Quốc tế

Lý do Mỹ chần chừ cấm bay “con cưng” của Boeing bất chấp làn sóng tẩy chay

Việc chính quyền Mỹ và hãng Boeing chậm trễ đưa ra lệnh cấm bay đối với dòng máy bay 737 MAX sau hai vụ tai nạn thảm khốc có thể xuất phát từ những lý do nhất định liên quan tới lợi ích kinh tế.

45 quốc gia cấm bay với Boeing 737 Max 8 sau 2 tai nạn thảm khốc / Không quân Mỹ từ chối nhận “trạm nhiên liệu bay” KC-46 từ Boeing vì dính rác

Lý do Mỹ chần chừ cấm bay “con cưng” của Boeing bất chấp làn sóng tẩy chay - 1

Máy bay 737 MAX của Boeing. (Ảnh: Getty)

Mặc dù đã xảy ra hai vụ tai nạn thảm khốc trong vòng 5 tháng khiến hơn 300 người thiệt mạng, song Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và hãng Boeing vẫn khẳng định dòng máy bay 737 MAX đủ khả năng hoạt động bình thường. Chỉ tới khi hàng chục quốc gia và hãng hàng không trên thế giới ra lệnh cấm đối với Boeing 737 MAX, Mỹ mới chính thức tạm dừng hoạt động đối với dòng máy bay này.

>> Xem thêm: Hàng không Na Uy yêu cầu Boeing bồi thường

Theo giới phân tích, có những lý do khiến Mỹ chần chừ trong việc đưa ra quyết định và là nước lớn gần như cuối cùng cấm bay đối với Boeing 737 MAX. Điều này không chỉ liên quan tới sự an toàn của hành khách mà còn là lợi ích kinh tế của nhà sản xuất cũng như hãng hàng không.

>> Xem thêm: Thượng viện Mỹ điều tra các vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX

Xét về giá trị hàng hóa, Boeing là hãng xuất khẩu máy bay quan trọng nhất của Mỹ. Do vậy, theo Alessandro Bruno, nhà phân tích độc lập về các vấn đề quốc tế và công nghiệp hàng không vũ trụ, các vấn đề mà Boeing đang gặp phải chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới Mỹ.

>> Xem thêm: CEO Ethiopian Airlines: Phi công gặp vấn đề kiểm soát máy bay trước khi tai nạn thảm khốc xảy ra

“Hơn nữa, Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của Boeing ngoài Mỹ, có thể sử dụng tình hình hiện tại để làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại với Nhà Trắng”, chuyên gia Bruno nói với hãng tin RT (Nga).

>> Xem thêm: 45 quốc gia cấm bay với Boeing 737 Max 8 sau 2 tai nạn thảm khốc

FAA chỉ thực sự quyết định dừng bay đối với Boeing 737 MAX sau khi Tổng thống Donald Trump ngày 13/3 ra lệnh tạm ngừng bay đối với dòng máy bay này.

“Boeing đáng lẽ ra nên hành xử một cách có trách nhiệm và đình chỉ các máy bay này. Hiện tại họ phải chi trả nhiều hơn để khắc phục sự cố. Họ phải trả tiền cho những thay đổi về thiết kế và kỹ thuật, đồng nghĩa với việc tiêu tốn vài tỷ USD”, ông Bruno nói.

Theo nhà phân tích Pyotr Pushkarev, quyết định của Mỹ và Boeing được đưa ra dưới sức ép của cộng đồng quốc tế vì hầu hết các đơn vị điều hành bay đều quyết định dừng hoạt động của dòng 737 MAX.

“Nếu một vụ rơi máy bay tương tự xảy ra tại Mỹ, hoặc các máy bay (bị rơi) do các hãng hàng không Mỹ vận hành, công chúng Mỹ có thể coi việc chính phủ không có bất kỳ hành động nào là hành vi đồng lõa tội phạm”, ông Pushkarev cho biết.

Tính đến thời điểm hiện tại, Boeing, tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới, phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề sau khi giá cổ phiếu sụt giảm trong bối cảnh hai vụ rơi máy bay xảy ra liên tiếp và hàng loạt lệnh cấm được đưa ra trên toàn thế giới.

“Cổ phiếu của Boeing đã hồi phục từ mức 300 USD vào dịp Giáng sinh tới gần 400 USD. Tuy nhiên, vụ rơi máy bay 737 MAX 8 đã thổi bay gần 15% và nhiều thiệt hại dự kiến sẽ còn tiếp tục xảy ra”, nhà phân tích Pushkarev phỏng đoán.

Theo chuyên gia Bruno, Boeing nên chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với các vấn đề liên quan tới pháp lý, vì Mỹ là nước dễ xảy ra kiện tụng nhất thế giới. Các hãng hàng không bị ảnh hưởng có đủ thẩm quyền để không chỉ kiện Boeing mà còn hủy các đơn hàng đối với dòng máy bay gặp sự cố. Trong khi đó, nhà sản xuất không có quyền để ngăn các hãng làm như vậy.

“Ngoài kiện tụng pháp lý từ các hãng hàng không bị ảnh hưởng, Boeing có thể cũng phải đối mặt với đơn kiện từ những gia đình có người thân thiệt mạng trong các vụ tai nạn, với mức bồi thường có thể lên tới 2 triệu USD/hành khách. Hơn nữa, các nhà đầu tư, đặc biệt tại Mỹ, cũng có thể đệ đơn kiện Boeing vì hãng đang có giá cổ phiếu hàng đầu trên thị trường”, chuyên gia Bruno cho biết.

may bay.png

Người thân của các nạn nhân đau buồn tại hiện trường vụ rơi máy bay tại Ethiopia. (Ảnh: AP)

Hàng loạt lệnh cấm đối với 737 MAX, dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing, có thể khiến giá trị thị trường của Boeing lao dốc và làm gián đoạn cuộc cạnh tranh giữa Boeing với một đối thủ đáng gờm là hãng Airbus của châu Âu.

Theo Katia Frenkel, lãnh đạo bộ phận phân tích tại công ty đầu tư Finlst, liên quan tới trách nhiệm của các hãng hàng không, họ sẽ quyết định không có bất kỳ hành động nào cho tới khi họ buộc phải hành động.

“Các hãng hàng không mua máy bay để vận hành chúng và thu lợi nhuận từ việc mua bán đó. Nếu một máy bay chỉ đắp chiếu trong kho, nó sẽ không mang lại tiền. Trong khi đó, hãng hàng không vẫn phải trả tiền cho sân bay để đỗ các máy bay đó. Họ cũng phải quyết định sử dụng máy bay nào để thay thế những chiếc bị cấm bay”, chuyên gia Frenkel nói.

Theo chuyên gia Bruno, cả FAA và Boeing nên sẵn sàng đối mặt với nguy cơ bị hành khách cũng như các hãng hàng không khởi kiện vì sự chậm trễ trong việc đưa ra quyết định cấm bay đối với dòng 737 MAX, thậm chí còn khẳng định máy bay vẫn hoạt động bình thường cho tới khi Tổng thống Trump lên tiếng.

“Nhiều hãng hàng không sẽ mất doanh thu vì không khai thác được máy bay bị cấm. Các hãng hàng không bây giờ sẽ phải đưa ra quyết định về cách thức bồi thường những thiệt hại tài chính khi không sử dụng một trong những dòng máy bay phổ biến nhất thế giới”, ông Bruno nói, đồng thời nhấn mạnh rằng hơn 300 máy bay Boeing 737 MAX đã bị đình chỉ, trong khi hàng nghìn chiếc đang được đặt hàng.

Tuy vậy, theo chuyên gia Frenkel, việc các hãng hàng không yêu cầu Boeing bồi thường và việc nhận được bồi thường là hai vấn đề khác nhau.

“Điều này sẽ dẫn tới nhiều vụ kiện tụng mà có thể kéo dài tới nhiều năm, nếu Boeing chưa tuyên bố phá sản”, nhà phân tích Frenkel cho biết, đồng thời dự đoán Boeing có thể mất hàng chục tỷ USD nếu các hãng hàng không hủy đơn hàng đặt mua máy bay từ trước.

1
Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm