Nga bắt đầu đáp trả các hành động trừng phạt ngoại giao của phương Tây
Quyết định của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc loại Nga khỏi UNHRC có tác động ra sao? / Nguyên nhân khiến NATO “phớt lờ” đề nghị chuyển giao chiến đấu cơ F-15 và F-16 cho Ukraine
Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow. (Nguồn: Wikipedia) |
Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho hay, nước này đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào Nga đối với các nhà lãnh đạo cấp cao của Australia, trong đó có Thủ tướng Scott Morrison, từ ngày 7/4. Tổng cộng, có 228 người Australia có tên trong danh sách trừng phạt này của Nga.
Dự kiến trong tương lai gần, Nga có thể mở rộng danh sách này, trong đó có thể là các quan chức Australia trong lĩnh vực quân đội, doanh nhân, chuyên gia, phóng viên, nhà báo, "những người góp phần kích động thái độ tiêu cực đối với Nga".
Bộ trên nhấn mạnh, mọi bước đi chống lại Nga, từ việc đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân đến hạn chế quan hệ kinh tế song phương gây tổn hại đến lợi ích của chính người dân Australia, sẽ đều bị đáp trả mạnh mẽ.
Tương tự, Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố áp đặt lệnh cấp nhập cảnh đối với 130 cá nhân là các quan chức cấp cao và nghị sĩ của New Zealand, trong đó có Thủ tướng Jacinda Ardern, từ ngày 7/4.
Bộ này nhấn mạnh, đây là hành động dựa trên cơ sở "có đi có lại" của Nga, đáp lại những hành động "không thân thiện" của New Zealand trước đó.
Chính phủ New Zealand đã hạn chế nhập cảnh đối với nhiều công dân Nga, cũng như cấm xuất khẩu các loại hàng hóa cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan các tổ chức quân sự và an ninh Nga.
Cùng ngày, Ireland cho biết, 2 nhà ngoại giao của nước này ở Moscow đã bị yêu cầu rời khỏi Nga, chỉ hơn một tuần sau khi Dublin trục xuất 4 nhân viên ngoại giao Nga bị cáo buộc hoạt động gián điệp.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney nêu rõ: "Đại sứ Ireland tại Moscow đã bị triệu đến Bộ Ngoại giao Nga vào chiều nay và nhận được thông báo trên. Không có lý do nào để giải thích cho việc áp dụng biện pháp này".
Ông Coveney đồng thời lưu ý, các nhân viên Đại sứ quán Ireland ở đó "không làm và cũng không tham gia bất kỳ nhiệm vụ hoặc có chức năng nào không phù hợp với thân phận ngoại giao của họ".
Theo quan chức Ireland, việc buộc phải cắt giảm sự hiện diện vốn đã "tương đối ít" của nước này ở thủ đô của Nga sẽ "làm giảm đáng kể" khả năng hỗ trợ công dân Ireland ở Nga cũng như việc "duy trì các kênh liên lạc ngoại giao" với Điện Kremlin.
Cũng liên quan "cuộc chiến ngoại giao Nga và phương Tây", Bộ Ngoại giao Montenegro đã yêu cầu 4 nhà ngoại giao Nga rời khỏi nước này vì "vi phạm quy tắc ngoại giao".
Montenegro đã trao công hàm thông báo cho Đại sứ Nga và những nhà ngoại giao nêu trên có một tuần để rời khỏi nước này.
Trước đó, hồi tháng 3, Montenegro đã trục xuất một nhà ngoại giao Nga với lý do tương tự. Chính phủ Montenegro, một nước cộng hòa Nam Tư cũ nhỏ bé chỉ có dân số 628.000 người, đã tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Nga do chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
End of content
Không có tin nào tiếp theo