Mỹ gây sức ép với Campuchia vì lo ngại hiện diện quân sự của Trung Quốc
Dư luận Mỹ đánh giá như thế nào sau cuộc gặp lịch sử tại DMZ? / Hải quân Philippines liên tiếp nhận “hàng nóng”, sức mạnh tăng vọt
Lính hải quân Campuchia tại lễ bàn giao 9 tàu tuần tra hải quân do Trung Quốc tặng Campuchia tại căn cứ hải quân ở Sihanoukville năm 2007. (Ảnh: Sputnik)
Theo Reuters, ông Joseph Felter, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á, đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, đề nghị Campuchia cung cấp thêm thông tin liên quan tới quyết định từ chối đề xuất giúp đỡ của Washington trong việc cải tạo một số cơ sở tại căn cứ hải quân Ream.
Bức thư được Reuters tiếp cận đã phản ánh mối lo ngại tại Washington về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Campuchia.
“Bức thư thông báo đề ngày 6/6/2019 đã được chính phủ Mỹ xem xét và làm dấy lên nghi ngờ rằng, sự thay đổi chính sách đột ngột này có thể là dấu hiệu cho thấy những kế hoạch thay đổi lớn hơn tại căn cứ hải quân Ream, đặc biệt là những kế hoạch có liên quan tới việc đồn trú khí tài quân sự của Trung Quốc”, bức thư viết, song không nêu chi tiết bất kỳ kế hoạch nào.
Tùy viên Quân sự và Quốc phòng Mỹ tại Phnom Penh Michael Stelzig xác nhận bức thư được gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tướng Tea Banh vào ngày 24/6. Hiện Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat cho biết nước này không từ chối khoản tiền hỗ trợ của Mỹ, tuy nhiên Campuchia muốn đầu tư số tiền này vào những nơi khác.
“Tại Ream, sẽ có một số thay đổi trong tương lai”, ông Socheat cho biết.
Ông Socheat cho biết ông không thể cung cấp thông tin chi tiết về sự thay đổi tại căn cứ hải quân Ream. Khi được hỏi liệu sự thay đổi đó có liên quan tới lực lượng Trung Quốc hay không, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia trả lời là không.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh chưa đưa ra bình luận về thông tin liên quan tới bức thư do phía Mỹ gửi cũng như kế hoạch của lực lượng quân sự Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream.
Trung Quốc hiện chỉ vận hành một căn cứ quân sự ở nước ngoài tại Djibouti, khu vực Sừng châu Phi. Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phủ nhận tin đồn nói rằng, nước này đang có kế hoạch mở thêm căn cứ quân sự tại các nước khác.
Ông Joseph Felter từng tới thăm căn cứ hải quân Ream hồi tháng 1. Ông đã đề xuất hỗ trợ Campuchia cải tạo các cơ sở tại căn cứ này hồi tháng 4 sau khi nhận được đề nghị giúp đỡ từ phía Campuchia. Tuy nhiên, Campuchia sau đó đã từ chối kế hoạch giúp đỡ của Mỹ.
Ream là căn cứ hải quân lớn nhất của Campuchia, nằm ở phía đông nam thành phố Sihanoukville - trung tâm của làn sóng đầu tư sòng bạc do Trung Quốc dẫn đầu và là nơi có đặc khu kinh tế do Trung Quốc đầu tư.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen năm ngoái khẳng định không bao giờ cho phép căn cứ quân sự nước ngoài đặt tại Campuchia, sau khi xuất hiện thông tin nói rằng Trung Quốc đang vận động Campuchia để thiết lập một căn cứ hải quân tại tỉnh Koh Kong, phía tây bắc Sihanoukville.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence năm ngoái cũng viết thư gửi Thủ tướng Hun Sen, bày tỏ quan ngại về sự hiện diện quân sự nước ngoài hoặc căn cứ quân sự nước ngoài tại Campuchia. Theo Reuters, Campuchia hiện vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc và nhận hàng tỷ USD tiền viện trợ của Bắc Kinh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này
Dự án AI trị giá 500 tỷ USD của Mỹ: Thách thức lớn cho châu Âu
Pháp - Đức bàn đối phó chính sách thuế dưới thời Tổng thống Donald Trump