Quốc tế

Nga có thực sự bị cô lập như mong muốn của phương Tây?

Hai tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Moskva đang bị cô lập chưa từng có. Vậy đây có phải là thực trạng của Nga.

Thế giới tuần qua: Bầu cử Tổng thống vòng hai tại Pháp; Nga triển khai giai đoạn 2 chiến dịch ở Ukraine / Lý do Mỹ tăng cường vũ khí hạng nặng cho Ukraine ở giai đoạn mới chiến dịch quân sự

Người dân di chuyển qua một bảng tỷ giá hối đoái tại Moskva (Nga). Ảnh: AP

Hãng thông tấn AFP (Pháp) đánh giá nỗ lực nhằm tẩy chay Moscow đã vấp phải phản kháng từ một bộ phận cộng đồng quốc tế.

Phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Các vấn đề Chiến lược của Pháp- Sylvie Matelly nhận định: “Rõ ràng là phương Tây đã cô lập Nga, đặc biệt là các lệnh trừng phạt đã làm phức tạp trao đổi tài chính và thương mại. Nhưng trên trường quốc tế, tình hình lại khá khác biệt với một số quốc gia rất cẩn trọng và không nhượng bộ trước áp lực từ phương Tây”.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/4, nhiều quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu đã nổi giận, với lãnh đạo của những nước này cam kết cô lập Moskva đồng thời áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ.

Trong những tuần sau đó, không phận Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng Liên minh châu Âu (EU) đã đóng cửa với các máy bay của Nga. Ngày 8/3, Tổng thống Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Mỹ còn cấm nhập khẩu hải sản, rượu vodka và kim cương từ Nga. Một số ngân hàng Nga bị cắt khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) trong khi đó hàng trăm công dân Nga bị cấm nhập cảnh EU.

Tuy nhiên, ở bên ngoài phương Tây, các phản ứng có phần thận trọng hơn. Trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/3, Ấn Độ và Nam Phi bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu yêu cầu Nga rút khỏi Ukraine. Ở Mỹ Latinh, Brazil cùng Mexico từ chối tham gia trừng phạt Nga.

 

Giáo sư Chris Landsberg tại Đại học Johannesburg (Nam Phi) nhận định với tờ the Washington Post: “Ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng khẳng định tính độc lập bất chấp thực tế là họ mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với phương Tây và thậm chí đang cần sự hỗ trợ của phương Tây”.

Lực lượng cứu hỏa được huy động đến một nhà kho bốc cháy tại Kharkiv, Ukraine ngày 23/4. Ảnh: AP

Cựu đại sứ Chile tại Ấn Độ và Nam Phi Jorge Heine nói: “Việc lên án xung đột Nga-Ukraine và việc phát động chiến tranh kinh tế với Nga là hai điều khác biệt. Nhiều quốc gia tại Nam Mỹ, châu Phi và châu Á không sẵn sàng vượt qua ranh giới. Những nước này không muốn bị đẩy vào vị trí phải đi ngược lại với lợi ích, kinh tế của họ”.

Đây dường như là trường hợp của Saudi Arabia cùng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đến nay hai quốc gia này vẫn tránh lập trường chống lại Nga. Ấn Độ cũng được coi là trường hợp tương tự. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Shivshankar Menon của nguyên Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh phân tích: “Mỹ là đối tác thiết yếu và không thể thiếu trong quá trình hiện đại hóa của Ấn Độ, nhưng Nga vẫn là một đối tác quan trọng vì các lý do địa chính trị và quân sự”.

Cựu đại sứ Pháp Michel Duclos lập luận: “Năm 2015, với khủng hoảng Syria và cuộc khủng hoảng Ukraine đầu tiên, Ấn Độ cùng Brazil không đứng về phía chúng ta. Chúng ta phải tự hỏi mình rằng tại sao lại xảy ra trường hợp này và có thể làm gì để xây dựng được những cây cầu vững chắc hơn với những quốc gia này”.

UNESCO trong 2 tháng qua đã tăng cường thảo luận về việc đổi địa điểm tổ chức cuộc họp của Ủy ban Di sản Thế giới vốn được lên kế hoạch tổ chức tại Nga vào tháng 6. Nhưng kết quả thu được chỉ hạn chế trong thông báo hoãn vô thời hạn và đến nay chưa có đảm bảo về việc ngăn chặn Nga tổ chức sự kiện sau khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc.

 

Tình trạng tương tự diễn ra với Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay. Nhiều quốc gia đề nghị nước chủ nhà Indonesia loại Nga ra khỏi hội nghị nhưng Jakarta đã từ chối làm như vậy nhân danh sự công bằng.

Việc các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây không thiếu tác động ngắn hạn đã gây khó khăn cho việc lay chuyển các nước còn do dự. Sẽ cần thêm thời gian để có thể nhận thấy tác động đầy đủ từ các lệnh trừng phạt.

Nhà phân tích tài chính Alexey Vedev tại Viện Chính sách Kinh tế Gaidar (Nga) nhận xét: “Tình hình kinh tế Nga sẽ rõ ràng hơn vào tháng 6 hoặc tháng 7 bởi hiện nay nền kinh tế vẫn đang hoạt động nhờ vào nguồn dự trữ. Các nguồn dự trữ đang dần cạn kiệt, nhưng chừng nào chúng vẫn còn tồn tại thì các biện pháp trừng phạt vẫn chưa được cảm nhận đầy đủ”.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm