Lo sợ bị tấn công phủ đầu bằng hạt nhân, Trung Quốc tính kế
Kinh tế Trung Quốc tiệm cận mức tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ / Sức mạnh siêu thủy phi cơ AG600 của Trung Quốc khủng khiếp đến mức nào?
"Nỗi sợ của họ chủ yếu là do những thách thức mới từ các công nghệ phi hạt nhân mới nổi, như hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí hạt nhân tấn công chính xác tối tân. Các chuyên gia Trung Quốc lo ngại rằng các loại vũ khí hạt nhân của các nước hiện nay đủ tinh vi để gây nguy hiểm cho Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh bị tấn công hạt nhân phủ đầu", chuyên gia Tong Zhao tới từ Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua (Trung Quốc) cho biết.
Theo ông này, Trung Quốc muốn tạo ra các vũ khí tốt hơn trên các tàu ngầm hạt nhân để đảm bảo họ có thể đáp trả nếu "những kẻ thù tiềm năng" phát động một cuộc tấn công hạt nhân.
Tuyên bố này của ông Zhao được đưa ra không lâu sau khi một số nhà nghiên cứu Mỹ nói rằng Washington có đủ tiềm năng công nghệ dễ dàng làm suy yếu Trung Quốc hoặc thậm chí là Nga nếu Washington muốn vậy.
"Khi nhận định trên được đưa ra, Bắc Kinh ngày càng khó chịu và muốn củng cố lực lượng hạt nhân của mình mạnh mẽ hơn, đa dạng hơn và được trang bị công nghệ cao hơn", ông Zhao nói.
Chuyên gia này cho biết không rõ Trung Quốc định trang bị thêm vũ khí hạt nhân cho bao nhiêu tàu ngầm trong hạm đội của mình, nhưng nguyên tắc chung của Bắc Kinh là luôn duy trì 4 tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân và đảm bảo một trong số này sẵn sàng được triển khai mọi lúc khi các tàu còn lại đang trải qua bảo trì.
Theo chuyên gia, với tính toán của Trung Quốc, rất có thể số tàu ngầm được trang bị hạt nhân sẽ nâng lên con số 8. Tuy nhiên, ông Zhao nói rằng quá trình tạo ra các tàu ngầm hạt nhân sẽ không đơn giản bởi mặc dù đang sở hữu 186 đầu đạn hạt nhân trên đất liền, Trung Quốc cũng không thể tái sử dụng chúng cho tên lửa của tàu ngầm.
"Điều này là do các tên lửa trên đất liền hiện vẫn là thành phần quan trọng nhất của nỗ lực ngăn chặn hạt nhân của Trung Quốc. Ngay cả khi Trung Quốc sử dụng cùng một loại đầu đạn được lắp trên các tên lửa mặt đất cho các tên lửa phóng đi từ tàu ngầm, họ cũng không thể mạo hiểm làm suy yếu khả năng ngăn chặn đòn tấn công hạt nhân từ đất liền bằng cách di chuyển quá nhiều đầu đạn ra biển", ông này giải thích.
Cũng trong báo cáo của Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua, Tổng thống Trump hôm 22/10 cam kết chi tiêu nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong việc xây dựng và phát triển kho vũ khí hạt nhân.
"Chúng tôi có nhiều tiền hơn bất cứ ai", nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh.
Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi ông quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (INF) được ký kết với Liên Xô vào năm 1987. Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định này nhằm giúp Mỹ có thể được tự do phát triển vũ khí nhằm kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy với sức mạnh quân sự khó lường.
Theo số liệu được công bố trong báo cáo thường niên 2018 của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc hiện có khoảng 280 đầu đạn hạt nhân, khá thấp so với Mỹ với 6.450 và Nga với 6.850 đầu đạn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo