Quốc tế

Mỹ mua UAV Trung Quốc để luyện bắn

Quân đội Mỹ vừa gây bất ngờ khi tuyên bố tiếp tục mua lượng lớn UAV do Trung Quốc sản xuất sử dụng vào mục đích làm bia tập bắn.

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc, Trung tá Không quân Mike Andrews (25/10) tiết lộ, mỗi lần Mỹ mua sắm (UAV) Trung Quốc đều sử dụng quyền miễn thuế đặc biệt được Văn phòng bảo vệ và mua sắm vũ khí Lầu Năm Góc phê chuẩn.

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần Bộ Quốc phòng Mỹ Ellen Lord, việc Lầu Năm Góc phê chuẩn quyền miễn thuế đặc biệt này nhằm sử dụng UAV Trung Quốc trong điều kiện "khống chế cấp cao", để thử nghiệm năng lực chống UAV của lực lượng phòng thủ Mỹ.

"Chúng tôi không trao quyền sử dụng do Trung Quốc chế tạo trên thực địa, chỉ có thể sử dụng những UAV này làm thành mục tiêu hoặc bia tiêu diệt", vị quan chức này nhấn mạnh.

UAV Trung Quốc.

Việc Mỹ phải tìm cách khắc chế UAV Trung Quốc xuất phát từ nguyên nhân nước này đang nhanh chóng trở thành một đối thủ hàng đầu trong cuộc đua quốc tế về sản xuất máy bay không người lái. Sự phát triển này đang khiến Mỹ đứng trước nhiều nguy cơ.

Sản phẩm của họ hiện đang đóng vai trò chủ chốt ở những khu vực có tranh chấp là Iraq, Syria, Pakistan và Triều Tiên. Theo các nhà quan sát quân sự, UAV của Trung Quốc đã được các đơn vị an ninh Iraq dùng để chống lại các lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, gây ra nhiều thương vong hồi giữa tháng 12/2015.

Ông Michael Boyle, một chuyên gia về UAV và học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Mỹ, bình luận: "Nhiều nhà sản xuất UAV Trung Quốc đang bán những chiếc UAV nhỏ có khả năng trinh sát chiến trường và một số giờ đây có thể mang hỏa tiễn".

Ông Boyle cho rằng tiềm năng xuất khẩu UAV Trung Quốc rất lớn vì Quốc hội Mỹ đặt ra quy định kiểm soát xuất khẩu ngặt nghèo đối với UAV Mỹ. Hiện Trung Quốc có thể chỉ đứng sau quy mô sản xuất của Mỹ.

UAV Trung Quốc sẽ có một thị trường tấp nập người mua là các nước ở châu Á, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi, những nơi không được mua công nghệ Mỹ. Các chuyên gia còn nhận định UAV sẽ ảnh hưởng đến sự giằng co chính trị và giữa các nước ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, với khả năng Nhật Bản sẽ triển khai các UAV Hawk do Mỹ sản xuất.

Trung Quốc cũng có thể triển khai UAV để bảo vệ các dự án đầu tư của họ ở các vùng gặp rắc rối hoặc bị khủng bố tấn công ở châu Á và châu Phi.

Ông Boyle nêu rõ: "Khu vực bên trên các đảo có tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đang ngày càng trở thành một khu vực chính yếu đối với cuộc cạnh tranh về UAV. Chúng có nhiều lợi thế: UAV có thể xác định các thay đổi trên bề mặt các đảo và cung cấp các bằng chứng hình ảnh về sự củng cố quân sự".

Cũng theo ông Boyle, công nghệ UAV đang thay đổi cơ bản các định nghĩa về cạnh tranh toàn cầu và âm thầm thay đôi luật chơi đối với nhiều cuộc xung đội và đối đầu kéo dài.

Đây không phải là lần đầu người Mỹ tỏ ra cảnh giác với UAV Trung Quốc. Năm ngoái, truyền thông dẫn bản báo cáo của Viên nghiên cứu khu vực châu Á Thái Bình dương Dự án 2049 có trụ sở tại Washington cũng chỉ rõ, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ gây tổn thất nặng nề mang tính hủy diệt cho Hải quân Mỹ, đặc biệt là tàu sân bay và các căn cứ hải quân.

Khi xảy ra chiến tranh, hàng loạt UAV Trung Quốc sẽ tấn công hết đợt này đến đợt khác, vô hiệu hóa hệ thống phòng không chiến trường và giáng những đòn mang tính hủy diệt bằng bom điều khiển và tên lửa xuống đầu quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Theo ý kiến của tác giả bản báo cáo, Trung Quốc đang thực thi những chương trình phát triển các UAV lớn và toàn diện nhất trên thế giới, thực tế đã và đang đe dọa sức mạnh quân sự, vị thế chính trị nước Mỹ.

Bản báo cáo cũng đề cập đến các trường đại học, các viện và các cơ sở nghiên cứu, các tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ, những nhà lãnh đạo và toàn bộ tiềm lực công nghiệp Trung Quốc hoàn toàn có thể tạo ra một bước đại nhảy vọt trong quá trình nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản xuất và khai thác sử dụng UAV trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là quân sự và chúng hoàn toàn có thể đe dọa đến hoạt động của Mỹ.

Theo Tuấn Vũ/Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo