Lý do Trung Quốc "trút giận" lên Canada dù Mỹ phát lệnh bắt "nữ tướng" Huawei
Mỹ gióng hồi chuông cảnh báo lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài sau vụ Huawei / 'Nữ tướng' Huawei có thể phải chi hơn 1 triệu USD/năm để giám sát mình
Michael Spavor (trái) và Michael Kovrig là hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ gần đây. (Ảnh: BBC)
Căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc liên tục leo thang sau khi Bắc Kinh lần lượt bắt hai công dân Canada trong tuần này. Trung Quốc thậm chí cảnh báo sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp mạnh tay nếu Canada không thả Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu.
Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định Canada đã tuân thủ “quy định của pháp luật” khi bắt bà Mạnh Vãn Chu tại sân bay Vancouver hôm 1/12 theo đề nghị của Mỹ với cáo buộc giám đốc tài chính Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington với Iran. Trung Quốc không chấp nhận lời giải thích của Canada và ngay lập tức có động thái trả đũa. Quốc gia phải hứng chịu cơn giận dữ của Bắc Kinh lại là Canada chứ không phải Mỹ.
Hai công dân Canada là doanh nhân Michael Spavor và cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig đã bị bắt giữ với cáo buộc “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” của Trung Quốc. Mặc dù cả hai nước đều không xác nhận chính thức về sự liên quan giữa hai vụ bắt giữ, song cố vấn chính sách thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nhận định vụ Huawei chính là lý do dẫn tới việc Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 13/12, khi được hỏi liệu hai vụ bắt giữ có liên quan tới nhau không, ông Navarro khẳng đinh: “Tất nhiên là có. Điều này nằm trong tính toán của Trung Quốc”.
Theo cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc Guy Saint-Jacques, ông chắc chắn vụ bắt giữ hai công dân Canada là đòn đáp trả của Trung Quốc sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu.
“Tôi có thể nói rằng dựa trên 13 năm kinh nghiệm của tôi tại Trung Quốc, không có chuyện trùng hợp ngẫu nhiên ở đây. Chính phủ Trung Quốc rõ ràng muốn gửi tới cho Canada một thông điệp”, cựu đại sứ Saint-Jacques cho biết.
Nelson Wiseman, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng việc Trung Quốc nhắm mục tiêu tới Canada, chứ không phải Mỹ dù Washington mới là nước ra yêu cầu bắt bà Mạnh Vãn Chu, cho thấy đây là một động cơ chính trị.
“Trung Quốc có thể dễ dàng bắt một doanh nhân hoặc một nhà ngoại giao Mỹ, hoặc họ có thể làm cả hai. Nhưng họ không làm vậy”, Giáo sư Wiseman cho biết.
Tình hình dường như diễn biến phức tạp hơn. Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 13/12 đã đăng tải một video với cảnh báo: “Nếu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ, sự đáp trả của Trung Quốc thậm chí còn mạnh hơn nhiều so với việc bắt một công dân Canada”.
Dịu giọng với Mỹ
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. (Ảnh: Getty)
Mặc dù đưa ra tuyên bố cứng rắn với Canada, song Trung Quốc dường như dịu giọng hơn với Mỹ. Trung Quốc cuối tuần trước đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh và trao công hàm “phản đối mạnh mẽ” vụ việc. Trung Quốc cũng đề nghị Mỹ rút lại lệnh bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, song không đe dọa Washington về “hậu quả nghiêm trọng” như từng làm với Canada.
Theo Giáo sư Wiseman, sự khác biệt trong cách hành xử của Trung Quốc với Mỹ và Canada xuất phát từ vấn đề thương mại.
“Trung Quốc đặt trọng tâm vào Canada chứ không phải Mỹ, vì Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Mỹ. Đó mới là điều quan trọng với Trung Quốc”, ông Wiseman nhận định.
Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngày 1/12 đã nhất trí không áp thuế bổ sung với hàng hóa của nhau trong thời hạn 90 ngày. Đúng vào ngày Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Argentina để đi đến thỏa thuận đình chiến trên, bà Mạnh Vãn Chu bị bắt.
Vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei tưởng chừng sẽ khiến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ, tuy nhiên Bắc Kinh hồi đầu tuần tuyên bố các cuộc đàm phán này sẽ vẫn diễn ra.
“Đối với Trung Quốc quan hệ thương mại với Canada chỉ là “đồng bạc lẻ” so với những gì họ xuất khẩu vào Mỹ. Quan hệ thương mại với Canada nhỏ hơn nhiều, nên họ không quá quan trọng”, Giáo sư Wiseman nhận định.
Theo ông Wiseman, Mỹ mới là nước áp thuế với Trung Quốc, không phải Canada. Do vậy, lợi ích kinh tế sống còn của Trung Quốc sẽ gặp nguy hiểm nếu Bắc Kinh nhắm mục tiêu tới Washington.
Năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu hơn 48 tỷ USD hàng hóa sang Canada và nhập khẩu 15 tỷ USD hàng hóa từ Canada về nước. Cũng trong năm này, Trung Quốc xuất khẩu hơn 481 tỷ USD tới Mỹ và nhập khẩu hơn 115 tỷ USD hàng hóa từ Washington.
Theo cựu Đại sứ Saint-Jacques, do sự phụ thuộc của kinh tế Trung Quốc vào Mỹ nên Canada bỗng dưng trở thành “kẻ nhận tội thay” và hứng chịu mọi sự trừng phạt.
“Tất nhiên Trung Quốc không thể đánh vào Mỹ, do vậy họ quay sang đánh chúng ta”, cựu đại sứ Canada nói.
Canada nhiều lần tuyên bố vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei không mang động cơ chính trị, đồng thời khẳng định nước này chỉ tuân thủ luật quốc tế về dẫn độ trên cơ sở đề xuất của Mỹ.
Ronald Paris, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của thủ tướng Canada, cho biết những nỗ lực của Trung Quốc nhằm buộc Canada phải thả bà Mạnh sẽ không có tác dụng.
“Có lẽ bởi vì nhà nước Trung Quốc kiểm soát hệ thống tư pháp nên Bắc Kinh đôi khi gặp khó khăn trong việc hiểu hoặc tin rằng, các tòa án có thể hoạt động độc lập tại một quốc gia nơi pháp luật là cao nhất. Việc gây sức ép với chính phủ Canada là vô ích. Các thẩm phán sẽ quyết định việc đó”, ông Paris nhấn mạnh.
Giáo sư Charles Burton, cựu nhân viên ngoại giao Canada tại Trung Quốc, cho biết ông tin rằng Bắc Kinh đáp trả vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu để gửi tới Canada một lời cảnh báo. Theo ông Burton, bà Mạnh có mối quan hệ rất rộng, do vậy Trung Quốc sẽ “gây sức ép tối đa” với Canada để đảm bảo giám đốc tài chính Huawei sẽ được trả tự do.
End of content
Không có tin nào tiếp theo