Quốc tế

Hé lộ vũ khí làm nên sức mạnh đáng sợ của trực thăng KA-52M phiên bản mới

Khi Ukraine nỗ lực xuyên thủng tuyến phòng thủ của Nga được lập nên từ các bãi mìn, chiến hào và ụ răng rồng chống tăng bằng bê tông, Moscow đã đáp trả bằng máy bay trực thăng tấn công KA-52M thế hệ mới được trang bị loại tên lửa mới hiệu quả, có thể tấn công ở tầm xa.

Đại tá Mỹ: ‘Quân đội Nga đã gây ác mộng như thế nào cho các tướng lĩnh Ukraine’ / Thị trường xe ô tô toàn cầu tăng trưởng 10% trong tháng 6

Sức mạnh của trực thăng KA-52M

“Một trong những hệ thống vũ khí có ảnh hưởng nhất của Nga trong lĩnh vực này là máy bay trực thăng tấn công Ka-52 HOKUM”, bản cập nhật thông tin tình báo của Bộ Quốc phòng Anh công bố ngày 28/7 cho biết. Theo bộ này, Nga đã phát triển trực thăng KA-52M phiên bản mới sau thời gian dài tích lũy kinh nghiệm chiến đấu ở Syria.

he lo vu khi lam nen suc manh dang so cua truc thang ka-52m phien ban moi hinh anh 1

Trực thăng Ka-52 Alligator của Nga. Ảnh: Defensenews

KA-52M có hệ thống xác định và thu nhận mục tiêu quang điện tử tầm xa, được ổn định bằng con quay hồi chuyển, bộ truyền động kỹ thuật số và khung gầm mới cùng hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến và hệ thống quản lý cho phép nó mang được nhiều loại vũ khí, trong đó có một loại tên lửa cực kỳ nguy hiểm.

Ka-52M sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa và tác chiến điện tử L418 Monoblock, có khả năng tương tác với máy bay không người lái UAV bằng các yếu tố trí tuệ nhân tạo. Điều này cho phép máy bay có thể điều khiển các UAV trinh sát và tấn công.

“Một trong những cải tiến quan trọng đối với phi đội Ka-52 là sự tích hợp tên lửa chống tăng mới LMUR có tầm bắn khoảng 15km. Phi hành đoàn Ka-52 đã nhanh chóng tận dụng các cơ hội để phóng những vũ khí vượt xa phạm vi phòng không của Ukraine”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh nhận định. Sự cải tiến này thể hiện một bước ngoặt đáng chú ý về khả năng chiến đấu của máy bay trực thăng.

Trực thăng Ka-52 được thiết kế để thực hiện vai trò chống tăng, sử dụng tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser Vikhr và ATAKA, với tầm bắn tương ứng khoảng 10km và 6km. Tuy nhiên, những tên lửa này có tầm bắn khá hạn chế, đồng thời yêu cầu phải có tầm nhìn thẳng hướng tới mục tiêu vì thế buộc trực thăng phải tiến gần hệ thống phòng không của đối phương một cách nguy hiểm. Những hệ thống phòng không của Ukraine như hệ thống tên lửa vác vai Stinger do Mỹ cung cấp hay tên lửa Starstreak đều có thể tạo ra mối đe dọa lớn đối với trực thăng. Điều này giải thích lý do vì sao hầu hết các máy bay trực thăng của cả hai bên đều bị giới hạn hoạt động trong các cuộc tấn công bằng tên lửa.

Thông thường, máy bay trực thăng phải bay sát mặt đất, sau đó bay nghiêng và hướng lên trên để phóng tên lửa không điều khiển về phía cứ điểm của đối phương trước khi quay đi. Mặc dù kiểu tấn công này không có độ chính xác cao nhưng giúp trực thăng tránh được hỏa lực của đối phương.

Tên lửa LMUR

 

Trực thăng Ka-52M sẽ trở nên nguy hiểm hơn nhiều khi kết hợp với tên lửa đa năng hạng nhẹ (LMUR) tiên tiến. LMUR còn có tên gọi khác là tên lửa Izdeliye 305 do Cục Thiết kế Kolomna của Nga phát triển và sản xuất, được dùng để tấn công các tòa nhà, công trình kiên cố, xe bọc thép, tổ hợp phòng không và nhiều mục tiêu khác của đối phương.

Nga đã thử nghiệm tên lửa này vào năm 2015 và đưa vào sản xuất chính thức sau năm 2016. Dù được mô tả là tên lửa hạng nhẹ, LMUR có trọng lượng hơn 90kg, nặng gấp đôi tên lửa Vihkr và gấp sáu lần tên lửa ATAKA. Tên lửa đạt tầm bắn tối đa 14,5 km, tốc độ hơn 800 km/h. Tên lửa LMUR dài không quá 2 m, đường kính thân 200 mm, trọng lượng phóng 105 kg.

he lo vu khi lam nen suc manh dang so cua truc thang ka-52m phien ban moi hinh anh 2

Tên lửa dẫn đường, có độ chính xác cao LMUR của quân đội Nga (Ảnh: Iz.ru)

Thay vì sử dụng hệ thống dẫn đường bằng laser, LMUR sử dụng đầu dò ảnh nhiệt kết hợp hệ thống định vị vệ tinh. Ở chế độ bắn thông thường, người sử dụng khóa mục tiêu bằng đầu dò ảnh nhiệt trên bệ phóng và khai hỏa. Quả đạn sẽ tự động lao tới mục tiêu còn trực thăng sẽ cơ động để tránh đòn đáp trả.

Tuy vậy, ở chế độ tấn công tầm xa (trực thăng phải tấn công các mục tiêu nằm ngoài tầm nhìn hoặc bị vật cản che chắn), phi công sẽ phóng tên lửa về phía tọa độ được xác định trước, sau đó sử dụng hình ảnh tên lửa truyền về để tìm và khóa mục tiêu.

 

Nhà phân tích quốc phòng Stijn Mitzer của tổ chức tình báo nguồn mở Oryx cho rằng, Nga nhiều khả năng đã sử dụng tên lửa LMUR tấn công Ukraine vào tháng 6/2022. Ở thời điểm đó, quân đội nước này đã điều trực thăng Mi-28 phóng tên lửa vào một tòa nhà được cho là căn cứ của Ukraine. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng công bố video tên lửa bắn trúng một tòa nhà chứa hai hệ thống HIMARS.

Theo báo cáo của Oryx, Nga đã sử dụng tên lửa LMUR tấn công 43 tòa nhà, 2 xe tải và 5 xe bọc thép của Ukraine. Hiện giờ, tên lửa có thể đảm nhiệm thêm vai trò chống tăng khi được phóng từ máy bay trực thăng Ka-52 biến thể mới.

Các nước NATO và đặc biệt là Quân đội Mỹ đã phát triển khái niệm trực thăng chống tăng trong Chiến tranh Lạnh. Tính cơ động và khả năng tấn công từ khoảng cách xa khiến chúng trở thành phương tiện lý tưởng để đối phó với thiết giáp. Tại Ukraine, trực thăng này dường như đang phát huy hiệu quả.

Việc triển khai trực thăng Ka-52M mới kết hợp với tên lửa LMUR cho thấy Nga đang nỗ lực hết sưc để làm chậm cuộc tấn công của Ukraine. Tuy nhiên, chi phí của LMUR khá đắt, ước tính hơn 220.000 USD cho mỗi tên lửa và Moscow được cho là đang thiếu hụt loại tên lửa này.

Theo giới phân tích, điều Ukraine cần làm là tăng cường hệ thống phòng không để đối phó với mối đe dọa từ máy bay trực thăng của Nga. Nếu không có những hệ thống phòng không tiên tiến, tiến độ của cuộc phản công có thể bị chậm lại và Kiev sẽ phải chịu tổn thất nhiều hơn.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm