Lỗi cảm biến có thể hé lộ nguyên nhân vụ rơi máy bay Ethiopia
Người New Zealand tự nguyện từ bỏ súng, chính phủ hứa sửa luật súng trong 10 ngày / Trung Quốc bắt giữ 13.000 "phần tử khủng bố" tại Tân Cương
Năm 2014, máy bay mang số hiệu chuyến bay Flight 1829 của hãng hàng không Lufthansa (Đức) cất cánh từ Bilbao, Tây Ban Nha đang nâng độ cao bình thường thì phần mũi máy bay bất ngờ chúc xuống. Khi đó, chiếc Airbus A321 với 109 hành khách trên khoang bắt đầu rơi.
Phi công đã cố gắng tìm cách nâng phần mũi máy bay lên bằng hệ thống điều khiển của mình. Tuy nhiên, máy bay của Lufthansa càng chúc xuống sâu hơn. Sau mọi nỗ lực của phi công, phần mũi máy bay rốt cuộc cũng trở lại bình thường và máy bay tiếp tục di chuyển.
Một cuộc gọi cho đội ngũ hỗ trợ mặt đất sau đó xác định cảm biến góc tấn của máy bay, trong đó xác định liệu cánh máy bay có đủ lực nâng để giúp máy bay vận hành bình thường hay không, có thể đã gặp trục trặc khiến phần mềm chống thất tốc của chiếc Airbus A321 điều chỉnh mũi máy bay chúc xuống.
Sau sự cố trên, các nhà chức trách hàng không ở châu Âu và Mỹ đã phải ra lệnh thay thế cảm biến góc tấn trên nhiều mẫu máy bay Airbus.
Hiện tại, nhiều chuyên gia hàng không nói rằng cảm biến góc tấn trên các máy bay của Boeing có thể sẽ được kiểm tra sau hai vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX, một vụ tại Ethiopia tuần trước và một vụ tại Indonesia vào tháng 10 năm ngoái.
Các nhà điều tra đã đặt ra nghi vấn về vai trò của cảm biến góc tấn, một thiết bị được sử dụng gần như trên tất cả các máy bay thương mại, trong vụ rơi máy bay của hãng hàng không Lion Air ở Indonesia khiến 189 người thiệt mạng. Họ lo ngại rằng cảm biến góc tấn có thể đã gửi tín hiệu sai tới phần mềm mới được trang bị trên máy bay, từ đó tự động chúc mũi máy bay xuống để ngăn chặn tình trạng thất tốc.
Thất tốc được hiểu là tình trạng mũi máy bay ngóc lên cao khiến vận tốc ngang giảm. Trong trường hợp này, cánh máy bay có thể không đạt được tốc độ đủ để tạo ra lực nâng và khiến máy bay bị mất kiểm soát.
Hiện chưa rõ liệu cảm biến góc tấn có phải là nguyên nhân góp phần gây ra vụ rơi máy bay của Ethiopian Airlines hay không. Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg cho biết Boeing đã hoàn tất việc cập nhật phần mềm cũng như tài liệu huấn luyện cho phi công để xử lý các vấn đề phát sinh do đầu vào cảm biến mắc lỗi. Tuy nhiên, ông Muilenburg không nói cụ thể đó là cảm biến nào.
Trong các cuộc phỏng vấn vào cuối tuần trước, các chuyên gia hàng không nói rằng không cần thiết phải đưa ra cảnh báo rộng rãi về cảm biến góc tấn. Tuy vậy, một số chuyên gia nhận định nguy cơ gây ra bởi cảm biến góc tấn bị lỗi đang bị “phóng đại” bởi vai trò ngày càng tăng của buồng lái tự động. Đây là bằng chứng cho thấy một công nghệ có thể khiến máy bay an toàn hơn, nhưng cũng có thể phản tác dụng nếu xảy ra trục trặc.
Các vấn đề liên quan tới cảm biến góc tấn từng được phát hiện hơn 50 lần trên các máy bay thương mại của Mỹ trong 5 năm qua, tuy nhiên chưa có vụ tai nạn nào xảy ra trong hàng triệu km đường bay.
Báo cáo của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thống kê 19 vụ việc có liên quan tới trục trặc cảm biến trên máy bay Boeing. Năm ngoái, một máy bay của American Airlines đã thông báo tình trạng khẩn cấp khi hệ thống cảnh báo thất tốc bị tắt mặc dù máy bay vẫn duy trì tốc độ bình thường.
Chiếc Boeing 787-800 cuối cùng vẫn hạ cánh an toàn. Đội bảo dưỡng máy bay sau đó đã thay thế 3 bộ phận, bao gồm cảm biến góc tấn.
Năm 2017, một máy bay Boeing 767 do American Airlines vận hành đã thông báo tình trạng khẩn cấp và quay trở lại New York khi đang trên đường tới Zurich. Một cảm biến góc tấn khác đã được thay thế trên máy bay này sau đó. Một máy bay Boeing 767 khác của American Airlines cũng buộc phải quay trở về Miami vào năm 2014 sau khi thông báo tình hình khẩn cấp vì cảm biến góc tấn bị lỗi.
Cảm biến góc tấn trên máy bay Boeing 737 MAX gặp nạn của Lion Air do hãng Rosmount Aerospace có trụ sở tại Minnesota, Mỹ sản xuất. Đây cũng là mẫu cảm biến được sử dụng phổ biến trên máy bay thương mại.
Cảm biến góc tấn được thiết kế để xác định lực nâng tạo ra bởi cánh máy bay. Tên gọi của thiết bị này dựa trên chức năng cung cấp dữ liệu về góc mà gió lưu thông qua cánh máy bay và cho các phi công biết máy bay có lực nâng như thế nào. Mục đích của cảm biến góc tấn là cảnh báo phi công khi nào máy bay có nguy cơ thất tốc dẫn tới mất kiểm soát.
Trong vụ rơi máy bay của Lion Air, các phi công đã phải chật vật để kiểm soát Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay (MCAS). Việc nhận sai dữ liệu từ cảm biến góc tấn có thể khiến MCAS cho rằng máy bay đang gặp nguy cơ thất tốc sau khi cất cánh từ Indonesia.
Hiện chưa có nhiều thông tin về vụ rơi máy bay Ethiopian Airlines. Tuy nhiên cả hai trường hợp này đều sử dụng cùng một loại máy bay và trên máy bay đều được trang bị hệ thống MCAS sử dụng cảm biến góc tấn.
Một điểm khác biệt quan trọng giữa sự cố xảy ra với máy bay của Lufthansa vào năm 2014 với hai vụ rơi máy bay 737 MAX là vị trí xảy ra sự cố. Máy bay Lufthansa lên đến độ cao hơn 9.400m khi bắt đầu lao xuống. Máy bay giảm độ cao hơn 1.200m trong chưa đầy một phút trước khi các phi công lấy lại được quyền kiểm soát.
Nếu vấn đề liên quan tới cảm biến góc tấn xảy ra với máy bay của Lufthansa ngay sau khi cất cánh, như các nhà điều tra vẫn nghi ngờ trong vụ rơi máy bay của Lion Air, thảm họa có thể đã xảy ra với máy bay của Lufthansa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo