Quốc tế

Lý do "Phượng hoàng bầu trời" Rafale Pháp lọt mắt Ấn Độ

Dassault Rafale có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, đánh chặn tầm xa, tấn công mặt đất, trên biển và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Boeing đề xuất cơ sở mới sản xuất máy bay F/A 18 Super Hornet tại Ấn Độ / Mỹ hoán cải F-117A Night Hawk thành máy bay chiến đấu không người lái tàng hình?

"Phượng hoàng bầu trời" Rafale

Vào giữa thập niên 1970, cả Không quân và Hải quân Pháp đều cần một mẫu máy bay chiến đấu mới để thay thế số đang có trong biên chế. Do yêu cầu tương tự nhau và để giảm chi phí, cả hai lực lượng đã đưa ra một đề xuất chung, và Rafale - máy bay chiến đấu đa nhiệm "tất cả trong một" cho Không quân và Hải quân Pháp được Tập đoàn Dassault Aviation - một trong những hãng máy bay lâu đời nhất thế giới, cho ra đời sau bao biến cố, điều chỉnh và nghiên cứu, thử nghiệm…

Dàn vũ khí khủng của Rafale; Nguồn: dassault-aviation.com.

Dàn vũ khí khủng của Rafale; Nguồn: dassault-aviation.com.

Có chuyến bay đầu tiên vào 7/1986, nhưng mãi đến năm 2001, Rafale mới chính thức được biên chế cho Không quân Pháp. Đến 1/2019, có 175 chiếc Rafale được chế tạo với ba biến thể chính gồm: Rafale B (hai chỗ ngồi), Rafale Cale (một chỗ ngồi) và Rafale M (hoạt động trên tàu sân bay). Được coi là tinh hoa của người Pháp, chiến đấu cơ đa nhiệm hai động cơ Rafale với thiết kế cánh tam giác độc đáo cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến là một trong những tiêm kích hàng đầu thế giới, chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Pháp.

Rafale có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, đánh chặn tầm xa, yểm trợ mặt đất, tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương, tiêu diệt tàu sân bay và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Chiến đấu cơ này có chiều dài 15,27m, sải cánh 10,8m, cao 5,34m, có thể đạt tốc độ bay 2.250km/h, tầm hoạt động 1.800km, trần bay 18.000m, tải trọng 9,5 tấn. Các thông số này của Rafale vượt trội cả tiêm kích hạng nặng Su-30, Su-35 của Nga và F-35 của Mỹ.

Rafale được trang bị radar mạng pha quét chủ động (Thales RBE2 AA), 2 động cơ phản lực Smecma M88-4E đốt sau sử dụng hệ thống kiểm soát nhiên liệu kỹ thuật số giúp tăng lực đẩy, tiết kiệm nhiên liệu. Rafale có thiết kế khí động học tối ưu giảm thiểu hệ số RCS và được áp dụng nhiều công nghệ làm giảm phát xạ hồng ngoại giúp nâng cao tính tàng hình. Khả năng cơ động linh hoạt với vận tốc cao giúp cho Rafale có nhiều phương án lựa chọn tấn công và phối hợp tác chiến.

Vũ khí chính của Rafale bao gồm một pháo GIAT 30/719B 30mm và 14 mấu treo cứng bên dưới thân và cánh để lắp bình nhiên liệu phụ và các loại vũ khí theo tiêu chuẩn của Pháp và NATO. Rafale thường mang theo vũ khí hỗn hợp cả không chiến và tấn công mặt đất trong mỗi nhiệm vụ, gồm tên lửa không đối không (AIM-9, AIM-132, AIM-120, Magic II, MBDA Meteor), không đối đất (MBDA Apache, SCALP EG, AASM, AM 39 Exocet), chống radar, không đối hạm, bom có điều khiển…

Một trong những điểm độc đáo tạo nên sức mạnh cho Rafale là hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp có tên SPECTRA với các cảm biến bố trí xung quanh máy bay, cung cấp khả năng phát hiện, nhận dạng và xác định mối đe dọa từ cự ly 200km, giúp phi công nhận thức tình huống và đưa ra biện pháp đối phó phù hợp nhất, tăng khả năng sống sót trong chiến đấu. Rafale có hệ thống liên lạc hiện đại nhất, bao gồm radar đa nhiệm RBE2 (loại đầu tiên ở châu Âu với tính năng quét điện tử 2 tầng), tổ hợp trinh sát và bắt bám hồng ngoại IRST, hệ thống nhập lệnh bằng giọng nói, mũ phi công hiện đại có kính ngắm và màn hình, các hệ thống phòng thủ điện tử, và theo dõi bằng laser OSF.

 

Các thiết bị điện tử trên tiêm kích này được ứng dụng công nghệ tích hợp modun hóa giúp kiểm soát toàn bộ tính năng chính của máy bay như điều khiển bay, hợp nhất dữ liệu, dẫn bắn cho hệ thống vũ khí và giao tiếp giữa các phi công trong cùng phi đội. Rafale tham chiến lần đầu trong chiến dịch Bình minh Odyssey, thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya vào 2011, và hiện nay thực chiến tại Syria; đã nhanh chóng chứng minh giá trị và hiệu quả cao trong các nhiệm vụ chiến đấu.

ly do "phuong hoang bau troi" rafale phap lot mat an do hinh 2
Rafale trong một buổi trình diễn; Nguồn: Defense Update.

Lý do Rafale lọt mắt người Ấn

Năm 2012, Tập đoàn Dassault được chọn để cung cấp 126 tiêm kích Rafale cho Ấn Độ, tuy nhiên, quá trình thương lượng bị kéo dài nhiều năm vì lý do địa-chính trị và New Delhi muốn Dassault chuyển giao dây chuyền và công nghệ để tự sản xuất 90 máy bay trong nước. Tháng 4/2015, Ấn Độ hủy bỏ hợp đồng mua số máy bay này và quay sang đàm phán một hợp đồng nhỏ hơn, theo đó, sẽ mua 36 chiếc Rafale hoàn chỉnh nếu Pháp đồng ý giảm bớt 25% giá máy bay.

Tháng 9/2016, Ấn Độ đã ký với Pháp một thỏa thuận về thương vụ 36 tiêm kích đa nhiệm Rafale (28 chiếc Rafale EH một chỗ ngồi trong đó, có 14 phiên bản Rafale cải tiến dành riêng cho Ấn Độ và 8 chiếc Rafale DH hai chỗ ngồi) trị giá 8,8 tỷ USD, cùng điều khoản New Delhi có thể mua thêm 12 máy bay nữa nếu có nhu cầu. Máy bay chiến đấu của Pháp sẽ được trang bị tên lửa Meteor tầm xa 150km - một trong những loại tên lửa không đối không hiệu quả nhất hiện nay.

Theo tin chính thức, các tiêm kích Rafale sẽ được bàn giao cho Ấn Độ trong một buổi lễ vào 20/9/2019, theo đúng tiến độ - từ tháng 9/2019 đến tháng 4/2022. Lô đầu tiên gồm 4 máy bay phản lực được trang bị tên lửa SCALP (Storm Shadow) có tầm bắn hơn 300km, dự kiến sẽ được chuyển cho Ấn Độ vào tháng 5/2020 và sẽ là phi đội Rafale đầu tiên được triển khai tại căn cứ không quân Ambala dọc biên giới phía Tây giáp Pakistan. Sở hữu tiêm kích Rafale, không quân Ấn Độ có thể đối đầu sòng phẳng với F-16 của Pakistan cũng như J-20 của Trung Quốc.

 

Theo The Aviationist, phương Tây luôn xếp Rafale trên Su-35 của Nga trong các bảng xếp hạng chiến đấu cơ mạnh nhất thế giới, do có tín hiệu radar nhỏ hơn nhiều so với Su-35, cũng như có các tính năng bay tốt hơn. Nhờ có cánh ngang phía trước, Rafale có thể vào góc tấn lớn cũng như liệng nhanh hơn; tốc độ leo cao của Rafale là 305m/s, cho phép Rafale thực hiện chớp nhoáng vòng ngoặt về bất cứ hướng nào - vượt trội so với Su-35 (280m/s), tạo nên trong sự cơ động và linh hoạt. Khả năng linh hoạt, đối kháng điện tử mạnh cùng với kho vũ khí hủy diệt được tích hợp, Rafale thực sự là đối thủ đáng sợ cho bất kỳ tiêm kích nào khi phải đối đầu với nó.

Các nguyên nhân chính Rafale chưa xuất khẩu được nhiều là do giá rất đắt - gần 90 triệu USD (chưa bao gồm vũ khí); các đối tác muốn mua Rafale không thể sử dụng các loại tên lửa có sẵn của mình, mà phải mua đủ số tên lửa của Pháp - điều làm Rafale giảm mạnh tính cạnh tranh so với các máy bay của các nước khác có thể sử dụng nhiều loại tên lửa khác nhau như Eurofighter, Su-27/30, F-15/16/18 biến thể mới và JAS-39 Gripen. Theo mức giá năm 2017 của Rafale trên 125 triệu USD, hơn gấp đôi Su-30MK2 - nguyên nhân khiến Ấn Độ hướng sang Nga sau nhiều năm đàm phán với Pháp về thương vụ Rafale.

ly do "phuong hoang bau troi" rafale phap lot mat an do hinh 3
Rafale thực hành phóng tên lửa; Nguồn: defense.gouv.fr.

Theo giới chuyên môn, để mua được số chiến đấu cơ nói trên, New Delhi phải chi tới 8,8 tỷ USD, tương đương giá thành mỗi chiếc (đã bao gồm vũ khí) khoảng 244 triệu USD. Với số tiền này, Ấn Độ có thể mua được 4 chiếc Su-30 (thời điểm 2016) và mua được 3 chiếc F-35 theo mức giá vừa được Mỹ công bố. Một số ý kiến cho rằng, 36 chiếc Rafale nguyên chiếc sản xuất tại Pháp với giá 166,21 triệu USD/chiếc, đắt gấp 3 lần tiêm kích Su-30MKI với giá 62,78 triệu USD/chiếc là "quả đắng" cho Ấn Độ. Câu hỏi đặt ra là Rafale có gì đặc biệt khiến Không quân Ấn Độ phải mua bằng được?

Giới phân tích cho rằng, Rafale đắt nhưng "đắt xắt ra miếng", sức chiến đấu của Rafale cao hơn hẳn Su-30MKI chứ không phải chỉ nhỉnh hơn đôi chút. Với thiết kế cánh tam giác và cánh mũi, Rafale có độ cơ động không thua kém Su-30MKI mấy trong khi đó hệ thống điện tử tiên tiến và tải trọng vũ khí cũng hơn hẳn Su-30MKI. Trong tập trận với F-35, Rafale là một trong số ít những tiêm kích thế hệ thứ 4 giành chiến thắng trong một số tình huống đối đầu. Ấn Độ không dại gì lại bỏ ra một số tiền lớn để chỉ mua chiến đấu cơ có sức chiến đấu ngang với Su-30MKI sản xuất trong nước.

Theo trang Air Recognition, những ưu điểm trên không phải là nguyên nhân chính khiến Ấn Độ bỏ núi tiền sở hữu Rafale; lý do sâu xa có liên quan đến tên lửa ASMP-A và khả năng tấn công hạt nhân của dòng chiến đấu cơ này. ASMP-A được thiết kế để có thể tích hợp trên hầu hết các dòng chiến đấu cơ mạnh nhất của Pháp từ những năm 1980 cho đến nay như Dassault Mirage 2000N, Rafale và Super Etendard. Trọng lượng của ASMP-A khoảng 860kg, tầm bắn hiệu quả của mẫu tên lửa này từ 80-500km với tốc độ có thể đạt tới Mach 3 - phù hợp với các nhiệm vụ tấn công tầm xa.

 

Mỗi quả tên lửa ASMP-A được trang bị một đầu đạn hạt nhân TN81 có sức công phá từ 100-300kt. Nhà sản xuất Rafale và Bộ Quốc phòng Pháp không chấp nhận mọi trường hợp khách hàng nước ngoài "bẻ khóa" Rafale để trang bị vũ khí phi tiêu chuẩn. Trong khi đó, New Delhi từng nhiều lần tuyên bố sẽ trang bị tên lửa hạt nhân cho dòng chiến đấu cơ tiệm cận thế hệ 5 này. Từ thông tin này, Air Recognition cho rằng, đây có thể mới là nguyên nhân khiến Ấn Độ chấp nhận mua Rafale với số tiền nhiều gấp 3 lần tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.

Theo Lê Ngọc/VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm