Mỹ thu được mảnh vỡ nghi giống thủy lôi Iran trên tàu dầu bị tấn công
Bí ẩn máy bay tấn công không người lái "Thợ săn" Okhotnik-B của Nga / Mỹ trang bị gì cho căn cứ trực thăng tại Syria?
Vật thể nghi là thủy lôi và lỗ thủng trên tàu Kokuka Courageous sau vụ tấn công (Ảnh: Quân đội Mỹ)
“Thủy lôi được sử dụng trong vụ tấn công rất dễ nhận biết và rất giống các thủy lôi của Iran, từng được trưng bày công khai trong các cuộc diễu binh quân sự của Iran”, Reuters dẫn lời sĩ quan chỉ huy Sean Kido thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Hải quân Mỹ (NAVCENT) chia sẻ với các phóng viên tại một cơ sở của NAVCENT gần cảng Fujairah, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất hôm nay 19/6.
Theo ông Kido, các mảnh thủy lôi nhỏ đã được Hải quân Mỹ thu được từ tàu chở dầu Kokuka Courageous. Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng tìm thấy một nam châm nghi là do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran để lại trên tàu.
Tàu Kokuka Courageous thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản là một trong hai tàu chở dầu bị tấn công tại vịnh Oman hôm 13/6. Mỹ đổ lỗi cho Iran đứng sau các vụ tấn công này, trong khi Tehran phản đối mọi cáo buộc của Washington.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ đã công bố các bức ảnh và đoạn video ghi lại cảnh được cho là tàu tuần tra Iran chở các thủy thủ nước này tới gần tàu Kokuka Courageous. Các thủy thủ sau đó đã tìm cách gỡ thủy lôi trên thân tàu Nhật Bản, động thái mà Mỹ cho là nhằm phi tang chứng cứ của vụ tấn công.
Công ty Nhật Bản sở hữu tàu Kokuka Courageous cho biết tàu này bị phá hủy bởi “các vật thể bay”. Tuy nhiên, NAVCENT đã phủ nhận thông tin này.
“Thiệt hại lỗ thủng sau vụ nổ tương tự một vụ tấn công bằng thủy lôi. Nó không giống một vật thể bay bên ngoài tấn công tàu”, ông Kido nhận định, đồng thời cho biết các lỗ thủng được nhìn thấy trên thân tàu đã cho thấy cách thức thủy lôi được gắn vào tàu như thế nào.
Theo ông Kido, vị trí thủy lôi nằm phía trên đường mớn nước cho thấy mục đích của đối phương không phải là đánh chìm tàu. Ông Kido cũng nói rằng NAVCENT đã thu thập các mẫu sinh trắc, bao gồm dấu vân tay và dấu bàn tay trên thân tàu để phục vụ quá trình điều tra vụ việc. Theo đó, các chứng cứ này có thể được Mỹ sử dụng để thiết lập “một vụ án hình sự”.
Ông Kido cho biết Mỹ đang làm việc với các đối tác trong khu vực để thực hiện “cuộc điều tra chung phối hợp”, song không nói cụ thể đó là đối tác nào. Ngoài Mỹ, Ả rập Xê út cũng công khai cáo buộc Iran gây ra vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu tại vịnh Oman.
“Iran không chiến tranh với Mỹ”
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani hôm nay tuyên bố Iran và Mỹ sẽ không xảy ra xung đột quân sự.
“Sẽ không có đối đầu quân sự giữa Iran và Mỹ vì không có lý do để chiến tranh. Việc cáo buộc các nước khác đã trở thành thông lệ thường thấy của các quan chức Mỹ khi họ tìm cách gây sức ép với các quốc gia khác”, Reuters dẫn lời ông Shamkhani nói với hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami hôm nay khẳng định Tehran không đứng sau các vụ tấn công tàu chở dầu, đồng thời tuyên bố “các cáo buộc nhằm vào Iran hoàn toàn là lời nói dối”.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi Mỹ thông báo triển khai thêm 1.000 quân tới Trung Đông. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington không loại trừ phương án quân sự với Tehran.
End of content
Không có tin nào tiếp theo