Nga đề cao việc Việt Nam được chọn tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều
Truyền hình Nga: Tên lửa siêu âm mới có khả năng diệt mục tiêu trên đất Mỹ chưa đầy 5 phút / Mỹ kỳ vọng sớm ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
"Tôi tin rằng Hà Nội được chọn làm nơi tổ chức hội nghị bởi Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm trong chính sách đối ngoại của mình. Việt Nam là đất nước cởi mở hợp tác với tất cả quốc gia, luôn trân trọng quan hệ hữu nghị và không gây thù địch với bất cứ ai", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hôm 24/2 trong cuộc phỏng vấn với báo chí, đề cập tới lý do hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai được tổ chức ở Việt Nam.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh nhiều quốc gia coi Việt Nam là địa điểm thích hợp để tổ chức các cuộc đàm phán chính trị, đồng thời ca ngợi sự mến khách của thủ đô Hà Nội.
"Tôi luôn thích ở lại Hà Nội", Ngoại trưởng Nga chia sẻ.
Ông Lavrov cũng nhận định Việt Nam là ứng cử viên sáng giá cho vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trả lời phỏng vấn truyền thông, Ngoại trưởng Lavrov cho biết các quan chức Mỹ chịu trách nhiệm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên đã tham vấn Nga. Trong khi đó, Nga vẫn duy trì liên lạc thường trực với “những người bạn” Triều Tiên.
“Chúng tôi mong hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ thành công và chúng tôi đang cố gắng đóng góp vào tiến trình này", ông Lavrov nói, đồng thời khẳng định Nga hoan nghênh việc Mỹ và Triều Tiên bình thường hóa quan hệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay đã tới thủ đô Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 27-28/2. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ bàn thảo về vấn đề phi hạt nhân hóa, tiếp nối cam kết từ cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tại Singapore năm ngoái.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavorv đã có chuyến thăm làm việc tại TP. Hồ Chí Minh trong hai ngày 24-25/2 và tham dự hội thảo tại đây. Ông Lavrov cho biết thương mại giữa 2 nước đã tăng trưởng 16% trong năm 2018, lên mốc 6 tỷ USD, trong bối cảnh hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đã được thông qua từ 3 năm trước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo