Quốc tế

Nga "giật mình" trước viễn cảnh Mỹ gọi tái ngũ phiên bản hạt nhân của Tomahawk

DNVN - Sau khi thử thành công tên lửa Tomahawk phiên bản mặt đất từ bệ phóng cố định Mk 41, các chuyên gia quân sự đánh giá nhiều khả năng Mỹ sẽ sớm “gọi tái ngũ” biến thể tự hành mang đầu đạn hạt nhân BGM-109G Gryphon.

Khẩu súng đặc biệt - Vũ khí chống khủng bố cực lợi hại của Đặc công Việt Nam / Tehran khoe uy lực "S-300 của Iran" giữa lúc căng thẳng trên Vịnh Ba Tư

BGM-109G Gryphon là phiên bản mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk nổi tiếng, nó được thiết kế với mục đích phá hủy hệ thống tên lửa đạn đạo di động RSD-10 Pioner (SS-20 Saber) của Liên Xô.

Đạn tên lửa hành trình BGM-109G Gryphon có chiều dài 5,56 m; đường kính thân 0,52 m; trọng lượng phóng 1.200 kg. Biến thể này triển khai từ xe mang phóng tự hành М818 với 4 tên lửa nằm trong container ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Tên lửa được lắp đầu đạn hạt nhân đơn khối W84 vốn dựa trên bom hạt nhân B61, đương lượng nổ lên tới 150 kT. BGM-109G Gryphon sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn F107-WR-400, cho tốc độ cận âm 880 km/h và phạm vi tác chiến 2.500 km.

Nhờ hệ thống dẫn đường INS/TERCOM trên cơ sở so sánh sai lệch giữa địa hình với dữ liệu được nạp trong bộ nhớ máy tính của tên lửa mà độ sai lệch của Gryphon chỉ vào khoảng 30 - 35 m.

Xe mang phóng tự hành M818 của BGM-109G Gryphon sử dụng khung gầm do hãng MAN (Đức) sản xuất. Ảnh: Military Today.

Xe mang phóng tự hành M818 của BGM-109G Gryphon sử dụng khung gầm do hãng MAN (Đức) sản xuất. Ảnh: Military Today.

Mặc dù là một thứ vũ khí vô cùng lợi hại, có tính răn đe rất cao, từng được triển khai ở Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức và Italia trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên do hiệu lực của Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF) mà BGM-109G Gryphon đã bị rút khỏi biên chế của Quân đội Mỹ cũng như NATO từ năm 1991.

Nhưng hiện nay, sau khi Hiệp ước INF đã bị xóa bỏ thì không còn bất cứ rào cản nào để Mỹ đưa Gryphon trở lại trang bị. Viễn cảnh này nếu trở thành hiện thực chắc chắn sẽ khiến giới quân sự Nga phải giật mình lo sợ.

Họ từng bày tỏ lo ngại sâu sắc khi nhìn thấy "Aegis trên cạn" đi vào hoạt động, đó là ngoài đánh chặn tên lửa đạn đạo, hệ thống phòng thủ Mỹ đặt ở châu Âu sẽ bí mật nã Tomahawk vào đất Nga.

 

Đối phó với tên lửa Tomahawk được bắn đi từ bệ phóng cố định đã khiến Moskva phải "mất ăn mất ngủ" thì đứng trước biến thể di động BGM-109G khó đối phó hơn gấp bội, mái đầu các tướng lĩnh Nga dự báo sẽ còn xuất hiện thêm nhiều sợi tóc bạc.

Một vụ phóng thử nghiệm tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk BGM-109G Gryphon. Ảnh: National Interest.

Một vụ phóng thử nghiệm tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk BGM-109G Gryphon. Ảnh: National Interest.

Giải pháp khả thi nhất của Nga để đáp trả theo nhận định sẽ là tăng cường năng lực trinh sát, cảnh báo sớm thông qua hệ thống vệ tinh cũng như máy bay AWACS và các trạm radar cố định.

 

Dĩ nhiên bên cạnh đó là bổ sung thêm nhiều hệ thống phòng không hiện đại chuyên tiêu diệt mục tiêu bay thấp, có diện tích phản xạ hiệu dụng nhỏ như Tomahawk.

Ngoài ra, không loại trừ việc Nga còn sử dụng cả giải pháp "cứng", đó là tăng cường phương tiện tấn công như Iskander-M hay Iskander-K.

Với những động thái đáp trả qua lại giữa hai bên, nguy cơ tái diễn một cuộc Chiến tranh Lạnh đang trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết, hy vọng rằng sẽ sớm có động thái hòa giải giữa hai siêu cường quân sự hàng đầu thế giới nhằm tránh kịch bản đáng tiếc có thể xảy ra.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm