Nga đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu vũ khí
Điểm mặt các loại vũ khí “đình đám” nhất thế giới năm 2019 / Giải mã vũ khí: Hệ thống điều khiển tên lửa của tàu chiến mặt nước có gì?
Theo tài liệu hãng thông tấn Nga Sputnik nhận được hôm 28/01 của Trung tâm Phân tích tình hình buôn bán vũ khí Thế giới (TSAMTO) của Nga, thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu năm 2019 đã tăng lên mức kỷ lục tính từ đầu thế kỷ XXI đến nay là 92 tỷ USD.
"Theo đánh giá của TSAMTO, năm 2019 giá trị xuất nhập khẩu vũ khí thông thường trên thế giới (theo danh sách phân loại của Liên Hợp Quốc) đạt ít nhất là 92,041 tỷ USD" – báo cáo nhấn mạnh rằng, đây là kết quả cao nhất trong vòng một thế kỷ nay.
Nhìn chung, trong bốn năm qua (2016-2019), xuất khẩu vũ khí toàn cầu đạt con số khổng lồ lên tới 341,925 tỷ USD.
Danh sách liệt kê 10 nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới trong giai đoạn 2016-2019 như sau: Mỹ - 139,685 tỷ USD, Nga - 53,436 tỷ, Pháp - 37,492 tỷ, Đức - 18,160 tỷ, Anh - 12,444 tỷ, Tây Ban Nha - 11,904 tỷ, Israel - 10,946 tỷ, Trung Quốc - 10,578 tỷ, Ý - 7,644 tỷ và Hàn Quốc - 4,994 tỷ USD.
Sự gia tăng xuất khẩu sản phẩm quân sự trên thế giới được TSAMTO giải thích bằng việc thực hiện một số "đại hợp đồng" của Hoa Kỳ với các nước Trung Đông, chủ yếu là với Saudi Arabia.
Hoa Kỳ vẫn là nhà vô địch tuyệt đối trong danh sách, với số lượng xuất khẩu quân sự được xác định trong năm 2019 lên tới 38,775 tỷ USD, tương đương 42,12% tổng doanh số toàn cầu về mặt hàng này. Quốc gia láng giềng của Nga là Ukraine chiếm vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng, khi xuất khẩu vũ khí trị giá 516,6 triệu USD.
Theo đánh giá của TSAMTO, năm 2019, Nga giữ vị trí thứ hai về giá trị xuất khẩu vũ khí (chỉ đứng sau Mỹ với tổng kim ngạch gần gấp 3 Nga), khi bán cho nước ngoài các loại trang thiết bị quân sự tổng trị giá 14,144 tỷ USD, tương đương 15,4% nguồn cung toàn cầu.
Trung tâm lưu ý rằng trong các số liệu về Nga, TsAMTO chỉ liệt kê giá trị xuất khẩu vũ khí thông thường theo danh sách phân loại của Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, còn có những trang thiết bị không được đưa vào số liệu thống kê như công tác bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế và các hợp đồng nhỏ lẻ không có đủ thông tin, trong khi đối với Nga, phân khúc này chiếm tới hơn 5% tổng giá trị xuất khẩu. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga trên thực tế còn cao hơn một chút.
Ngoài ra, một báo cáo khác của giới quân sự Nga cho biết, việc Nga giữ vững vị trí thứ hai về xuất khẩu vũ khí có sự đóng góp rất lớn của vũ khí phòng không. Tỷ lệ các phương tiện phòng không trong xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự của Nga đã tăng lên 20% trong năm 2019. Mức tăng trưởng là khoảng 5% bởi trước đó, các hệ thống phòng không chiếm khoảng 15% tổng số chung.
TsAMTO cũng đưa ra báo cáo thống kê các nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất. Theo đó, Saudi Arabia là nước nhập khẩu nhiều vũ khí nhất trong năm 2019, với tổng giá trị lên tới 13,44 tỷ USD.
Vị trí thứ hai về khối lượng nhập khẩu vũ khí thực tế tính đến cuối năm 2019 là Ấn Độ (8,557 tỷ USD). Chiếm các vị trí còn lại trong tốp 5 nhà nhập khẩu thiết bị quân sự hàng đầu là Qatar, Australia và Hàn Quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo