Quốc tế

Lầu Năm Góc tiết lộ 'lỗ hổng' vũ khí trị giá 10 tỷ USD vì xung đột Ukraine

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây mới công khai thừa nhận rằng họ không chỉ hết quỹ bổ sung mà còn bị thâm hụt 10 tỷ USD do chuyển vũ khí cho Ukraine.

Lý do năng lực quốc phòng Mỹ bị ăn mòn / UAV siêu thanh mới của Trung Quốc vượt trội so với tiêm kích F-22 Mỹ

Pháo tự hành CAESAR.

Pháo tự hành CAESAR.

Theo báo Mỹ Politico đưa tin ngày 11/3, Lầu Năm Góc muốn Quốc hội Mỹ phân bổ 10 tỷ USD để bù đắp cho số vũ khí mà nước này đã chuyển giao cho Ukraine và bổ sung vào kho vũ khí của bộ. Nguồn tin cũng cho hay nếu như tình hình này tiếp diễn và khoản thâm hụt chưa được bù đắp, lỗ hổng vũ khí sẽ gây sức ép cho quân đội Mỹ. Theo vị quan chức này, khoản tài trợ lớn đang chờ bổ sung cần được phê duyệt.

Đài phát thanh VOA của Mỹ sau đó cũng dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks và xác nhận thông tin Lầu Năm Góc đang cần ít nhất 10 tỷ USD để bổ sung tất cả số vũ khí mà họ đã rút khỏi kho để giúp Kiev.

Khoản thiếu hụt 10 tỷ USD trên được tạo ra một phần do sức ép lạm phát và một phần vì các hệ thống mới mà Lầu Năm Góc đang tìm cách thay thế các hệ thống cũ có chi phí cao hơn, chẳng hạn như Tên lửa tấn công chính xác (PrSM) hay Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội tầm xa (ATACMS).

Cuối năm ngoái, Nhà Trắng thông báo chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cung cấp hơn 75 tỷ USD tiền mặt và thiết bị cho Ukraine, vượt xa các nhà tài trợ phương Tây. Mới đây nhất, tối 12/3 (giờ địa phương), Washington cũng công bố một gói viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine trị giá 300 triệu USD, bao gồm đạn pháo, tên lửa phòng không, hệ thống chống thiết giáp và nhiều loại vũ khí, khí tài khác. Nguồn tài trợ mới này có được nhờ tiết kiệm được từ các hợp đồng vũ khí khác.

 

Đây là gói hỗ trợ an ninh đầu tiên được Lầu Năm Góc công bố dành cho Ukraine kể từ tháng 12 năm ngoái, vào thời điểm quân đội Mỹ thừa nhận hết quỹ bổ sung. Phải đến những ngày gần đây, các quan chức mới công khai thừa nhận rằng họ không chỉ hết quỹ bổ sung mà còn bị thâm hụt 10 tỷ USD.

Một quan chức quốc phòng cấp cao nhấn mạnh gói viện trợ bổ sung mới này cho Ukraine chỉ được thực hiện một lần duy nhất. Mọi khoản khác vẫn phải chờ Quốc hội thông qua dự luật chi tiêu bổ sung, bao gồm khoảng 60 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.

Thông báo gói viện trợ mới được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Ba Lan đang ở Washington để gây sức ép với Mỹ, phá vỡ tình thế bế tắc trong việc bổ sung ngân quỹ cho Ukraine vào thời điểm quan trọng của cuộc chiến.

Tình hình Ukraine đang ngày càng trở nên tệ hơn khi các đơn vị ở tiền tuyến rơi vào cảnh thiếu thốn đạn dược và đối mặt với lực lượng Nga dồi dào về nhân lực và vũ khí. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần ngỏ lời xin Quốc hội Mỹ giúp đỡ, nhưng lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện không sẵn sàng đưa các gói viện trợ Ukraine lên bàn để bỏ phiếu và nhấn mạnh quốc hội cần ưu tiên giải quyết các vấn đề an ninh biên giới.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm