Mỹ có thể “gậy ông đập lưng ông” vì lệnh cấm Huawei
Trung Quốc công khai ủng hộ Huawei trong cuộc chiến pháp lý với chính phủ Mỹ / Bộ trưởng Quốc phòng Anh mất chức vì rò rỉ thông tin về Huawei
Các công ty công nghệ Mỹ đã cảnh báo Bộ Thương mại nước này rằng lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào Huawei, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, có thể gây thiệt hại đáng kể cho lợi nhuận của họ, đồng thời cản trở khả năng phát triển các sáng kiến công nghệ mới, bao gồm những công nghệ mà quân đội Mỹ đang cần.
Các công ty này đang yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ cấp phép để họ hợp tác với Huawei sau khi các lệnh cấm chính thức có hiệu lực vào tháng 8 tới.
Huawei là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai thế giới và là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu, đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời của công nghệ mạng không dây thế hệ mới - 5G. Tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc cũng là khách hàng lớn thứ ba mua chip máy tính do Mỹ sản xuất.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5, trong đó cấm các công ty có trụ sở tại Mỹ hợp tác với Huawei. Washington sau đó quyết định tạm hoãn lệnh cấm đối với Huawei trong thời hạn 90 ngày để giảm bớt thiệt hại cho các công ty Mỹ.
Theo quy định mới của Bộ Thương mại, các công ty Mỹ muốn bán sản phẩm cho Huawei phải nộp đơn xin cấp giấy phép. Các hãng sản xuất chip và các nhà cung cấp phần mềm, vốn phụ thuộc vào Huawei như một khách hàng lớn, bắt đầu tranh cãi rằng tại sao họ phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ?
Các công ty, đặc biệt là các nhà sản xuất chip, đã liệt kê các thông số tài chính chi tiết và một số dữ liệu khác trong hồ sơ xin cấp giấy phép của họ để chứng minh những thiệt hại đáng kể mà họ phải gánh chịu khi không được làm ăn với Huawei.
Các công ty này phàn nàn rằng lệnh cấm của chính phủ Mỹ đã gây thiệt hại cho tương lai của các nhà sản xuất chip Mỹ, vì các công ty Trung Quốc giờ đây sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và tìm đến các nhà cung cấp khác để thế chỗ.
Một số nhà sản xuất chip cho biết do mất doanh thu từ việc hợp tác với Huawei và các chi nhánh của tập đoàn này nên họ buộc phải cắt giảm hoạt động nghiên cứu và phát triển, từ đó làm chậm quá trình phát triển chip máy tính mới.
Các công ty cũng cảnh báo rằng lệnh cấm của Mỹ cũng gây tổn hại cho công nghệ quân sự của Mỹ, vì quân đội Mỹ vẫn đang trông chờ vào công nghệ chip nhanh hơn và hiệu quả hơn. Ngoài ra, những hạ tầng thiết yếu khác của Mỹ, vốn phụ thuộc vào chip máy tính, cũng dễ bị tấn công và gặp sự cố hơn.
Chiến thuật của các bên
Hiện chưa rõ những lời cảnh báo của các công ty Mỹ có “đến tai” Bộ Thương mại hoặc Nhà Trắng hay không. Đây mới là những cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng về việc cấp giấy phép cho các công ty Mỹ. Tuy nhiên, khả năng bị từ chối rất có thể sẽ xảy ra theo quy định của Bộ Thương mại.
Các công ty công nghệ cho biết họ đang hành động rất cẩn trọng vì lo sợ rằng, những lời chỉ trích nhằm vào chính sách của Mỹ có thể khiến chính quyền Trump “nóng mặt” và sẵn sàng đáp trả họ.
Các công ty Mỹ không phải lúc nào cũng xin được giấy phép để bán sản phẩm cho các công ty nằm trong danh sách đen - một danh sách được thiết lập để trừng phạt các công ty và cá nhân nước ngoài bị cáo buộc có hành vi đe dọa tới an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, đã có những trường hợp ngoại lệ xảy ra vào tháng 3/2016 khi Phòng Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đang lên kế hoạch liệt một công ty Trung Quốc khác là ZTE vào danh sách đen.
Vào thời điểm đó, ZTE đang đàm phán với chính phủ Mỹ về việc công ty này đã bán các sản phẩm cho Iran trong khi hành động này bị coi là vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran. Kevin Wolf, cựu trợ lý bộ trưởng thương mạiphụ trách quản lý xuất khẩu, khi đó cho biết việc đưa ZTE vào danh sách đen là cách để gây sức ép với công ty này trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, ông Wolf nhận ra rằng cấp phép cho các công ty Mỹ bán các sản phẩm cho ZTE, bất chấp lệnh cấm, cũng là cách để khuyến khích hợp tác. Chính quyền Trump rốt cuộc đã dỡ bỏ lệnh cấm với ZTE sau khi công ty này đồng ý trả 1 tỷ USD tiền phạt và tái cấu trúc bộ máy quản lý.
Liệu chính quyền Trump có áp dụng chiến lược tương tự với Huawei hay không và liệu Huawei có đang đàm phán với Washington như ZTE hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Một số ý kiến đồn đoán rằng việc Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen chính là chiến thuật để gia tăng sức ép với chính quyền Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại.
“Chính quyền Trung Quốc liên tục đưa vấn đề Huawei lên bàn đàm phán trong các cuộc đàm phán thương mại. Tôi nghĩ Huawei biết người duy nhất có thể cứu họ trong cuộc đấu với Mỹ là chính quyền Trung Quốc”, James Lewis, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo