Quốc tế

Vì sao hoạt động sản xuất của Trung Quốc sụt giảm?

Sau 2 tháng mở rộng liên tiếp, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã bất ngờ giảm trở lại trong tháng 7.

Nga chuẩn bị biên chế tên lửa siêu thanh Zircon phóng từ tàu mặt nước / Dự án Columbia bị chậm trễ, Mỹ tính kéo dài niên hạn đội tàu ngầm lớp Ohio

Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức cho các nỗ lực phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các số liệu vừa được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 31/7 cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất chỉ đạt 49 trong tháng 7, giảm so với tháng 6 và ở dưới mốc 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Theo giới chức Trung Quốc, đây là kết quả của nhiều yếu tố như nhu cầu thị trường thấp và sự suy giảm của các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng. Dịch bệnh COVID-19 và các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đã tác động đến khoảng 40% số doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các yếu tố ngắn hạn cũng ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất.

Vì sao hoạt động sản xuất của Trung Quốc sụt giảm? - Ảnh 1.

Trung Quốc vẫn ghi nhận một số tín hiệu tích cực, khi các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất thiết bị và sản xuất công nghệ cao vẫn duy trì được xu hướng tăng trưởng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

"Kể từ tháng 7, một số yếu tố ngắn hạn theo mùa như thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ cao và mưa thường xuyên trên toàn quốc đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và vận hành của các nhà máy. Sự điều chỉnh của chỉ số mang tính kỹ thuật và là chuyện bình thường", ông Cai Jin, Phó Chủ tịch, Liên đoàn Hậu cần và Mua hàng Trung Quốc, đánh giá.

Trung Quốc vẫn ghi nhận một số tín hiệu tích cực, khi các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất thiết bị và sản xuất công nghệ cao vẫn duy trì được xu hướng tăng trưởng, dù có chậm hơn trước. Tình hình việc làm cũng đang dần ổn định trở lại.

"Toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất thiết bị vẫn đang hoạt động rất tốt. Chuỗi công nghiệp đang dần ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển cũng được chú trọng, bởi nó quyết định khả năng đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp", ông Zhou Yongliang, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Công nghiệp cơ khí, nhận định.

Các chuyên gia dự báo, hoạt động sản xuất của Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức trong các quý tới, khi nhu cầu trên thế giới tiếp tục suy yếu, và chính sách chống dịch nghiêm ngặt vẫn được duy trì. Các nhà hoạch định chính sách được cho là đã sẵn sàng cho khả năng không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm