Quốc tế

Thế giới tuần qua: Bầu cử Tổng thống vòng hai tại Pháp; Nga triển khai giai đoạn 2 chiến dịch ở Ukraine

Cuộc đối đầu giữa hai ứng cử viên Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen tại vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cùng với diễn biến mới liên quan đến chiến sự tại Ukraine là hai chủ đề thế giới nổi bật trong tuần.

Nga tiết lộ thương vong vụ chìm soái hạm Moskva / Tương quan sức mạnh Nga-Ukraine ở Donbass: "Một chín một mười" - Hơn nhau chỉ ở thứ này!

Nước Pháp bước vào kỳ bầu cử tổng thống vòng hai

ÔngEmmanuel Macron và bà Marine Le Pen. Ảnh: Reuters

Ngày 24/4 (giờ địa phương), cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra người sẽ giữ chứcTổng thống Pháp nhiệm kỳ 2022-2022. Vòng bỏ phiếu thứ hai, cũng là vòng bầu cử cuối cùng, là cuộc đua giữa hai ứng cử viên - Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen thuộc đảng cực hữu Tập hợp quốc gia. Kết quả bầu cử lần này có thể đẩy nước Pháp đi theo hai ngã rẽ khác nhau, khi ông Macron và bà Le Pen cho thấy khác biệt quan điểm trong nhiều vấn đề khi vận động tranh cử.

Ngày 20/4, hai ứng cử viên đã có cuộc tranh luận trực tiếp duy nhất trên truyền hình, tập trung vào những chủ đề liên quan đến cuộc sống của người dân - như thực trạng kinh tế, hệ thống y tế, xử lý giá năng lượng, lương thực leo thang... cùng với một số vấn đề quốc tế. Bà Le Pencam kết sẽ có các biện pháp để giảm chi phí sinh hoạt của người dân. Bà khẳng định sẽ làm tốt hơn so với Tổng thống đương nhiệm Macron trong cải thiện cuộc sống, nâng cao giá trị việc làm và thúc đẩy sức mua của người dân.

Về phần mình, ông Macron chủ trương cải thiện cuộc sống người dân sẽ được hiện thực hóa thông qua các dự án lớn về giáo dục và y tế. Ông khẳng định các biện pháp mà ông đưa ra sẽ giúp cải thiện thu nhập của các hộ gia đình Pháp hiệu quả hơn so với chính sách của bà Le Pen và nước Pháp sẽ trở thành một cường quốc sinh thái trong thế kỷ 21.

Hai ứng cử viên tổng thống Pháp cũng cho thấy sự khác biệt lớn trong vấn đề di cư. Cũng như lần tranh cử hồi năm 2017, bà Le Pen nhấn mạnh cần tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc tiếp nhận người di cư và cần phải giải quyết tình trạng di cư mà bà mô tả là "hỗn loạn" này. Ông Macron cho rằng một cuộc trưng cầu ý dân không thay đổi được điều gì và vấn đề này phụ thuộc sự hợp tác với các nước khác.

Liên quan đến chính sách đối ngoại, ứng cử viên đảng cực hữu thể hiện cáchtiếp cận mềm mỏng, khẳng định vẫn muốn nước Pháp là thành viên, song cần cải tổ EU và Ủy ban châu Âu tôn trọng chủ quyền của các quốc gia. Bà Le Pen bày tỏ ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, song bà phản đối việc áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu năng lượng và khí đốt của Nga.

 

Ở phía bên kia, Tổng thống sắp mãn nhiệm Macron nhấn mạnh tinh thần hợp tác trong EU, thể hiện rõ qua việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 trong các nước châu Âu.Ông công kích bà Le Pen vì muốn đưa nước Pháp ra khỏiEU và cáo buộc đối thủ là người duy trì mối quan hệ thân Nga, thân Tổng thống Putin và chịu ảnh hưởng của Nga.

Dư luận và truyền thông Pháp nhận định ông Macron đã tỏ ra vượt trội đối thủ trong màn tranh luận này và đây là nhân tố giúp ông bứt lên trước, gia tăng khoảng cách về tỉ lệ ủng hộ của cử tri trước thời điểm bước vào bỏ phiếu vòng hai. Kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Ipsos-Sopra Steria thực hiện trong ngày 22/4 cho thấy, đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ nhận được 56,5% số phiếu bầu của cử tri, so với tỷ lệ 43,5% của bà Marine Le Pen.

Trong cuộc đối đầu tay đôi giữa hai ứng cử viên tại kỳ bầu cử năm 2017, ông Macron giành được 66% số phiếu so với tỉ lệ 34% của bà Le Pen. Giới phân tích nhận định cơ hội để bà Le Pen đảo ngược tình thế trong cuộc đua năm nay không nhiều. Nếu ông Macron thắng, ông sẽ trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên đắc cử liên tiếp hai nhiệm kỳ kể năm 2002, thời điểm cựu Tổng thống Jacques Chirac đánh bại ứng cử viên Jean-Marie, bố của bà Le Pen, để tại vị ở nhiệm kỳ thứ 2.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bước sang giai đoạn hai

Đoàn xe bọc thép của quân đội Nga di chuyển ở Mariupol ngày 21/4. Ảnh: Reuters

Nga tuyên bố đã bắt đầu giai đoạn mới của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình India Today ngày 19/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết giai đoạn hai của chiến dịch đã bắt đầu ở miền đông Ukraine và đây là thời điểm rất quan trọng của toàn bộ chiến dịch đặc biệt. Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 18/4 cũng xác nhận các lực lượng Nga đã bắt đầu chiến dịch quân sự ở vùng Donbass, đồng thời tuyên bố Kiev sẽ tự phòng thủ.

 

Ông Lavrov cũng cho biết Moskva chỉ sử dụng vũ khí thông thường trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào giai đoạn này. Ông nhấn mạnh Nga đã thay đổi việc bố trí lực lượng ở Ukraine sau cuộc đàm phán trực tiếp ở Istanbul, một sự kiện có ý nghĩa nhưng Moskva cho rằng Kiev không coi trọng đúng mức, không thể hiện thực lòng.

Xung đột Nga - Ukraine đang chuyển hướng từ những đô thị đông dân cư sang khu vực đông nam thuộc vùng Donbass với những đồng bằng rộng lớn. Hiện Nga vẫn chưa kiểm soát hai thành phố lớn ở miền nam Ukraine là Odessa và Mykolayiv.

Phía Nga phát đi những thông điệp ban đầu về mục đích của giai đoạn hai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Hãng thông tấn TASS và Interfax ngày 23/4 dẫn lời Phó chỉ huy Quân khu Trung tâm Nga – Tướng Rustam Minnekayev, cho biết Nga có kế hoạch kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass và miền nam Ukraine. Ông Minnekayev cũng tuyên bố Nga có kế hoạch tạo ra một vành đai trên bộ giữa bán đảo Crimea và vùng Donbass. "Kiểm soát miền nam Ukraine là một cánh cửa khác dẫn tới Transdniestria, nơi có bằng chứng cho thấy người dân nói tiếng Nga đang bị áp bức", ông Minnekayev giải thích về mục tiêu chiến dịch.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Moldova đã triệu tập Đại sứ Nga để bày tỏ vô cùng quan ngại về bình luận của ông Minnekayev. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận về việc Nga có mở rộng mục tiêu quân sự hay không. Bộ Quốc phòng Ukraine ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Nga. Bộ này khẳng định Nga đã thừa nhận mục tiêu giai đoạn 2 không phải là phi phát xít hóa mà đơn giản là chiếm đóng miền đông và miền nam Ukraine.

Về đối thoại hòa bình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 22/4 nhận định các cuộc đàm phán giữa Moskva và Kiev liên quan tới cuộc xung đột hiện nay đã đình trệ. Ông cho biết hiện Nga vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Ukraine về đề xuất mới được Moskva đưa ra ngày 17/4. Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định Nga sẽ không chấp nhận những tối hậu thư từ Ukraine, khi bình luận về việc Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố về khả năng hủy đàm phán với Moskva.

 

Trước đó, đài RT dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tốc độ của các cuộc đàm phán là không khả quan. Quả bóng đang ở trên sân của Kiev (ý nói quyết định là của Ukraine) vì Nga đã trao một văn bản cho phía Ukraine. Ông khẳng định Nga đang chờ phản hồi của Ukraine về văn kiện này.

Về phần mình, Tổng thống Zelensky cho biết ông không thấy hay nghe gì về tài liệu mà phía Nga khẳng định đã gửi cho Ukraine liên quan đến vấn đề đàm phán hòa bình.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm