Quốc tế

Lộ diện chiến đấu cơ thế hệ 5 TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ

Các tính năng kỹ chiến thuật của TF-X được cho là sẽ không hề thua kém F-35.

Máy bay chiến đấu Su-22 của Syria bị bắn rơi ở “chảo lửa” Idlib / Đâm phải đàn chim, máy bay Nga chở 233 người 'lê bụng' xuống ruộng ngô

Kỳ vọng

Ankara từ lâu đã có tham vọng sở hữu máy bay chiến đấu nội địa thế hệ 5. TF-X (Turkish Fighter-Experimental, còn được gọi là Máy bay chiến đấu quốc gia (bằng tiếng Thổ MMU)) là mẫu máy bay kỳ vọng được Công ty Turkish Aerospace Industries (TAI)của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phát triển vào năm 2010. Từ năm 2015, TAI đã đề xuất ít nhất ba cấu hình khác nhau, bao gồm hai thiết kế với động cơ đơn và một động cơ đôi; mô hình mới nhất đã được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Paris 6/2019.

lo dien chien dau co the he 5 tf-x cua tho nhi ky hinh 1
Ba cấu hình TF-X được TAI đề xuất. Ảnh: airforce-technology.

Dòng máy bay mới này sẽ thay thế phi đội máy bay chiến đấu đã lỗi thời F-16 C/D "Viper", được lắp ráp tại Thổ Nhĩ Kỳ theo giấy phép Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ. Ankara có thể chi tới 33 tỷ USD cho dự án TF-X, dự kiến cho ra mắt nguyên mẫu TF-X năm 2023 - nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến bay đầu tiên sẽ được tiến hành vào 2025, năm 2028 - đưa vào sử dụng, từ năm 2032 - sản xuất đại trà; phục vụ trong lực lượng không quân của nước này ít nhất đến năm 2060.

Bên cạnh việc hợp tác với nhiều hãng nước ngoài như Saab của Thụy Điển hay BAE Systems của Anh, Ankara dự định sẽ tự thiết kế động cơ, cũng như phát triển vũ khí trang bị cho TF-X. Trước mắt, họ sẽ chọn động cơ F-110 của GE để trang bị cho T-FX trước khi tự sản suất động cơ nội địa. Nước này có thể cũng nhờ đến công nghệ từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ và Anh để rút ngắn thời gian phát triển. Dù vẫn giữ kín các tính năng kỹ chiến thuật của TF-X, Thổ nhĩ Kỳ khẳng định nó sẽ không hề thua kém F-35.

TF-X sẽ có hai động cơ, mỗi chiếc sẽ có thể tạo được lực đẩy lên đến hơn 9.000 kg, tương đương với động cơ máy bay F-35, đuôi thẳng đứng, dài 20m, thân máy bay có phần hẹp hơn và sải cánh 12m. TF-X sẽ có vận tốc tối đa Mach 2, tải trọng khoảng 27 tấn khi cất cánh, trần bay 18.000m và bán kính chiến đấu 1.300km; sẽ có thể tương tác với máy bay ném bom chiến đấu F-35 của Mỹ.

Theo đại diện của TAI, quá trình phát triển của máy bay TF-X hiện đang trong giai đoạn tích cực. Các đặc tính kỹ thuật của máy bay đang được cập nhật và các nhà cung cấp các hệ thống phụ khác nhau cho TF-X cũng đang được TAI tìm kiếm. Rocketsan - nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển các mẫu tên lửa tấn công cho máy bay TF-X. Hãng BAE Systems, công ty hợp tác với TAI phát triển TF-X, khẳng định máy bay này sẽ là “tiêm kích tốt nhất châu Âu” và có thể được trang bị tên lửa tầm xa, không đối không Meteor do hãng MBDA chế tạo.

Và những thách thức không nhỏ

 

Các sự kiện gần đây cho thấy, với Ankara có thể phát sinh những bất đồng với các đối tác nước ngoài, không chỉ trong việc cùng hợp tác phát triển dự án quốc phòng, mà còn về cung cấp vũ khí. Để ngăn cản thương vụ S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Washington đã sử dụng nhiều biện pháp hòng buộc Ankara quay về quỹ đạo điều khiển của mình. Mỹ đe dọa ngừng chuyển giao 100 chiếc F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và ngưng hợp tác với Ankara phát triển chiến đấu cơ này.

lo dien chien dau co the he 5 tf-x cua tho nhi ky hinh 2
Mô hình TF-X trưng bày tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Paris. Ảnh: flightglobal.com.

Ngược lại, chính quyền Tổng thống Erdogan cũng tỏ ra rất cứng rắn, tuyên bố, Ankara đã chuẩn bị sẵn cho các phương án B, C, D để trang bị tiêm kích thế hệ năm trong tương lai. Theo Sputnik, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tỏ ra quan tâm tới các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 khác, bao gồm Su-57 của Nga và FC-31 của Trung Quốc. Tháng 11/2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố, Ankara cần phải vượt qua sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu vũ khí trước năm 2023. Bằng cách triển khai dự án TF-X cũng như các dự án khác, Ankara muốn chứng minh sự độc lập trong sản xuất vũ khí của mình.

Các chiến đấu cơ hiện đại đều là những cỗ máy phức tạp và không phải quốc gia nào cũng có khả năng tự chế tạo, Phát triển một máy bay chiến đấu tàng hình rất tốn kém. Tướng không quân Nhật Bản Yoshioka - người giám sát chương trình máy bay chiến đấu tàng hình của Nhật Bản vào năm 2011 - ước tính chi phí vào khoảng 100 tỷ USD. Chỉ có ba quốc gia trên lý thuyết có thể làm điều đó mà chi phí khổng lồ không biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế đó là Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Trên thực tế chỉ hai quốc gia là Mỹ và Trung Quốc thực sự đã làm được việc đó. Lầu Năm Góc dự kiến chi phí không dưới 400 tỷ USD cho 2.300 chiếc F-35 và chi phí này không bao gồm khoản dành cho vận hành. F-35 sẽ tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng hằng năm tương ứng 700 tỷ USD của Hoa Kỳ (1,5%) - là phần chi hợp lý. Chương trình Su-57 của Nga đã phải vật lộn với chi phí để sản xuất một số lượng máy bay khiêm tốn.

Việc phát triển tiêm kích thế hệ 5 đã tiêu tốn của các nước như Nga và Mỹ hàng tỉ USD, cùng với đó là thời gian nhiều năm ròng rã. Mỹ đã mất 20 năm để hoàn thiện F-35 trong khi Nga cũng dành tới 9 năm cho chiếc Su-57 nhưng đến giờ vẫn chưa thế đưa vào sản xuất đại trà. Trong bối cảnhMỹ ngừng cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ưu tiên sản phẩm trong nước hơn là tìm kiếm từ nguồn nước ngoài để tránh bị lệ thuộc. Do đó, nước này sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển mẫu TF-X.

 

Tuy nhiên, với nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể tham gia câu lạc bộ của những "đại gia" trên. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chi 20 tỷ USD cho toàn bộ lực lượng vũ trang của mình. Thật vô lý khi đưa một dự án máy bay chiến đấu tàng hình trị giá 100 tỷ USD vào ngân sách như vậy. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chế tạo ra các bộ phận phức tạp như radar, hệ thống tác chiến tử, hệ thống định vị và các màn hình chỉ báo trong khoang lái như thế nào vẫn là câu hỏi lớn.

TF-X là một ví dụ về những gì mà nhà phân tích Aboulafia của Teal Group gọi là khái niệm "máy bay chiến đấu quốc gia" - một loại máy bay chiến đấu tiên tiến phù hợp với nhu cầu của một quốc gia nhưng lại thiếu tiềm năng xuất khẩu. Khái niệm "máy bay chiến đấu quốc gia" gần như luôn luôn kết thúc bằng kết quả tồi tệ mà các ví dụ là Lavi của Israel, máy bay ném bom chiến đấu đắt đỏ L-159 của Séc. Và thảm khốc nhất là Ấn Độ, đã dành 30 năm để phát triển, tiêu tốn hàng tỷ USD trước khi sản phẩm là một máy bay chiến đấu hạng nhẹ nhưng thô sơ Tejas vào năm 2011.

TF-X có thể chỉ là lợi thế khi Ankara dùng để gây áp lực với Washington về những nỗ lực bắt Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn giữa máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất và hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Khi giới thiệu máy bay chiến đấu tàng hình của riêng mình, Ankara có thể chỉ đơn giản là cố gắng chứng minh với Washington rằng họ có thể đe dọa sự độc quyền của F-35 về xuất khẩu máy bay chiến đấu tàng hình, bằng cách tự chế tạo hoặc giúp Nga hoàn thiện Su-57.

Theo nhiều nhà quan sát, ngay cả chiến lược đó dường như cũng có nhiều khả năng thất bại. Chương trình F-35 đủ lớn và hấp dẫn để tồn tại mà không cần tới Thổ Nhĩ Kỳ, và đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ có thể không đủ để cứu chương trình máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 của Nga.

Theo Lê Ngọc/VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm