Toan tính của ông Trump khi giáng đòn vào điểm yếu nhất của Huawei
NASA phát triển máy bay hoàn toàn chạy bằng điện / Mỹ nghi ngờ Syria tấn công hóa học, dọa đáp trả thích đáng
Viện dẫn các lý do liên quan tới an ninh quốc gia, Tổng thống Donald Trump tuần trước đã ra lệnh cấm các công ty Mỹ cung cấp cho Huawei và các chi nhánh của Huawei những linh kiện thiết yếu nhằm giúp tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc phát triển trở thành nhà cung cấp thiết bị kết nối viễn thông lớn nhất thế giới và nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới.
Theo AFP, “đòn giáng” của Tổng thống Trump sẽ gây tổn hại cho các công ty Mỹ vốn trông cậy vào Huawei như một khách hàng tiềm năng để bán các linh kiện. Tuy nhiên, lệnh cấm này cũng gây ra mối đe dọa sống còn với Huawei.
Giới phân tích nhận định động thái của chính quyền Mỹ đã đánh trúng vào điểm yếu nhất của Huawei, đó là phụ thuộc quá nhiều vào linh kiện của Mỹ.
“Trường hợp xấu nhất là sẽ chứng kiến việc Huawei bị cắt đứt hoàn toàn với quyền tiếp cận công nghệ Mỹ. Huawei gần như chắc chắn sẽ không thể sống sót với hệ quả như vậy theo mô hình hiện tại”, hãng tư vấn Eurasia Group nhận định trong báo cáo công bố hôm 19/5.
Lệnh cấm về quyền tiếp cận công nghệ đối với Huawei là kết quả sau nhiều tháng nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Huawei trong bối cảnh Washington vẫn nghi ngờ tập đoàn này có mối liên hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh sử dụng các mạng lưới của Huawei để tiến hành các hoạt động gián điệp và tấn công mạng.
Những rủi ro đặt ra cho Huawei càng gây chú ý hơn trong tuần này khi Google, nhà cung cấp hệ điều hành Android cho hầu hết điện thoại thông minh trên thế giới, thông báo sẽ cắt đứt quan hệ với Huawei do lệnh cấm của chính quyền Trump. Điều này đặt ra mối đe dọa nguy hiểm cho Huawei vì việc không thể tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ của Google khiến người tiêu dùng không muốn mua điện thoại Huawei.
“Đây là bước thụt lùi tương đối lớn cho mảng điện thoại thông minh của Huawei”, Ryan Whalen, giáo sư tại Trung tâm Luật và Công nghệ tại Đại học Hong Kong, nhận định.
Huawei cho biết tập đoàn này đang tự xây dựng hệ điều hành của riêng mình, tuy nhiên giáo sư Whalen lưu ý rằng thế gọng kìm của hai hệ điều hành hàng đầu hiện nay là Android và IOS gần như không thể phá vỡ.
“Hãy nhìn vào trường hợp của Nokia, Blackberry và Microsoft, tất cả gần đây đều đã thất bại trong những nỗ lực tương tự”, ông Whalen cho biết.
Thiết bị viễn thông
Một nhánh kinh doanh quan trọng khác của Huawei là cung cấp thiết bị viễn thông cho các nhà mạng trên toàn thế giới. Điều này đã giúp Huawei dẫn đầu trong cuộc đua thống trị công nghệ 5G thế hệ mới hiện nay. Tuy vậy, đây cũng là mảng khiến Huawei dễ bị tổn thương.
Theo nhật báo The Nikkei, Huawei đã mua khoảng 67 tỷ USD linh kiện mỗi năm, trong đó có khoảng 11 tỷ USD từ các nhà cung cấp Mỹ.
Eurasia Group cho biết các nhà cung cấp linh kiện lớn của Mỹ, bao gồm các nhà sản xuất chip Qualcomm, Qorvo và Texas Instruments và các hãng phần mềm Oracle và Microsoft đều dừng cung cấp cho Huawei cho tới khi mọi chuyện được giải quyết ổn thỏa. Eurasia Group nhận định tình trạng này làm “suy yếu hoàn toàn” Huawei trong lĩnh vực mạng 5G.
Chủ tịch Tập Cận Bình trước đây từng xây dựng các kế hoạch để Trung Quốc có thể giành được vị thế thống trị trong các ngành công nghệ cao then chốt trước năm 2025. Mỹ cho rằng đây là chiến lược đáng báo động.
Theo Roger Kay, nhà sáng lập kiêm nhà phân tích tại hãng Endpoint Technologies Associates, các động thái cứng rắn của Mỹ với Huawei có thể tiếp thêm cho tập đoàn này động lực thay đổi.
“Tác động về dài hạn đó là Huawei và các công ty Trung Quốc khác sẽ quay lưng dứt khoát hơn với các nhà cung cấp Mỹ”, ông Kay dự đoán.
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã tìm cách xoa dịu mọi nỗi sợ hãi. Ngày 21/5, ông đã nói với truyền thông Trung Quốc rằng Huawei có cả một kho dự trữ chip và có thể tự sản xuất chip. Tuy nhiên, giới phân tích công nghệ cho rằng đây chỉ là tuyên bố trấn an của giám đốc điều hành Huawei.
Eurasia Group nhận định dù Huawei có trong tay bất kỳ kho dự trữ chip nào, tập đoàn này cũng “không thể dự trữ phần mềm và cũng không có cách khả thi nào để Huawei có thể tồn tại trong suốt khoảng thời gian dài mà không được tiếp cận với các chuỗi cung ứng toàn cầu”. Trong khi đó Hisilicon, nơi phụ trách thiết kế chip riêng của Huawei, cũng bị lệnh cấm của Mỹ nhắm mục tiêu khiến bộ phận này không có những công cụ thiết yếu để tiếp tục hoạt động.
Tổng thống Trump có thể sử dụng Huawei làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc khi giới chức Mỹ vừa thông báo hoãn thi hành lệnh cấm đối với Huawei trong vòng 90 ngày. Tuy vậy, Bắc Kinh có thể “phản đòn”.
Apple, đối thủ của Huawei trong mảng điện thoại thông minh, có thể bị tổn hại nặng nề nếu Trung Quốc tung đòn đáp trả Mỹ vì gần 20% đơn hàng của Apple nằm ở Trung Quốc. Ngoài ra, Apple cũng phụ thuộc rất lớn vào các nhà máy ở Trung Quốc trong quá trình sản xuất điện thoại.
Một “quân cờ” khác trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là châu Âu - nơi Huawei có các hợp đồng kinh doanh lớn với các nhà mạng. Việc chuyển từ Huawei sang các nhà cung cấp khác có thể sẽ rất tốn kém đối với các nước châu Âu.
Mỹ nhận thấy rằng cần phải ngăn chặn sự hiện diện của Huawei tại châu Âu bằng việc đưa ra các lý do về an ninh mạng. Mục đích chính của lệnh cấm do Tổng thống Trump đưa ra gần đây nhằm buộc châu Âu và các thị trường quan trọng khác phải từ bỏ Huawei trong mạng lưới 5G.
Đức, Pháp và Hà Lan không muốn ngả theo sức ép của Mỹ trong việc quay lưng với Huawei. Tuy nhiên giới phân tích nhận định các nước này sẽ không thể cầm cự được lâu. Guntram Wolff, giám đốc viện nghiên cứu Bruegel tại Brussels, Bỉ cho rằng nếu Mỹ tiếp tục gây sức thêm nữa, EU rất khó có thể tiếp tục hợp tác với Huawei.
End of content
Không có tin nào tiếp theo