Nga gửi đề nghị tới hội nghị thượng đỉnh NATO
Hé lộ tình trạng của LLVT Ukraine sau một tháng tấn công / Giao tranh khốc liệt ở Donbass, Ukraine dồn lực kéo căng phòng tuyến Nga
Binh sĩ Nga gác phía ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia (Ảnh: Reuters).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 9/7 cho biết các nhà lãnh đạo của NATO nên thảo luận về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh trong tuần này.
Các nhà lãnh đạo NATO sẽ gặp nhau tại Vilnius, Lithuania vào ngày 11-12/7 để thảo luận một loạt chủ đề, từ việc kết nạp Ukraine hay Thụy Điển vào khối tới tăng cường kho dự trữ đạn dược và xem xét các kế hoạch phòng thủ chung.
Bà Zakharova cáo buộc Ukraine "gây thiệt hại có hệ thống" cho nhà máy hạt nhân Zaporizhia, đồng thời kêu gọi chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh NATO nên tập trung vào tình hình của cơ sở này.
"Xét cho cùng, phần lớn các thành viên liên minh sẽ nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp (nếu có sự cố xảy ra tại nhà máy)", bà Zakharova cho biết.
Vilnius cách nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu khoảng 1.000 km.
Trong thời gian qua, Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau lên kế hoạch tấn công nhà máy nằm trên lãnh thổ do Moscow kiểm soát ở vùng Zaporizhia, gần chiến tuyến của cuộc xung đột giữa 2 bên. Tuy nhiên, hai bên đều không đưa ra bằng chứng cụ thể cho cáo buộc này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó đã cảnh báo về mối đe dọa nghiêm trọng tại cơ sở này, cáo buộc lực lượng Nga đã gài mìn trên nóc của một số lò phản ứng.
Các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế có trụ sở tại nhà máy cho biết họ vẫn chưa quan sát thấy bất kỳ dấu hiệu nào của mìn hoặc chất nổ tại nhà máy, nhưng họ cũng cần tiếp cận nhiều hơn để chắc chắn với nhận định trên.
Tuần qua, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay 5/7 cảnh báo, nguy cơ xảy ra một vụ phá hoại nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia tại Ukraine hiện rất lớn và hậu quả có thể rất thảm khốc.
"Tình hình khá căng thẳng. Mối đe dọa phá hoại từ chính quyền Kiev thực sự rất lớn. Hậu quả của nó có thể là thảm kịch", ông Peskov nói với các phóng viên.
Liên hợp quốc cảnh báo các cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine có nguy cơ gây ra thảm họa nghiêm trọng, ảnh hưởng tới khu vực rộng lớn ở châu Âu.
Nguy cơ tấn công vào nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam Ukraine làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra sự cố nghiêm trọng tại khu vực chỉ cách Chernobyl 500km. Nhà máy Chernobyl là nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới vào năm 1986.
End of content
Không có tin nào tiếp theo