Nga cấp tốc mở rộng phi đội máy bay AWACS bằng cách tận dụng vận tải cơ An-12?
Tư lệnh Ukraine hé lộ về vũ khí ‘khắc tinh’ của UAV cảm tử Shahed / Năng lực chống ngầm NATO đuối sức do Chiến tranh Lạnh kết thúc
Tầm quan trọng của máy bay AWACS đối với bất cứ không quân quốc gia nào cũng là rất lớn, nhưng lực lượng hàng không vũ trụ Nga chỉ có một phi đội với quy mô rất hạn chế với vài chiếc A-50U và A-100 vẫn còn "trên giấy".
Ý tưởng chế tạo máy bay AWACS trên khung gầm Tu-214 hoặc SSJ-New mặc dù được đánh giá tốt nhưng tỏ ra thiếu khả thi vào thời điểm hiện nay, khi chúng cũng chưa được sản xuất hàng loạt.
Trước tình hình trên, nhà báo kiêm chuyên gia quân sự Ilya Kramnik cho rằng bước đi hiệu quả nhất là hoán cải những máy bay vận tải An-12 có trong biên chế cho nhiệm vụ phát hiện mục tiêu, tương tự cách Trung Quốc làm với chiếc Y-8 (bản sao từ An-12).
Ông Kramnik gợi ý: "Chúng ta cần một chiếc máy bay có khả năng hoạt động trên 6 giờ, với khả năng phát hiện cả mục tiêu trên không lẫn dưới mặt đất. Giải pháp khả thi là tích hợp radar N035 Irbis và tổ hợp quang điện tử lên vận tải cơ An-12".
"Radar N035 có thể lấy từ tiêm kích Su-35 đang được sửa chữa, sau đó một số radar mới sẽ được xuất xưởng dành riêng cho An-12. Dữ liệu mục tiêu do radar và trạm trinh sát quang điện tử cung cấp sẽ được xử lý bởi kíp trắc thủ gồm 4 - 6 người ngồi trong khoang chở hàng".
Giải pháp khác đó là tận dụng máy bay Tu-154 từ các kho lưu trữ của Bộ Quốc phòng Nga. Hướng đi này sẽ đắt tốn kém hơn một chút, tuy nhiên những chiếc phi cơ nói trên có tuổi thọ cao hơn An-12.
Nếu đề xuất trên thành hiện thực, Không quân Nga trong vòng một năm có thể nhận thêm 6 - 8 máy bay AWACS, với bộ thiết bị đủ để phát hiện phần lớn các mục tiêu dưới mặt đất và trên không.
Thời hạn phục vụ của những chiếc An-12 trong vai trò mới vào khoảng 10 năm, cho phép Bộ Quốc phòng Nga có thời gian để hoàn thành công việc tạo ra máy bay AWACS đích thực như A-100 hoặc Tu-214R.
Antonov An-12 (tên ký hiệu NATO: Cub) là loại máy bay vận tải hạng trung sử dụng 4 động cơ cánh quạt, nó là phiên bản quân sự của máy bay chở khách Antonov An-10.
Nguyên mẫu đầu tiên (số hiệu 7900101) được chế tạo tại Irkutsk thực hiện chuyến bay thử nghiệm vào ngày 16/12/1957 với động cơ Kuznetsov NK-4, hơn 900 chiếc khác được trang bị động cơ AI-20K gồm cả phiên bản dân sự và quân sự.
Từ khi chính thức được giới thiệu vào năm 1959 cho đến khi kết thúc sản xuất vào năm 1973 tại Liên Xô, đã có tổng cộng 1.248 chiếc An-12 xuất xưởng.
Phiên bản An-12BP là máy bay vận tải và thả lính dù tiêu chuẩn của Không quân Liên Xô (VTA) trong giai đoạn 1959 - 1974. Có khoảng 25 chiếc An-12BK/PP/PPS (Cub-A/B/C/D) đã được sửa đổi thành máy bay tác chiến điện tử, phục vụ trong không quân và hàng không hải quân.
Hiện tại, khoảng 100 chiếc An-12 vẫn được sử dụng trong lực lượng không quân của 9 quốc gia, gần 200 máy bay hoạt động trong hàng không dân dụng. An-12 có một biến thể được sản xuất tại Trung Quốc bởi công ty Shaanxi mang tên Yunshuji-8 (Y-8).
Thông số kỹ thuật cơ bản của máy bay vận tải An-12: Phi hành đoàn 5 người (2 phi công, thợ máy, sĩ quan dẫn đường và sĩ quan vô tuyến); chiều dài 33,1 m; sải cánh 38,0 m; chiều cao 10,53 m; trọng lượng rỗng 28.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 61.000 kg.
An-12 được trang bị 4 động cơ cánh quạt Progress AI-20L/M, công suất 4.000 mã lực (3.000 kW) mỗi chiếc, cho tốc độ tối đa 777 km/h, tốc độ hành trình 670 km/h, trần bay 10.200 m, tải trọng lớn nhất 20.000 kg (hoặc 90 lính dù), tầm bay với tải trọng tối đa đạt 3.600 km.
Trong điều kiện hình dạng, kích thước và chức năng, An-12 rất tương đồng với C-130 Hercules của Mỹ. Các máy bay An-12 của Liên Xô còn được trang bị thêm 2 pháo NR-23 cỡ 23 mm ở đuôi để phòng thủ, nhiều chiếc trong Không quân Nga đã tháo bỏ vũ khí này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo