Nga đóng cửa không phận: "Điều khủng khiếp" có thể xảy ra với toàn thế giới
Chiến sự Ukraine: Rung chuyển thế giới - Toàn cảnh 1 tháng chiến dịch quân sự đặc biệt / Báo Anh: Bộ trưởng Quốc phòng Nga "tái xuất" trên truyền hình, nhưng chỉ trong... vài giây
Theo chuyên trang theo dõi hành trình bay Flightradar24, kể từ khi Nga đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không từ hàng chục quốc gia vào cuối tháng 2 để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, khoảng 400 chuyến bay mỗi tháng trước đó qua nước này đã bị buộc phải bay theo đường vòng.
Thay vì sử dụng không phận của Nga, một số chuyến bay từ châu Âu đến châu Á đang bay vòng qua phía nam của Nga, hoặc trong một số trường hợp phải di chuyển một hành trình rất dài qua Bắc Cực. Có một thực tế là nước Nga rất lớn, đây là quốc gia lớn nhất hành tinh, lớn hơn cả lục địa Nam Cực.
Một bảng khởi hành cho thấy các chuyến bay bị hủy tại Sân bay quốc tế Sheremetyevo ở Moscow (Nga) vào ngày 28/2. Ảnh: TASS
Các đường bay mới khiến hành khách và phi hành đoàn mất nhiều thời gian trên không, bay nhiều dặm hơn và tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn - đồng nghĩa với việc sản sinh nhiều khí thải làm nóng Trái Đất hơn.
Chẳng hạn, chuyến bay JL43 của Japan Airlines từ Tokyo (Nhật Bản) đến London (Anh) sử dụng máy bay Boeing 777-300ER, tiêu hao khoảng 2.300 gallon nhiên liệu mỗi giờ. Chuyến bay JL43 được điều chỉnh lại hành trình đi về phía đông qua Bắc Thái Bình Dương, Alaska, Canada và Greenland, làm tăng thêm 2,4 giờ bay và có khả năng tiêu hao thêm khoảng 5.600 gallon nhiên liệu, tăng 20%.
Theo tính toán của Paul Williams - một nhà khoa học khí quyển tại Đại học Reading (Anh), điều đó có nghĩa là chuyến bay JL43 có thể thải thêm 54.000 kg, hoặc 60 tấn carbon dioxide vào bầu khí quyển. Đó là lượng khí thải carbon mà một chiếc ô tô chạy 6 vòng quanh Trái Đất thải ra.
Ông Williams cho biết, mức tiêu hao nhiên liệu chính xác phụ thuộc vào trọng lượng của máy bay, độ cao, tốc độ bay và một số biến số khác.
Ông Williams nói: "Rất nhiều người khi nghĩ về hàng không và khí hậu, họ tập trung vào lượng CO2 thải ra. Nhưng thực ra, còn nhiều thứ tồi tệ hơn thế nhiều. CO2 thực sự chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Thời gian bay thêm đang gây ra hiện tượng nóng lên nhiều hơn số dặm bay vì chúng chỉ tính đến CO2 chứ không tính đến các hiệu ứng khác".
Dan Rutherford - Giám đốc các chương trình hàng không và hàng hải của Hội đồng quốc tế về giao thông vận tải sạch nói với hãng tin CNN rằng các tính toán của ông Williams "có vẻ hợp lý".
Ông Rutherford nói: "Các chuyến bay đường dài thậm chí còn tốn nhiều nhiên liệu hơn vì chúng phải đốt cháy nhiên liệu để vận chuyển nhiên liệu".
Nói cách khác, đó là một vòng lặp luẩn quẩn.
Khí thải carbon toàn cầu có thể tăng 1%
Ông Rutherford ước tính rằng, nếu không phận Nga vẫn bị đóng cửa trong thời gian dài hơn nữa, lượng khí thải carbon từ hoạt động hàng không toàn cầu có thể tăng tới 1%.
Máy bay của hãng hàng không Japan Airlines cất cánh từ sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo ngày 24/9/2021. Ảnh: CNN
Theo Viện Nghiên cứu Môi trường và Năng lượng Anh, con số này có vẻ rất thấp, nhưng việc di chuyển bằng đường hàng không là một yếu tố góp phần đáng kể vào cuộc khủng hoảng khí hậu, chiếm hơn 2% lượng khí thải carbon trên thế giới vào năm 2018.
Viện này lưu ý rằng, nếu coi ngành công nghiệp hàng không là một quốc gia, nó sẽ xếp thứ 6 trên thế giới về lượng khí thải carbon.
Hoạt động bay có thể chiếm phần lớn lượng khí thải carbon mà mỗi người sản sinh ra. Ví dụ, theo một phân tích được công bố trên tạp chí Nature của Anh vào năm 2020, một chuyến bay xuyên lục địa một chiều giữa Hồng Kông (Trung Quốc) và San Francisco (Mỹ) thải ra nhiều carbon dioxide hơn các hoạt động bình thường của 1 người Anh, hoặc 10 người sống ở Ghana trong vòng một năm.
"Bay ít hơn" thường là lời khuyên đầu tiên của các chuyên gia dành cho những người đang tìm cách giảm tác động tới khí hậu.
Ông Rutherford cho biết, các hãng hàng không cũng có thể đầu tư vào các loại máy bay mới, hiệu quả hơn và chuyển sang sử dụng nhiên liệu bền vững, nhưng đó là những giải pháp lâu dài.
Hồi tháng 2, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói rằng, "những sự kiện hiện tại" cho thấy thế giới đang quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đang đi vào "ngõ cụt".
Một báo cáo khí hậu gần đây của Liên hợp quốc cho thấy, trừ khi sự ấm lên của Trái đất chậm lại đáng kể, hàng tỷ người và các loài khác có thể không còn khả năng thích ứng với những thay đổi không thể đảo ngược do khí thải nhiên liệu hóa thạch gây ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo