày 4/8 trong bối cảnh các bệnh viện của nước này ghi nhận số ca bệnh ổn định trong tuần qua.

Phát biểu tại một cuộc họp với giới chức y tế các bang và vùng lãnh thổ, Bộ trưởng Butler bày tỏ lạc quan rằng số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày bắt đầu giảm xuống. Ông nêu rõ: "Chắc chắn, dữ liệu chúng ta thấy hiện nay chỉ ra rằng chúng ta có lẽ đã đạt đỉnh dịch sớm hơn dự kiến". Trước đó, giới chức y tế dự báo làn sóng COVID-19 mới nhất chỉ có thể đạt đỉnh dịch vào cuối tháng 8 này.

Theo Bộ trưởng Butler, số ca COVID-19 nhập viện giảm so với giai đoạn đỉnh dịch cách đây vài tuần. Số liệu chính thức cho thấy, số ca nhập viện dao động quanh khoảng 5.000 người ngày 4/8, nhưng giảm so với số ca cao kỷ lục 5.571 được báo cáo cách đây một tuần. Bên cạnh đó, bệnh cúm tại nước này cũng đã qua đỉnh dịch, giảm tải cho hệ thống y tế.

Trong những tuần gần đây, tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại Australia vẫn cao. Hơn 2 triệu ca mắc mới và hơn 3.500 trường hợp tử vong được ghi nhận kể từ đầu tháng 6. Theo số liệu của Bộ Y tế Australia, ngày 4/8, nước này có thêm hơn 37.200 người mắc và 85 bệnh nhân tử vong.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 vào mùa đông tại Australia có lẽ đã đạt đỉnh sớm hơn dự kiến. (Ảnh: AP)

Tổng số ca mắc tại quốc gia này là hơn 9,55 triệu ca, trong đó có 12.026 trường hợp tử vong. Chính quyền liên bang kêu gọi người dân tích cực đi tiêm vaccine liều tăng cường để phòng COVID-19. Đến nay, 5 triệu người Australia đủ tiêu chuẩn nhưng chưa đi tiêm vaccine mũi thứ ba.

Tương tự, quốc gia láng giềng của Australia là New Zealand cũng ghi nhận những dấu hiệu cho thấy, làn sóng COVID-19 mới nhất đã đạt đỉnh. Số liệu do Bộ Y tế New Zealand công bố vào ngày 4/8 cho thấy, số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại New Zealand là 6.142 ca/ngày, giảm so với con số 7.776 ca một tuần trước. Số người mắc COVID-19 nhập viện cũng giảm. Hiện 663 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện do COVID-19, thấp hơn nhiều so với con số hơn 800 người vào cuối tháng 7 vừa qua.

Theo Cơ quan Y tế công cộng New Zealand, tỷ lệ mắc bệnh tiếp tục xu hướng đi xuống tại tất cả các địa phương trong tuần thứ hai liên tiếp. Số liệu mới nhất cho thấy, số ca mắc mới thấp hơn so với con số dự kiến trước đó, chứng tỏ New Zealand đã bước qua đỉnh dịch.

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Argentina, mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất khứu giác sau khi mắc COVID-19 có thể là yếu tố dự báo sự suy giảm trí nhớ về lâu dài, hơn là mức độ nặng của bệnh COVID-19 nói chung.

Nghiên cứu trên được công bố tại Hội nghị Hiệp hội quốc tế về Alzheimer 2022 dưới hình thức trực tuyến ngày 31/7 tại San Diego (Argentina). Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu phẩm của 766 tình nguyện viên trên 60 tuổi, khoảng 90% trong số này đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2. Các xét nghiệm về sinh lý, thần kinh và khả năng nhận thức được thực hiện định kỳ 3-6 tháng sau nhiễm đã cho thấy một mức độ suy giảm trí nhớ ở khoảng 70% số người nhiễm.

 

Nếu tính cả các yếu tố nguy cơ khác của từng cá nhân, các nhà nghiên cứu kết luận, mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất khứu giác (anosmia), chứ không phải độ nặng lâm sàng của người bệnh khi mắc COVID-19 là yếu tố dự báo tốt hơn nguy cơ suy giảm trí nhớ hậu COVID-19.

Nhật Bản hôm 3/8 nhận thêm gần 250.000 ca nhiễm COVID-19 và 169 trường hợp tử vong. Ngày 4/8, nước này báo cáo 231.597 ca mắc mới và 157 người thiệt mạng vì COVID-19. Có tới 24 trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho phép thêm 3 tỉnh áp dụng những biện pháp phòng dịch tăng cường. Các biện pháp tăng cường bao gồm việc kêu gọi người dân tiêm vaccine và làm việc từ xa, hoặc có thể đề nghị người cao tuổi và những người có các bệnh nền tránh xa những địa điểm đông người. Bốn tổ chức nghiên cứu, học thuật ở Nhật Bản đã ra tuyên bố khẩn cấp kêu gọi người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hạn chế đi khám ở các cơ sở y tế để tránh cho hệ thống y tế bị quá tải.

Đến nay, tổng cộng trên 13,34 triệu người dân nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm 32.976 bệnh nhân tử vong. Tại Nhật Bản, dịch COVID-19 đang có tốc độ lây lan nhanh chóng. Trong hai tuần qua, số ca nhiễm mới tại nước này chiếm đến 20% tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới và là mức cao nhất toàn cầu.

Thời điểm này có thể chưa phải là đỉnh điểm của làn sóng dịch COVID-19 thứ 7 tại Nhật Bản. Dịch bệnh còn có thể tăng mạnh hơn trong thời gian tới khi hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian và nhiều hoạt động vui chơi sẽ được tổ chức trong kỳ nghỉ lễ Obon vào giữa tháng 8.

 

Tổng cộng trên 13,34 triệu người dân ở Nhật Bản đã nhiễm COVID-19. (Ảnh: AP)

TNgày 4/8, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết, nước này ghi nhận 107.894 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên trên 20,16 triệu trường hợp. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca mắc mới nói trên giảm nhẹ so với mức 119.922 ghi nhận ngày trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức 88.361 ghi nhận cách đây một tuần.

Trong 7 ngày qua, số ca mắc mới trung bình theo ngày tại Hàn Quốc là 89.298. Trong số ca bệnh mới có 435 người nhập cảnh, nâng tổng số trường hợp nhiễm nhập cảnh ở nước này lên 46.329.

Ngoài ra, với thêm 34 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Hàn Quốc tăng lên 25.144. Trong khi đó, hiện có 310 ca nguy kịch, tăng 26 ca so với một ngày trước.

Cùng ngày, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nước này không ghi nhận thêm trường hợp sốt mới nào trong ngày thứ 6 liên tiếp. KCNA dẫn số liệu từ các cơ quan ứng phó dịch bệnh khẩn cấp nhà nước nêu rõ, không có ca sốt mới nào trong 24 giờ qua và tổng số ca sốt tại Triều Tiên hiện vẫn ở mức 4,77 triệu, trong đó 99,998% đã bình phục.

 

KCNA không cung cấp thông tin về số ca tử vong và số bệnh nhân đang được điều trị.

Đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) đã nới lỏng các biện pháp hạn chế trên đất liền với thành phố Châu Hải, thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đại lục sau khi kiểm soát được làn sóng COVID-19 mới nhất.

Theo nhóm công tác chung Châu Hải - Macau về giám sát công tác phòng chống đại dịch, từ 18h ngày 3/8, những người từ Macau đến thành phố Châu Hải qua vùng giáp ranh bằng đường bộ cần trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có hiệu lực trong 24 giờ. Những người này sẽ không cần phải cách ly sau khi đến Châu Hải. Tuy nhiên, họ sẽ cần được xét nghiệm axit nucleic 2 lần trong 3 ngày và được khuyến cáo tránh đi các phương tiện giao thông công cộng, ăn uống hoặc tụ tập.

Tính đến ngày 3/8, Macau không ghi nhận thêm ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng trong 11 ngày liên tiếp. Còn trong thông báo mới nhất ra ngày 4/8, Ủy ban Y tế Quốc gia thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận 446 ca mắc mới một ngày trước đó, bao gồm 111 người có triệu chứng và 335 không có triệu chứng. Trong số các ca mắc mới có 53 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Sinovac cho trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi từ ngày 4/8.

 

Lãnh đạo cơ quan dịch vụ dân sinh đặc khu hành chính Hong Kong Ingrid Yeung đã đến thăm một trung tâm chăm sóc trẻ em ở khu To Kwa Wan để thị sát công tác tiêm phòng cho trẻ em. Quan chức này kêu gọi các bậc cha mẹ đưa con đi tiêm phòng càng sớm càng tốt. Bà cho biết, chính quyền Hong Kong sẽ tiếp tục mở thêm các địa điểm tiêm chủng để người dân được tiêm sớm. Trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em thuộc Cơ quan y tế Hong Kong cũng đang chuẩn bị cung cấp vaccine phòng COVID-19 của hãng Sinovac cho trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi.

Kể từ khi triển khai chương trình tiêm phòng trên diện rộng từ tháng 2/2021, hơn 6,77 triệu người (tương đương 93% số người đủ điều kiện tiêm phòng tại Hong Kong), đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng bệnh COVID-19. Trong khi đó, hơn 6,52 triệu người (khoảng 89,6%) đã được tiêm 2 mũi cơ bản.

Tính đến ngày 4/8, 67,7% dân số đủ điều kiện tiêm phòng ở Hong Kong đã được tiêm mũi 3 và 215.523 người đã được tiêm mũi 4.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm