Quốc tế

Messerschmitt Me 323 Gigant - Quái vật bầu trời đáng sợ của Đức quốc xã

DNVN - Messerschmitt Me 323 Gigant là một chiếc máy bay vận tải quân sự khổng lồ với thiết kế rất kỳ dị được Phát xít Đức sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ II.

Vũ khí phòng thủ Tesla Coil - Từ viễn tưởng đến hiện thực / Triều Tiên tiếp tục gia tăng tiềm năng hạt nhân

Giai đoạn mở màn thế chiến thứ hai, Quân đội Đức Quốc xã phải đau đầu tìm giải pháp đưa xe tăng, pháo và binh lính vượt qua eo biển Manche để chiếm London một cách nhanh chóng.

Năm 1940, Không quân Đức Quốc xã giao nhiệm vụ cho 2 hãng sản xuất Junkers và Messerschmitt trong thời hạn 14 ngày phải đưa ra được bản thiết kế một loại máy bay có thể làm được những điều trên.

Junkers đã phải chịu thua, chỉ có Messerschmitt kịp hoàn thành mẫu thiết kế Me 321 để đáp ứng yêu cầu từ Luftwaffe, họ được chọn làm nhà thầu chính của dự án.

Không quân Đức sau đó hủy bỏ kế hoạch đổ bộ đường không vào Anh, cho nên chiếc Me 321 được trưng dụng phục vụ trên chiến trường Đông Âu và châu Phi.

Trước việc phát sinh nhiều lỗi kỹ thuật của Me 321, nhà sản xuất đã phải chỉnh sửa và cải tiến để cho ra đời chiếc Me 323 từ chính khung thân của 200 máy bay Me 321 đang hoạt động.

Máy bay vận tải quân sự khổng lồ Messerschmitt Me 323 Gigant của phát xít Đức. Ảnh: War History Online.

Máy bay vận tải quân sự khổng lồ Messerschmitt Me 323 Gigant của phát xít Đức. Ảnh: War History Online.

Máy bay vận tải Me 323 rất đồ sộ với chiều dài 28,2 m; chiều cao 10,15 m; trọng lượng rỗng 27,33 tấn; trọng lượng có tải 29,5 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa là 43 tấn.

Sải cánh của chiếc Me 323 lên đến 55,2 m. Vào thời điểm thập niên 1940 thì thông số trên của máy bay vận tải Me 323 là vô địch thế giới, được xem là kỳ tích của nền khoa học Đức.

Để nâng con quái vật này lên bầu trời, các kỹ sư đã trang bị cho Me 323 tới 6 động cơ cánh quạt Gnome-Rhone 14N-48/49 công suất tối đa đạt mức 1.180 mã lực khi cất cánh.

Tốc độ bay lớn nhất của Me 323 chỉ là 285 km/h, tốc độ hành trình 218 km/h, nó có thể đạt tầm bay 800 km, trần bay 4 km, vận tốc leo cao khoảng 3,6 m/s, như vậy là rất cục mịch và nặng nề.

 

Do kích thước quá khổ và tốc độ chậm chạp, nếu gặp phải tiêm kích đối phương thì Me 323 chẳng thể nào bỏ chạy, vì thế các kỹ sư Đức đã tích hợp cho nó chi chít súng máy trên cánh để có thể tự vệ.

Tổ lái 5 người của Me 323 bao gồm 2 phi công, 2 kỹ sư và 1 người phụ trách thiết bị vô tuyến... Khi bay qua vùng chiến sự, kỹ sư và người phụ trách điện đài sẽ sử dụng 3 trong số 5 súng máy MG 131 trên chiếc phi cơ.

Xe thiết giáp ra khỏi khoang chở hàng của Me 323 qua đường mũi. Ảnh: War History Online.

Xe thiết giáp ra khỏi khoang chở hàng của Me 323 qua đường mũi. Ảnh: War History Online.

Khoang hàng của máy bay Me 323 cũng rất đặc biệt, để giảm tối đa trọng lượng bản thân, người Đức mạo hiểm chế tạo Me 323 với cánh làm bằng gỗ dán và vải, trong khi thân được cấu tạo bởi ống kim loại cùng thanh gỗ rồi phủ vải.

 

Máy bay vận tải Me 323 có khoang lái nằm ở phía trên cái mũi rộng quá khổ của mình, nó có khả năng chuyên chở cả 1 xe tăng Panzer IV hay pháo tự hành Flak 36 cỡ 88 mm.

Để thuận lợi cho việc đưa hàng hóa vào - ra, người Đức đã mạnh dạn đưa cửa khoang hàng ra phía mũi chứ không phải đuôi, hiện các máy bay vận tải quân sự hạng nặng đời mới cũng làm cách này.

Me 323 phải hứng chịu rất nhiều tổn thất do sự nặng nề và chậm chạp của mình cho dù được trang bị khá nhiều vũ khí. Hiện nay không còn một chiếc Me 323 nguyên vẹn nào, tại Bảo tàng Không quân Đức ở Berlin chỉ có một phần cánh máy bay được trưng bày.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm