Mỹ có thể yêu cầu Nhật - Hàn đưa quân tới vùng biển sát Iran
Bất ngờ những khách hàng từng mua tên lửa của Triều Tiên / Clip: Quân đội Mỹ khoe dàn vũ khí "khủng" trong cuộc tập trận chung với Australia
Theo báo Dong-a Ilbo (Hàn Quốc), chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho là đã yêu cầu Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh của Mỹ tại châu Á, triển khai binh lính để thành lập hạm đội liên minh, bảo vệ khu vực gần eo biển Hormuz ở Trung Đông.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/7, khi được hỏi Hàn Quốc có nhận được đề nghị từ Mỹ về việc thành lập lực lượng quân sự chung hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kim In-cheol cho biết: “Chúng tôi thường xuyên liên lạc với phía Mỹ”.
“Chính phủ Hàn Quốc cũng lo ngại về căng thẳng gia tăng tại khu vực Trung Đông, và lập trường của chúng tôi là không thể đe dọa quyền tự do hàng hải và tự do thương mại”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.
Quân đội Hàn Quốc được cho là đang cân nhắc các phương án sau khi nhận được đề nghị từ Mỹ về việc triển khai quân.
“Chúng tôi đang hợp tác với một số nước để xem có thể thành lập một liên minh bảo đảm tự do hàng hải qua eo biển Hormuz và Bab el Mandeb hay không”, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joe Dunford nói với các phóng viên hôm 9/7.
Báo Nihon Keizai Shimbun của Nhật Bản hôm qua đưa tin Nhật Bản đã nhận được đề nghị từ Mỹ và dự kiến sẽ bắt đầu quá trình rà soát pháp lý để triển khai lực lượng phòng vệ của nước này tới eo biển Hormuz.
Hormuz là eo biển chiến lược dài chưa đầy 40 km với điểm hẹp nhất khoảng 33 km, nối thông vịnh Ba Tư với vịnh Oman và biển Ả rập, trước khi tỏa ra các vùng biển quốc tế. 1/5 trữ lượng dầu thế giới đi qua eo biển này. Iran từ lâu đã dọa đóng cửa eo biển Hormuz nếu nước này không thể xuất khẩu dầu, trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn tìm cách cấm các nước nhập khẩu dầu của Iran nhằm gây sức ép buộc Tehran phải đàm phán thỏa thuận hạt nhân.
Đề xuất của Mỹ về việc thành lập một liên minh quốc tế để bảo vệ các tuyến vận tải tại eo biển Hormuz được đưa ra sau khi Washington cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công tàu chở dầu hồi tháng 5 và tháng 6 tại vùng Vịnh. Hồi tháng trước, Iran cũng bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ ở khu vực gần eo biển Hormuz, buộc Tổng thống Trump phải ra lệnh không kích đáp trả. Tuy nhiên kế hoạch này đã bị hủy bỏ vào phút chót.
Lãnh thổ Iran trải dài toàn bộ khu vực phía bắc của eo biển Hormuz và vùng nước sâu của eo biển này cũng nằm phần lớn trong vùng biển của Iran. Do vậy, gần như mọi tàu chở dầu đi qua eo biển này đều nằm trong tầm kiểm soát của Tehan. Nếu muốn tấn công các tàu chở dầu, Iran có thể đặt toàn bộ eo biển Hormuz vào tầm phóng của tên lửa.
Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, việc chặn eo biển Hormuz có thể tạo ra cơn chấn động khi hàng chục quốc gia đang nhập khẩu dầu thô với số lượng lớn từ Trung Đông đi qua eo biển này. Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi từng cảnh báo nếu dầu của Iran bị phong tỏa, “sẽ không có một giọt dầu nào lọt qua eo biển Hormuz”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo