Quốc tế

Mục tiêu tiếp theo của Mỹ trong cuộc chiến thương mại: “Chất xám Trung Quốc”

Chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhắm mục tiêu tới những tài năng xuất sắc của Trung Quốc tại Mỹ, kiểm soát chặt chẽ các nhà nghiên cứu có mối liên hệ với Bắc Kinh, đồng thời hạn chế visa dành cho sinh viên Trung Quốc.

Iran bác đàm phán không điều kiện, cảnh báo Mỹ “trả giá đắt” nếu gây chiến / CLIP: Máy bay chiến đấu Mỹ diễn tập trên tàu sân bay

Mục tiêu tiếp theo của Mỹ trong cuộc chiến thương mại: “Chất xám Trung Quốc” - 1

Sinh viên Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Một số sinh viên và học giả Trung Quốc đã nói với hãng tin Bloomberg rằng trong những tuần gần đây, họ cảm thấy môi trường học thuật và làm việc tại Mỹ ngày càng thiếu thân thiện với người Trung Quốc.

Đại học Emory đã sa thải 2 giáo sư người Mỹ gốc Trung vào ngày 16/5. Tiếp đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc ngày 3/6 đã đưa ra cảnh báo với các sinh viên Trung Quốc về những nguy cơ rủi ro khi học tập tại Mỹ trong bối cảnh số lượng sinh viên Trung Quốc bị từ chối visa vào Mỹ tăng vọt.

“Tôi hồi hộp, lo lắng, thậm chí buồn bã bởi những xung đột không đáng có. Rào cản của Mỹ đối với các học giả và sinh viên Trung Quốc là bất hợp lý, đi ngược lại với giá trị cốt lõi đưa Mỹ trở thành một cường quốc”, Liu Yuanli, giám đốc sáng lập Sáng kiến Trung Quốc thuộc Trường Y tế Công Harvard và là hiệu trưởng Trường Y tế Công thuộc Cao đẳng Y tế Bắc Kinh, nhận định.

Liu Yuanli là một thành viên trong chương trình “Nghìn người tài” gây tranh cãi của Trung Quốc. Khởi động từ năm 2008, chương trình này khuyến khích các công dân tài năng nhất của Trung Quốc ra nước ngoài học tập, sau đó quay trở về để phát triển nền kinh tế Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc đã tìm cách hạn chế chương trình này sau khi Mỹ ngày càng lo ngại về các hoạt động của chương trình.

Gia tăng nghi ngại

 

Những diễn biến gần đây đã cho thấy cách xung đột thương mại thay đổi về cơ bản mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ phụ thuộc lẫn nhau sang gia tăng hoài nghi.

Trong suốt hàng chục năm qua, giáo dục đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Làn sóng sinh viên Trung Quốc “đổ bộ” đã giúp các trường đại học Mỹ thu được bộn tiền. Đổi lại, các nhân tài từ Trung Quốc cũng có cơ hội tiếp cận các trung tâm nghiên cứu tốt nhất thế giới đặt tại Mỹ.

Theo Viện Giáo dục quốc tế (IIE), Mỹ đã đón hơn 360.000 sinh viên từ Trung Quốc trong năm 2018, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng đã chậm lại trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.

Theo dữ liệu mới được công bố của chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ sinh viên Trung Quốc tới Mỹ chỉ tăng 3,6% trong năm 2018, chưa bằng một nửa so với năm trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên nhận học bổng của chính phủ Trung Quốc bị Mỹ từ chối visa tăng lên 13,5% trong 3 tháng đầu năm nay. Con số này cao hơn hẳn so với tỷ lệ 3,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Rào cản từ phía Mỹ

 

Theo một số nghiên cứu sinh tiến sĩ Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts, quá trình gia hạn visa hàng năm dành cho sinh viên trước đây chỉ mất khoảng 3 tuần, còn bây giờ kéo dài tới hàng tháng. Một trong số các sinh viên Trung Quốc cho biết họ đang có xu hướng về nước sau khi tốt nghiệp vì lo ngại rằng việc kiểm soát chặt chẽ học giả Trung Quốc có thể vẫn sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới.

“Những động thái của phía Mỹ đang gây khó khăn cho hoạt động trao đổi và hợp tác giáo dục Mỹ - Trung. Chúng tôi hy vọng phía Mỹ sẽ sửa chữa những hành vi sai lầm càng sớm càng tốt, có thái độ tích cực hơn, và làm những điều có lợi hơn để thúc đẩy trao đổi và hợp tác song phương về giáo dục”, Xu Yongji, phó cục trưởng Cục Trao đổi và Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, cho biết.

Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng chỉ trích cáo buộc mà Bắc Kinh cho là vô căn cứ của Mỹ, trong đó Washington lo ngại các học giả và sinh viên Trung Quốc có liên quan tới “các hoạt động gián điệp phi truyền thống”.

“Những người Mỹ ngăn chặn sinh viên và học giả Trung Quốc có một toan tính trong đầu: Họ sợ rằng người Trung Quốc sẽ làm chủ các công nghệ tiên tiến và Trung Quốc sẽ chiếm vị trí dẫn đầu. Sự sụt giảm đáng kể về số lượng sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ chắc chắn sẽ tạo ra cú sốc cho ngành giáo dục Mỹ”, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, bình luận hôm 4/6.

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017, chính quyền Trump đã cam kết xem xét lại quy trình cấp visa và cân nhắc một số hạn chế đối với các sinh viên theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán từ một số nước để đảm bảo rằng tài sản trí tuệ của Mỹ không rơi vào tay các đối thủ. Tháng 7/2018, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ hạn chế visa đối với sinh viên Trung Quốc học các ngành khoa học và kỹ thuật.

 

Một số trường đại học của Mỹ đã có hành động nhằm thực thi chính sách trên. Đại học Emory đã sa thải nhà nghiên cứu gen gốc Trung Quốc Li Xiao-Jiang và là một thành viên của chương trình “Nghìn người tài”. Trung tâm ung thư M.D. Anderson tại Đại học Texas cũng cho nghỉ việc 3 nhà nghiên cứu Trung Quốc vì có liên quan tới cuộc điều tra về nguy cơ người nước ngoài lợi dụng quỹ nghiên cứu liên bang.

Trung Quốc tự lực cánh sinh

Việc hạn chế visa dành cho sinh viên nước ngoài có thể giúp bảo vệ chương trình nghiên cứu của Mỹ, nhưng cũng đẩy nhanh quá trình đưa các học giả Trung Quốc về nước. Đại học Tế Nam, một trong những đại học hàng đầu của Trung Quốc, đã cam kết tiếp nhận nhà nghiên cứu Li Xiao-Jiang và các nhân viên trong phòng nghiên cứu của ông. Các công ty Trung Quốc cũng sẵn sàng chào đón các nhân viên trở về từ Thung lũng Silicon.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần kêu gọi “sáng tạo nội địa” trong các ngành công nghệ cốt lõi kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. Trung Quốc cũng tăng cường cải cách giáo dục đại học.

“Không thể trông cậy vào Mỹ về công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trung Quốc đã nhận thức được điều đó. Trung Quốc không còn phương án nào tốt hơn việc tự lực cánh sinh để phát triển tài năng công nghệ cao của chính h”, Suisheng Zhao, giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung - Mỹ tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Josef Korrbel thuộc Đại học Denver, cho biết.

 

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm