Quốc tế

Lầu Năm Góc cảnh báo tác động từ Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh một loạt thách thức về quân sự và phi quân sự đối với các lợi ích chiến lược của Mỹ từ các dự án toàn cầu của Trung Quốc.

Tòa án Nga gia hạn tạm giam 8 thủy thủ Ukraine / Cựu Tổng thống Mexico bị cáo buộc nhận 100 triệu USD từ trùm ma túy El Chapo

Cảng Gwadar của Pakistan là một trong số những nơi được tiếp nhận dự án đầu tư trong khuôn khổ Vành đai và Con đường của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Báo cáo do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 15/1 đã đưa ra đánh giá về những nỗ lực mở rộng của Trung Quốc cả trong lĩnh vực quân sự và phi quân sự, bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường, chiến lược công nghiệp "Made in China 2025" và những tác động đối với Mỹ trên toàn thế giới.

Báo cáo của Lầu Năm Góc được đưa ra cùng thời điểm với báo cáo chi tiết khác của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, trong đó đề cập tới động cơ của Trung Quốc trong việc đạt được công nghệ vũ khí hiện đại, bao gồm các máy bay ném bom hạt nhân và các hệ thống cảnh báo sớm, nhằm đưa nước này trở thành cường quốc quân sự toàn cầu.

Báo cáo của Lầu Năm Góc đã đặt ra nhiều quan ngại về các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và kinh tế của Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh tìm cách đạt được các công nghệ dùng cho cả mục đích quân sự và dân sự. Lầu Năm Góc cảnh báo Sáng kiến Vành đai và Con đường, một chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm xây dựng mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng liên lục địa, và "Con đường Tơ lụa Số thế kỷ 21" được thiết kế để phục vụ cho "các mục đích chiến lược lớn hơn" của Bắc Kinh.

Đề cập tới làn sóng chỉ trích về các khoản vay gây tranh cãi và ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc, báo cáo của Lầu Năm Góc trích dẫn 17 trường hợp nơi các dự án đầu tư của Bắc Kinh đã gây tổn hại cho chính quốc gia được đầu tư dự án. Báo cáo cho rằng việc Trung Quốc nhắm mục tiêu tới các đồng minh và đối tác của Mỹ có thể sẽ đe dọa tới chính vị thế của Washington.

Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang tích cực sử dụng các công ty thuộc sở hữu của nhà nước hoặc các công ty liên doanh như China Telecom, China Unicom, China Mobile, Huawei và ZTE để thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ và đẩy nhanh cuộc đua chiếm thế thượng phong về công nghệ so với Mỹ. Tuy vậy, Bắc Kinh cũng gặp không ít khó khăn để hiện thực hóa tham vọng của mình.

 

Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đã vấp phải làn sóng tẩy chay toàn cầu trong kế hoạch phát triển mạng lưới 5G khi nhiều nước nghi ngờ tập đoàn này có liên kết với chính phủ và quân đội Trung Quốc.

Ngoài đầu tư, thương mại, báo cáo của Lầu Năm Góc cũng đề cập tới các vấn đề liên quan tới chính sách an ninh quốc gia.

"Sự mở rộng đáng kể nhất của Trung Quốc về quân sự trong những năm gần đây đã diễn ra tại các khu vực lân cận, nơi các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông vẫn tồn đọng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng mở rộng các hoạt động quân sự ở phạm vi xa hơn so với lục địa", báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ.

"Việc Trung Quốc theo đuổi tiếp cận quân sự toàn cầu mở rộng được thúc đẩy bởi các sứ mệnh mới của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc nhằm bảo vệ các lợi ích ở nước ngoài", báo cáo cho biết thêm.

Được thực hiện trong khuôn khổ Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ năm 2018, báo cáo của Lầu Năm Góc đã phản ánh lập trường ngày càng cứng rắn của chính quyền Trump với Trung Quốc. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan gần đây cũng kêu gọi nỗ lực nhằm "tăng cường tính cạnh tranh của Mỹ".

 


Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm