Nga dần khắc chế vũ khí tối tân phương Tây gửi cho Ukraine
Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi ra tuyên bố chung / Đại tá Mỹ tiết lộ sự thật khủng khiếp về tổn thất của LLVT Ukraine
Hệ thống gây nhiễu Pole-21 của Nga (Ảnh: Chính phủ Nga).
Những trận đấu vô hình đang diễn ra tại tiền tuyến của Ukraine. Dù không có những phút giây đấu súng, mặt trận tác chiến điện tử cũng không kém phần căng thẳng cho 2 bên.
"Đây là cuộc chiến của công nghệ", Đại tá Ivan Pavlenko, Cục trưởng Cục tác chiến mạng và điện tử thuộc Bộ Tổng tham mưu Ukraine, nói với BBC. "Nếu tôi thấy các trạm radio tập kết cùng một chỗ, tôi hiểu đó là đài chỉ huy. Nếu thấy một số trạm radio tiến lên, đó có thể là cuộc phản công hoặc tấn công".
Hầu hết vũ khí hiện đại - từ hệ thống pháo đến tên lửa chính xác cao - đều sử dụng sóng vô tuyến, vi sóng, tia hồng ngoại hoặc các tần số khác để nhận dữ liệu. Điều này khiến chúng trở thành mồi ngon cho tác chiến điện tử - hoạt động đánh chặn và triệt tiêu những tín hiệu nói trên.
"Nếu để thua trong chiến tranh điện tử, lực lượng của bạn sẽ biến thành đội quân của thế kỷ 19", ông Kalinin, Giám đốc điều hành Infozahyst, nói. "Bạn sẽ đi sau đối thủ 10 bước".
Khởi đầu không hiệu quả
Trong những năm gần đây, Nga đã phát triển một loạt công nghệ tác chiến điện tử như hệ thống Krasukha-4 có thể gây nhiễu radar phòng không, hệ thống Zhitel có thể triệt tiêu tín hiệu vệ tinh, hay hệ thống Leyer-3 để gây nhiễu sóng điện thoại và đường liên lạc radio.
Nhưng lực lượng tác chiến điện tử của Nga ban đầu chưa phát huy được hiệu quả.
"Họ cố vượt qua hệ thống radar của chúng tôi để xuyên thủng các hệ thống phòng không", Yaroslav Kalinin, Giám đốc điều hành của Infozahyst, một công ty sản xuất các hệ thống tác chiến điện tử cho quân đội Ukraine, nói. "Họ đã thành công một phần nhưng không kín kẽ".
Một nhóm binh sĩ Nga triển khai hệ thống tác chiến điện tử (Ảnh: Sputnik).
Phòng không Ukraine vẫn có thể bắn hạ máy bay Nga, khiến nước này không thể làm chủ bầu trời, góp phần khiến mũi tiến công vào Kiev không đạt được mục tiêu.
Quân đội Nga cũng không thể cắt đứt hoàn toàn liên lạc của đối phương, từ đó cho phép quân đội Ukraine tổ chức phòng thủ. Dù một số mạng vệ tinh quân sự bị nhiễu, đường dây thông tin liên lạc di động và Internet phần lớn không bị ảnh hưởng.
Khi quân đội Nga tiến về Mykolaiv vào tháng 2/2022, người dân địa phương đã dùng điện thoại di động thông báo cho quân đội Ukraine về đường hành quân của đối phương.
Có thể Moscow ban đầu nhận định sẽ không cần triển khai đầy đủ các hệ thống tác chiến điện tử. Nhưng Bryan Clark, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson, một viện chính sách của Mỹ, chỉ ra một vấn đề khác là các đơn vị tác chiến điện tử không thể theo kịp bước tiến của quân đội Nga.
"Các hệ thống của Nga là những hệ thống cồng kềnh, được lắp trên phương tiện với mục đích phòng thủ", ông Clark nói với BBC. "Kết quả là các hệ thống tác chiến điện tử của Nga không linh hoạt cho lắm, số lượng cũng không nhiều".
Tương tự phía Nga, quân đội Ukraine cũng cố gắng đẩy mạnh tác chiến điện tử (Ảnh: Infozahyst).
Dần khắc phục thiếu sót
Tuy nhiên, Nga đã rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình, ông Clark nói. Thay vì dùng các thiết bị lớn có thể dễ dàng bị phát hiện và phá hủy, giờ đây họ sử dụng ngày càng nhiều các thiết bị nhỏ và cơ động hơn.
Ông Clark nói Nga đã có thể triển khai hàng trăm đơn vị tác chiến điện tử di động dọc theo tiền tuyến để làm chậm cuộc phản công của Ukraine. Những đơn vị này bao gồm từ thiết bị gây nhiễu GPS cho đến hệ thống triệt tiêu radar để ngăn máy bay Mỹ giúp Ukraine xác định mục tiêu.
Các hệ thống của Nga như Zhitel và Pole-21 đang tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong việc gây nhiễu GPS và các tín hiệu vệ tinh khác. Chúng có thể vô hiệu hóa những chiếc UAV được dùng để hỗ trợ hỏa lực pháo binh và tấn công tự sát nhắm vào binh sĩ Nga.
Nhiều vũ khí tối tân do các nước thuộc khối NATO cung cấp cho Ukraine cũng dễ bị gây nhiễu vì chúng dùng tín hiệu GPS để điều hướng.
Bom thông minh JDAM của Mỹ có thể bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga gây nhiễu vì dùng định vị GPS (Ảnh: Military).
"Zhitel có thể gây nhiễu tín hiệu GPS trong phạm vi 30 km", ông Clark nói. "Như vậy là đủ để làm nhiễu tín hiệu vị trí địa lý của những vũ khí như bom JDAM của Mỹ, vốn chỉ dùng một máy thu GPS để dẫn đường đến mục tiêu, khiến chúng đi chệch mục tiêu".
Theo Business Insider, đây không phải là lần đầu xuất hiện những lo ngại về hiệu quả của bom thông minh JDAM tại Ukraine. Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh (RUSI) hồi tháng 1 phát hiện trong tài liệu quân sự Mỹ bị rò rỉ, một số quan chức lo ngại việc Nga có thể làm nhiễu tín hiệu JDAM.
Bom JDAM là một trong những loại vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine. Với khả năng được phóng bằng máy bay để tấn công các mục tiêu cách xa tới 45 dặm, JDAM được phương Tây kỳ vọng có thể giúp Ukraine trong cuộc phản công mới.
Vấn đề bị nhiễu tín hiệu cũng xảy ra đối với các tên lửa dẫn đường được bắn đi từ HIMARS, hệ thống tên lửa đa năng đã góp phần quan trọng cho thành công của Ukraine vào mùa thu năm 2022.
Nga cũng đang đưa vào thử nghiệm các hệ thống tác chiến điện tử mới, theo TASS, như hệ thống Sapfir được thiết kế để bảo vệ công binh trước UAV trong lúc xây dựng công sự. "Hệ thống này tỏ ra rất hiệu quả", TASS dẫn lời một nguồn tin ẩn danh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng thống Donald Trump nhậm chức: Giá vàng thay đổi chóng mặt, Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Quá khứ 'hot boy nổi loạn' của Tổng thống Donald Trump và cú thay đổi ngoạn mục sau khi chuyển trường
Vì sao Tổng thống Donald Trump tuyệt đối không nhắc đến Nga hay Ukraine khi phát biểu nhậm chức?
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025