Quốc tế

Loạt vũ khí mang sứ mệnh khai thông "con đường mới" của Triều Tiên

Có vẻ như Bình Nhưỡng đang mất dần kiên nhẫn với Washington và họ đang tìm “Con đường mới” của mình thông qua các vụ thử tên lửa tầm ngắn và loạt vũ khí mới.

6 loại vũ khí của Liên Xô được đặt theo tên của Stalin / Ấn Độ chi 14,5 tỷ USD mua vũ khí, kỹ thuật quân sự của Nga

Để đối phó với liên minh quân sự Mỹ - Hàn, Bình Nhưỡng đã thông báo rõ, họ sẽ tìm kiếm một “con đường mới” nếu Washington và Seoul tiếp tục có những hành động thù địch chống lại Triều Tiên.
Nhưng sự thật là Triều Tiên đã đi trên con đường mới của họ khá lâu rồi; bất chấp các lệnh trừng phạt thắt chặt đối với Triều Tiên kể từ năm 2017, với mục đích bóp nghẹt các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, Triều Tiên vẫn tiếp tục gây bất ngờ cho thế giới với những vũ khí thậm chí còn tinh vi hơn mà Seoul và Washington khó có cách nào để chống lại.
Mặc dù những tên lửa mà Triều Tiên vừa thử nghiệm không phải là vũ khí tầm xa, nhưng nó có thể làm cho các hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc trở nên vô dụng và có sức công phá tương đối lớn; vậy đây là loại tên lửa nào khiến Hàn Quốc phải lo sợ như vậy:
Pháo phản lực phóng loạt chiến thuật - chiến dịch cỡ lớn 240mm và 300mm

Hai loại tên lửa đầu tiên được báo cáo là hai loại tên lửa phóng bằng pháo phản lực cỡ nòng lớn (MLRS) 240mm và 300mm.
Pháo phản lực cỡ nòng 240 mm đã có trong biên chế của quân đội Triều Tiên từ năm 1985, có tầm bắn ước tính khoảng 40 đến 51 km, có khả năng mang đầu đạn khoảng 45kg. Đây là loại pháo bắn đạn không có điều khiển, được sử dụng trong một cuộc tiến công tổng lực vào các mục tiêu có diện tích lớn như các căn cứ quân sự hoặc khu đô thị đông dân cư.
Loại thứ hai là pháo phản lực KN-09 (tên do Mỹ đặt), đây là loại pháo phản lực bắn đạn có dẫn đường với cỡ nòng 300mm, lần đầu tiên được thử nghiệm vào năm 2013 và có tầm bắn tối đa ước tính từ 190 đến 200 km, có khả năng mang theo một đầu đạn thông thường.
Triều Tiên bắn thử pháo phản lực KN-09.

Triều Tiên bắn thử pháo phản lực KN-09.

Hiện nay vẫn chưa rõ nguồn gốc của pháo KN-09, nhưng các chuyên gia quân sự nghi ngờ đó là bản sửa đổi MLRS 2S-1B của Trung Quốc; KN-09 có thể coi là hệ thống tên lửa chiến dịch, hệ thống sử dụng đạn SY-300, được dẫn đường bằng vệ tinh, cho mức chính xác rất cao.
Tên lửa KN-23

Đây là loại tên lửa dẫn đường chiến thuật kiểu mới của Triều Tiên, cũng đã được thử nghiệm cùng ngày với hai loại trên. Loại tên lửa này có hình dáng bên ngoài giống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga (9M723), hay còn được gọi là Iskander phiên bản Triều Tiên.
Tên lửa KN-23 đã được thử nghiệm liên tiếp vào ngày 9/5, 25/7 và gần đây nhất là vào ngày 6/8. Những thử nghiệm liên tiếp của loại tên lửa này chứng minh cự ly bắn của tên lửa hết sức linh hoạt; trong thử nghiệm vào tháng 4, tên lửa bắn ở cự ly 240 km; trong cuộc thử nghiệm vào tháng 5, tên lửa bắn ở cự ly 420 km; trong cuộc thử nghiệm vào tháng 7 là 690 km và trong cuộc thử nghiệm vào tháng 8 vừa qua, tầm bắn của tên lửa là 450km.
Loat vu khi mang su menh khai thong
Đạn phản lực 300mm rời bệ phóng tự hành.
Với cự ly bắn như vậy, tên lửa có thể bao trùm toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và một phần của Nhật Bản; Điều đáng lo ngại hơn nữa ngoài độ chính xác của tên lửa KN-23, với quỹ đạo bay có thể liên tục thay đổi và thả mồi nhử, nên các công nghệ phòng thủ tên lửa hiện tại không đủ tinh vi để đánh chặn loại tên lửa này.
Thêm vào đó, KN-23 có thể tận dụng “vùng tối chân đèn” của các hệ thống tên lửa phòng không của Hàn Quốc và Mỹ. Ví dụ tên lửa đánh chặn Patriot tầm bắn ở cự ly gần nhất là 40 km, trong khi đó các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao như THAAD và Aegis có thể bắn hạ mục tiêu từ ngoài cự ly 50 km.
Hệ thống tên lửa có điều khiển mới được phát triển

Khi cộng đồng quốc tế còn đang “choáng” với việc thử tên lửa liên tục của Triều Tiên, thì vào ngày 31 tháng 7 và ngày 2 tháng 8 vừa qua, Triều Tiên đã làm cả thế giới sửng sốt với loại tên lửa cải tiến, có cơ cấu dẫn đường khác biệt.
Theo thông tin từ Hãng tin của nhà nước Triều Tiên KCNA: “Các thử nghiệm khoa học để kiểm tra các tính năng kỹ chiến thuật và kiểm tra tính năng chiến đấu của toàn bộ hệ thống tên lửa dẫn đường cỡ lớn kiểu mới đã thành công, các số liệu theo đúng tính toán”.
Một video về bệ phóng và đạn do KCNA phát hành cho thấy, tên lửa có 4 cánh lái giống như tên lửa KN-09 đã được thử nghiệm hồi tháng Năm. Tuy nhiên, kích cỡ thân đạn lớn hơn tên lửa KN-09, đường kính tên lửa lên tới 400 mm.
Loat vu khi mang su menh khai thong
Hình ảnh viên đạn pháo KN-09 rơi trúng mục tiêu lô cốt minh chứng đạn có điều khiển và mức chính xác rất cao.

Mặc dù các chi tiết cụ rất của hệ thống tên lửa mới này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng hệ thống này sẽ mở rộng phạm vi tiến công vào sâu trong lãnh thổ Hàn Quốc; với cự ly bắn lên tới 190 km, hệ thống này chỉ kém pháo phản lực lớn nhất thế giới của Trung Quốc là hệ thống WS-2 với tầm bắn lên tới 200 km và có độ lệch mục tiêu (CEP) là 600 mét.
Hệ thống tên lửa mới của Triều Tiên nếu sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp dẫn đường vệ tinh, mức độ chính xác sẽ tăng lên rất nhiều, độ lệch tâm chỉ còn trong khoảng từ 20 đến 50 mét, do vậy tên lửa có thể tiến công các mục tiêu điểm có diện tích nhỏ.
Hệ thống tên lửa chiến thuật (ATACMS)

Việc Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa vào ngày 6 tháng 8 là điều rất bất thường vì thử nghiệm tên lửa diễn ra khi cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn mới bắt đầu; trong quá khứ, Triều Tiên chưa bao giờ phóng tên lửa trong thời gian Mỹ - Hàn tiến hành tập trận.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 10 tháng 8 vừa qua, Triều Tiên tiếp tục thử một loại tên lửa chiến dịch mới, khác hắn với loại KN-23 trước đó tại một địa điểm gần thành phố Hamhung phía đông của Triều Tiên.
Loat vu khi mang su menh khai thong
So sánh giữa tên lửa mới của Triều Tiên (trái) với tên lửa ATACMS của Mỹ (giữa) và tên lửa KTSSM của Hàn Quốc.
Dựa trên một báo cáo của Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, đây là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn, động cơ một tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, tương tự như hệ thống tên lửa chiến thuật MGM-140 của quân đội Mỹ
Hệ thống tên lửa này mang đầu đạn có thể tháo rời, điều này rất quan trọng vì khi đầu đạn có thể tháo rời khỏi tên lửa, sẽ mang lại nhiều lựa chọn hơn khi họ có thể lựa chọn giữa các đầu đạn thông thường có sức công phá cao, đạn chùm và thậm chí có thể là đầu đạn hóa học, tùy theo yêu cầu chiến thuật; cấu tạo đầu đạn này trước kia chỉ có ở các loại tên lửa đạn đạo tầm trung lớn hơn nhiều như Pukguksong-2.
Việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn là mục tiêu xa vời, khi Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử tên lửa thứ sáu trong vòng một tháng để phản đối cuộc tập trận chung thường niên Mỹ - Hàn; đồng thời các loại tên lửa mà Triều Tiên mới thử nghiệm gần đây cho khả năng tiến công vào sâu lãnh thổ của Hàn Quốc; động thái này khiến tình hình càng trở nên tồi tệ.
Triều Tiên đang dần mất đi động lực và sự kiên nhẫn trong các cuộc đàm phán với Mỹ; trong khi đó, cuộc diễn tập quân sự chung Mỹ - Hàn Quốc với sự xuất hiện của nhiều loại vũ khí mới trong đó có máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35. Một loạt các mối đe dọa như vậy khiến Triều Tiên càng cảnh giác và mất niềm tin; vì vậy việc đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm càng trở nên khó khăn và cấp bách hơn bao giờ hết.
Theo Tiến Minh/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm