Quốc tế

Mỹ sẵn sàng triển khai vũ khí sóng ngắn chống UAV

Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã trình lên Nghị viện bản kế hoạch mua và triển khai hệ thống vũ khí sóng ngắn công suất cao chuyên được sử dụng để tiêu diệt các máy bay không người lái (UAV) có tên gọi PHASER tại một vị trí 'nằm ngoài lãnh thổ nước Mỹ' không được tiết lộ.

Theo Lầu Năm góc, mục đích của kế hoạch triển khai hệ thống PHASER tại nước ngoài là nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của loại vũ khí tương lai này. Thêm vào đó, với việc chiến tranh hiện đại đang được định hình với sự tham gia của các UAV, quân đội Mỹ nói riêng và tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung đang đầu tư nhiều tiền của vào công tác nghiên cứu những vũ khí có khả năng chống lại các thiết bị bay này.

Đặc biệt hơn, việc triển khai PHASER theo sau sự kiện các nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia – một đồng minh thân cận của Washington bị tấn công bởi một “đội quân” UAV. Sự kiện là nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng mới tại vùng Vịnh và đã trực tiếp đẩy mối lo ngại đối với nguy cơ bị tấn công bởi các UAV của giới chức quốc phòng Mỹ lên tới mức độ cao nhất.

Hệ thống vũ khí sóng ngắn PHASER

Hệ thống vũ khí sóng ngắn công suất cao (high-power microwave weapon) PHASER được chế tạo và sản xuất bởi Tập đoàn sản xuất vũ khí Raytheon. Không quân Mỹ đã duyệt chi khoản tiền 16,28 triệu USD cho một nguyên mẫu PHASER nhằm tiến hành triển khai thử nghiệm tại nước ngoài trong khoảng thời gian hơn một năm.

PHASER tiêu diệt các UAV không phải bằng hỏa lực mà bằng hiệu ứng điện từ, cụ thể là các chùm tia vi sóng nhằm đánh sập toàn bộ hệ thống điện tử của các thiết bị bay. Theo ông Don Sullivan, kỹ sư trưởng của chương trình phát triển vũ khí năng lượng định hướng (directed energy weapons) của Raytheon, tác động của loại vũ khí mới này dường như “là ngay lập tức”. Mục tiêu của PHASER bao gồm các UAV có trọng lượng dưới 25kg, trần bay khoảng từ 300m cho tới 1km và tốc độ tối đa 370km/h.

Hệ thống vũ khí sóng ngắn công suất cao PHASER. Nguồn: Raytheon.

Các xung vi sóng chỉ mất dưới một phần triệu giây để làm “tê liệt” các UAV của đối phương. Do vậy, rất khó để có thể nhìn thấy các chùm tia này bằng mắt thường. Bộ phận điều khiển cần phát hiện và nhận diện mục tiêu trước khi triển khai vũ khí, do đó một “quá trình tiêu diệt” bao gồm việc sử dụng radar để dò tìm, máy ảnh và các loại cảm biến khác để thu thập dữ liệu. Để bắn hạ thành công các UAV, binh lính của Không quân Mỹ phải luyện tập và thử nghiệm hệ thống PHASER nhiều lần với các mục tiêu giả định là các UAV cánh quay và cánh cố định.

Vũ khí sóng ngắn vốn thường xuyên bị chỉ trích do khả năng phân biệt quân ta-quân địch còn hạn chế. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc triển khai “bầy đàn” UAV đang được sử dụng ngày càng phổ biến bởi Iran hay các phiến quân khủng bố tại khu vực Trung Đông, những vũ khí PHASER lại chứng minh được ưu điểm của mình.

Raytheon cũng như nhiều nhà thầu quốc phòng của Mỹ đang hướng đến việc tạo nên một mạng lưới các hệ thống nhằm chống phá UAV. Theo Michael Jirjis - người đứng đầu chương trình thử nghiệm PHASER, vào thời điểm hiện tại, hệ thống chỉ có thể đáp ứng tốt nhất khi được triển khai một mình. Tuy vậy, các tập đoàn vẫn tiếp tục phối hợp với Không quân Mỹ nhằm sớm tìm được giải pháp tích hợp vũ khí năng lượng định hướng vào hệ thống các lớp phòng thủ khu vực.

Sự mở đường cho vũ khí năng lượng định hướng

Theo Sullivan, việc mua hệ thống PHASER của Không quân Mỹ đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình 4 thập kỷ nghiên cứu và phát triển công nghệ dành cho dòng vũ khí năng lượng định hướng.

Thực tế trong quá khứ, nhiều chương trình vũ khí năng lượng định hướng đã không đem lại nhiều kết quả, dù tiêu tốn hàng tỉ USD. Ví dụ, Airborne Laser, một chương trình phát triển máy bay được trang bị laser nhằm tiêu diệt tên lửa đạn đạo từ thời Tổng thống Ronald Reagan, không đạt được kết quả mong đợi dù được đầu tư hàng tỉ USD. Báo cáo năm 2018 của Vụ Khảo cứu Nghị viện Mỹ đề cập, quân đội Mỹ đã có một lịch sử dài và phức tạp về phát triển vũ khí năng lượng định hướng, tuy nhiên nhiều nỗ lực đã thất bại do nhiều lí do khác nhau.

Hiện nay, cùng với những bước nhảy vọt về công nghệ, một số chương trình phát triển vũ khí năng lượng định hướng đang bắt đầu cho thấy triển vọng, điển như Hệ thống Vũ khí Laser (LaWs) trên hạm – vũ khí laser đầu tiên của Mỹ được tán thành cho triển khai sử dụng vào năm 2021. Thêm vào đó, những nguy cơ tới từ UAV cũng mở ra cơ hội cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ bán được nhiều hơn các vũ khí loại này. Tháng 8-2019, Không quân Mỹ đã mua 2 nguyên mẫu hệ thống laser công suất cao. Lục quân Mỹ cũng lựa chọn Tập đoàn Lockheed Martin cho chương trình phát triển vũ khí laser chống UAV dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2022.

PHASER được hứa hẹn sẽ đặt nền móng mở đường cho nhiều hơn nữa các loại vũ khí năng lượng định hướng trong tương lai. Với khả năng chống phá UAV trên lý thuyết là không phải bàn cãi, việc thử nghiệm PHASER của Không quân Mỹ trong vòng một năm tới đây, dù có thành không hay không, cũng sẽ cung cấp một lượng thông tin đánh giá đầy giá trị nhằm giúp Quân đội Mỹ tiếp tục phát triển loại vũ khí của tương lai này.

Theo Nguyễn Đình Đức/Quân đội nhân dân
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo