Mỹ không đủ tiền thay thế phi đội F-22 Raptor
Từ Syria đến Bắc Cực, 'bức màn sắt' của Nga đe dọa Không quân Mỹ / Cận cảnh máy bay tiêm kích săn hạm Nhật Bản Mitsubishi F-2
Nhiều người đánh giá mặc dù có những tính năng tuyệt vời, nhưng bởi giá thành và chi phí bảo dưỡng quá đắt, F-22 là một dự án kém hiệu quả. Chỉ có 187 chiếc F-22 được chế tạo và biên chế vào lực lượng không quân Hoa Kỳ dù kế hoạch ban đầu là 750 chiếc. F-22 bị cắt giảm số lượng đặt hàng vì gặp phải nhiều vấn đề và giá quá cao. Năm 2011, dây chuyền sản xuất F-22 đã đóng cửa. Thay vì mua F-22, Mỹ đầu tư chế tạo chiếcLockheed Martin F-35 Lightning II với dự tính chi phí của F-35 sẽ rẻ hơn.
Theo các tính toán, hiện Không quân Mỹ mỗi năm tiêu tốn 12 tỷ USD, tính theo thời giá hiện tại, mua sắm máy bay mới trong giai đoạn 1980-2018.
Nhưng thay thế tới hơn 180 tiêm kích F-22 vào thời điểm năm 2030 trong khi đó lại mua vào các tiêm kích F-35, máy bay vận tải, máy bay tiếp dầu có thể tiêu tốn tới 23 tỷ USD/năm, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) kết luận trong một báo cáo công bố cuối năm 2018, theo tạp chí National Interest.
Khoản chi tiêu hằng năm mua mới máy bay có thể còn tăng nhiều hơn nữa nếu Không quân Mỹ tuân thủ kế hoạch vạch ra năm 2018 với mục tiêu tăng số phi đội từ 312 lên 386. “Không quân còn quá nhỏ so với yêu cầu mà đất nước đề ra với chúng tôi”, đại diện Không quân Mỹ Heather Wilson nói hồi tháng 9/2018.
Nhưng ngay trong báo cáo của CBO đã mở ra một hướng cho Không quân Mỹ. Lực lượng này có thể thay thế các máy bay F-22 bằng các tiêm kích F-35, ít tốn kém hơn nếu phải thay thế với một loại máy bay hoàn toàn mới.
Vấn đề ngân sách của Không quân Mỹ đã xuất hiện từ lâu. Năm 1986, chi phi cho máy bay mới đạt mức đỉnh 29 tỷ USD, trong lúc quân đội Mỹ vẫn phải chuẩn bị cho một cuộc chiến với Liên Xô ở châu Âu.
Năm 1991, Liên Xô tan rã và Chiến tranh lạnh kết thúc. Ngân sách quốc phòng Mỹ giảm nhanh chóng. Cho đến năm 1995, Không quân Mỹ chỉ chi 5 tỷ USD mua máy bay mới. Cho dù sau đó ngân sách có tăng lên nhưng chỉ ở mức khiêm tốn. Theo CBO, số tiền hằng năm mà Không quân Mỹ chi mua máy bay mới trong giai đoạn 2010-2017 đạt trung bình 9 tỷ USD.
Và tính đến năm 2018, 1.500 máy bay trong tổng số 5.500 chiếc của Không quân Mỹ, trong đó bao gồm hầu hết số F-15 và F-16, đã 26-35 năm tuổi.
Những chiếc máy bay của thập kỷ 80 thế kỷ trước này cần được thay thế. Nhưng không nói F-22 Raptor (150 triệu USD/chiếc, chưa bao gồm chi phí nghiên cứu), chỉ mỗi chiếc F-35 cũng có giá xấp xỉ 100 triệu USD. Không quân Mỹ chỉ đủ tiền mua khoảng 60 chiếc F-35 mỗi năm, nên buộc lòng họ phải dàn trải kế hoạch thay thế 1.800 máy bay thế hệ cũ bằng F-35 cho tới những năm 2040.
Nếu Không quân Mỹ bắt đầu thay thế những chiếc F-22 với một loại máy bay mới hoàn toàn vào những năm 2030, khi những chiếc tiêm kích Raptor đã bước sang tuổi 40, Không quân Mỹ ở vào thế cùng lúc phải mua hai loại máy bay tàng hình với chi phí ước tính 14 tỷ USD/năm. Cộng thêm chi phí mua máy bay vận tải, tiếp dầu và ném bom, con số chi phí mua máy bay hằng năm sẽ là 23 tỷ USD.
Mặc dù F-22 rơi vào tình cảnh “bỏ thì tiếc, thay mới thì quá tốn kém”, nhưng ngay cả tiêm kích F-35 cũng bị chê là đắt đỏ. Quyền bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan trong một cuộc họp mới đây cũng đã phải văng tục vì bực tức về chương trình tiêm kích F-35.
End of content
Không có tin nào tiếp theo