Quốc tế

Mỹ phát triển công nghệ ngụy trang mới

Trang tin quân sự Defense News đăng tải, các nhà khoa học thuộc Đại học Rutgers, bang New Jersey đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu đáng ghi nhận về công nghệ ngụy trang chủ động dựa trên thay đổi tế bào sắc tố nhân tạo. Công nghệ này mô phỏng theo khả năng tự biến đối màu sắc theo môi trường của loài bạch tuộc.

Nam Phi - Quốc gia duy nhất từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình / Chiến lược chống UAV của Mỹ sẽ ‘khơi mào’ cuộc chạy đua vũ trang mới?

Theo thông tin được Đại học Rutgers công bố, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện bạch tuộc là bậc thầy ngụy trang trong thế giới động vật. Chúng có thể chủ động thay đổi màu sắc và hoạt tiết trên da để lẩn tránh các động vật săn mồi dưới biển. Khả năng này có được nhờ hệ thống tế bào sắc tố được điều khiển bởi hệ thống dây thần kinh và cơ. Màu sắc và hoạt tiết trên da của bạch tuộc được biến đổi dựa trên sự co giãn của các khối cơ bao quanh túi sắc tố.

Công nghệ ngụy trang mới dựa trên nguyên tắc thay đổi màu sắc và hoạt tiết trên da của bạch tuộc.

Giáo sư Howon Lee, Đại học Rutgers cho biết, các nhà khoa học đã mô phỏng lại cơ cấu thay đổi màu sắc và họa tiết trên da của bạch tuộc. Vật liệu được lựa chọn là hydrogel được tích hợp các hạt nano cảm quang polydopamine. Khối vật chất này có thể tự động thay đổi màu sắc theo môi trường và ánh sáng. Các thử nghiệm cho thấy, vật liệu ngụy trang mới giúp ẩn giấu vật thể bao phủ trước các thiết bị trinh sát quang-ảnh trong nhiều điều kiện khác nhau, đặc biệt là các thiết bị tạo ra ánh sáng mạnh, dễ bị nhận biết như màn hình thiết bị trinh sát, liên lạc.

“Các cảm biến điện tử ngày càng nhạy hơn, nhỏ hơn, nhưng chúng lại có nhược điểm là khó ghi nhận được các hình dạng phức tạp ở dạng lập thể (3D). Đây chính là yếu tố tạo ra sự “tàng hình” tương đối của công nghệ ngụy trang sử dụng hydrogel”, giáo sư Howon Lee chia sẻ.

Dù chưa rõ thời điểm công nghệ ngụy trang mới được ứng dụng trong thực tế, nhưng đây là công nghệ rất có tiềm năng trong tác chiến hiện đại, khi các thiết bị điện tử được sử dụng rộng rãi. Việc ngụy trang và giảm khả năng bị bộc lộ bởi ánh sáng của các thiết bị điện tử trở nên rất cần thiết.

Cùng với công nghệ hydrogel, Quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu vật liệu có khả năng bẻ cong, tán xạ ánh sáng chiếu tới giúp che giấu mục tiêu trên chiến trường. Tuy nhiên, công nghệ này mới đang ở giai đoạn phát triển và cần nhiều thời gian để hoàn thiện.

Một trong những hướng phát triển công nghệ ngụy trang mới đang dựa vào việc mô phỏng từ thế giới động vật.

Hiện tại, công nghệ ngụy trang hiện đại dựa trên các nguyên tắc chính là màu sắc, hình học và vật liệu chế tạo. Căn cứ vào môi trường tác chiến, màu sơn ngụy trang sẽ được lựa chọn để hòa nhập với môi trường, giúp khó bị phát hiện. Hiệu quả ngụy trang được tăng cường hơn với các hoạt tiết 3D được máy tính mô phỏng giúp hạn chế khả năng bị phát hiện bởi các thiết bị trinh sát điện tử. Cùng với đó, công nghệ vật liệu mới giúp hạn chế bức xạ nhiệt và phản xạ radar cũng đang được áp dụng rộng rãi trong quân đội nhiều quốc gia trên thế giới.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm