Quốc tế

Lý do Mỹ và châu Âu vẫn chưa tung bài trừng phạt kinh tế chiến lược với Nga

Mỹ và châu Âu đều khẳng định sẽ “bóp nghẹt kinh tế” Nga như đòn trừng phạt đáp trả Nga đã tấn công Ukraine. Tuy nhiên, chiêu bài chiến lược vẫn chưa được tung ra.

Nga sẽ dừng tấn công nếu Ukraine chấp nhận "trung lập" và "từ chối triển khai vũ khí" / Nga tiến quân vào thủ đô Ukraine

“SWIFT sẽ là lựa chọn cuối cùng”

Theo giới quan sát, Mỹ và châu Âu đang có trong tay biện pháp trừng phạt kinh tế then chốt là loại Nga khỏi SWIFT - “Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu”.

Sau khi Nga tấn công Ukraine, Mỹ và EU đã công bố hàng loạt lệnh trừng phạt tài chính khắc nghiệt, nhằm cô lập, bóp nghẹt nền kinh tế Nga về lâu dài. Trong đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các hạn chế xuất khẩu sang Nga và áp lệnh trừng phạt nhằm vào hàng loạt ngân hàng và các công ty nhà nước của Nga.

Ảnh minh họa.

Tổng thống Mỹ cho rằng, không cần thiết phải loại Nga khỏi SWIFT - dù đây vẫn luôn là một lựa chọn và là biện pháp trừng phạt mà châu Âu mong muốn thực hiện nhất.

“Những biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt với Nga còn hơn cả lựa chọn SWIFT. Chúng ta sẽ thảo luận lại trong một tháng tới để xem các trừng phạt hiện nay có hiệu quả hay không”, Tổng thống Biden nói.

Trong khi đó, nhiều nước châu Âu, trong đó có Anh, ủng hộ việc loại Nga khỏi SWIFT.Còn Pháp thì cho rằng, loại Nga khỏi SWIFT sẽ là “lựa chọn cuối cùng”, song theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, đây vẫn là một trong những lựa chọn đang được để ngỏ.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cũng đồng tình với quan điểm này: “Ngoài những trừng phạt đã được thống nhất và công bố. Tất cả các biện pháp khắc đều đã đang sẵn sàng”.

Sau khi Chính phủ Ukraine thúc giục các đồng minh phương Tây loại Nga khỏi SWIFT, Mỹ và châu Âu vẫn chưa thống nhất được vấn đề này. Một số nhà lãnh đạo châu Âu muốn kiên nhẫn hơn vì lựa chọn này có thể khiến thương mại quốc tế trở nên khó khăn hơn.

 

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết: “Một số quốc gia đang do dự vì nó gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế của chính họ”.

Tại Mỹ, các nhà lập pháp cũng có quan điểm trái chiều với lựa chọn trừng phạt này. Trong phát biểu ngày 24/2, Lãnh đạo phe Cộng hòa Thượng viện Mitch McConnell cho rằng, Mỹ nên đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt, không bỏ qua bất cứ biện pháp cứng rắn có sẵn nào và trừng phạt phải được áp dụng ngay từ bây giờ.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Jim Risch của Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, lại cho rằng trừng phạt liên quan đến SWIFT sẽ rất phức tạp và mất thời gian vì Mỹ không có quyền kiểm soát Hiệp hội này.

SWIFT có thực sự làm khó được Nga

SWIFT được thành lập tại Brussels (Bỉ) năm 1973 và được hỗ trợ bởi 239 ngân hàng tại 15 quốc gia. SWIFT cho phép các tổ chức tài chính và ngân hàng trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chính trong một môi trường an toàn, tiêu chuẩn và đáng tin cậy.

 

Năm 2021, SWIFT nhận trung bình 42 triệu tin nhắn cho phép thanh toán mỗi ngày.

Một số chuyên gia cho rằng, việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ không đồng nghĩa với việc cắt đứt liên hệ của Nga với nền kinh tế toàn cầu như những ý kiến đề xuất trừng phạt dự tính. Hơn thế, nó có thể gây phản ứng ngược.

Luật sư Adam Smith từng làm việc trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Obama cho biết: “SWIFT là một nền tảng truyền thông, không phải một hệ thống thanh toán tài chính. Nếu Nga bị loại khỏi SWIFT, nước này sẽ bị loại khỏi huyết mạch tài chính quan trọng, nhưng họ có thể sử dụng các công cụ trước khi SWIFT ra đời như điện thoại hoặc email để tham gia vào các giao dịch giữa ngân hàng với ngân hàng”.

Rủi ro khác là các nước có thể phát triển và sử dụng các nền tảng khác ngoài SWIFT. Điều này sẽ làm tăng xung đột trong thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến tăng trưởng và khiến việc giám sát tài chính của các nhóm khủng bố trở nên khó khăn hơn.

Iran đã bị chặn khỏi hệ thống SWIFT vào năm 2014 vì chương trình hạt nhân của nước này. Vào năm 2019, Thủ tướng Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev cho rằng, việc mất quyền truy cập vào SWIFT sẽ giống như một lời tuyên chiến chống lại Nga. Tuyên bố của ông Medvedev là một dấu hiệu cho thấy Nga coi nền tảng này là một lỗ hổng và đã phát triển các giải pháp để hạn chế bất kỳ thiệt hại kinh tế nào.

 

Theo các chuyên gia, Nga có thể đã chuẩn bị sẵn sàng những biện pháp “né” đòn trừng phạt, bao gồm cả những lệnh trừng phạt kinh tế được áp đặt vừa qua.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm