Nga ký hợp đồng S-400 thứ 2 khi được Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo
Nga dồn siêu vũ khí mới đến sát NATO / Mỹ điều loạt phương tiện quân sự vào Đông Bắc Syria sau vụ va chạm với quân đội Nga
Trưởng bộ phận bán vũ khí nhà nước của Nga Rosoboronexport Alexander Mikheyev nói với các phóng viên hôm 23/8, một hợp đồng về việc chuyển giao lô thứ hai hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được ký kết và các bên đang thảo luận về các điều khoản tài chính của hợp đồng.
"Hợp đồng đã được ký kết. Hiện các bên đang thảo luận về việc thu xếp tài chính để thực hiện hợp đồng. Khung thời gian thực hiện hợp đồng sẽ phụ thuộc vào sự sẵn sàng của đối tác của chúng tôi để giải quyết cuối cùng các vấn đề thủ tục với số tiền của thương vụ này", ông Alexander Mikheyev cho biết.
Hệ thống S-400. |
Để nhận được sự đồng ý của phía Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đưa ra đảm bảo an toàn tuyệt đối thông tin về các hệ thống phòng thủ S-400 cho nhà sản xuất và quân đội Nga.
"Nga bày tỏ mối quan ngại về sự an toàn về dữ liệu của S-400 và Thổ Nhĩ Kỳ hứa sẽ bảo vệ nó. Không hề có chuyện Ankara bán hoặc đồng ý cho chuyên gia Mỹ nghiên cứu hệ thống S-400 của mình", người đứng đầu ngành Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Ismail Demir tuyên bố.
Vị quan chức này cho biết thêm, ngay từ khi bắt đầu đàm phán mua hệ thống S-400 đầu tiên từ Nga, Ankara đã lên kế hoạch tích hợp các hệ thống S-400 vào hệ thống phòng thủ riêng của mình. Vì vậy, những lo ngại về việc lộ bí mật của tổ hợp phòng thủ này là hoàn toàn không có.
Trước khi Ankara đưa ra đảm bảo an toàn cho S-400, Thượng nghị sĩ Mỹ John Thune đã đề xuất sửa đổi Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2021 (NDAA) cho phép mua vũ khí phòng thủ do Nga sản xuất từ Thổ Nhĩ Kỳ bằng tài khoản mua sắm tên lửa của Quân đội Hoa Kỳ.
Theo đề xuất, động thái này sẽ giúp vượt qua sự bế tắc giữa Washington và Ankara về việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Lightning II.
Dù không có thông tin Thổ phản hồi với đề xuất của nghị sĩ John Thune nhưng theo ông Ismail Demir, đảm bảo được nước này đưa ra nhằm tạo sự tin tưởng với Nga trong việc thực hiện thương vụ S-400 thứ 2.
Ankara và Moscow đã đạt được thỏa thuận quan trọng về hợp đồng hệ thống S-400 thứ 2 hồi tháng 6/2020. "Các bên đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc với hợp đồng S-400 thứ hai. Trong đó có cả thời điểm chuyển giao vũ khí và chuyển giao công nghệ", ông Ismail Demir nói khi 2 bên mới đạt được thỏa thuận.
Sự đảm bảo được phía Thổ đưa ra là rất cần thiết nhưng Đại tá - chuyên gia quân sự Nga Viktor Baranhets cũng khẳng định, không có một lý do thực sự nghiêm trọng nào khiến Nga phải quan ngại về việc người Mỹ sẽ có thể tháo được những nút thắt siêu bí mật trong một dãy các thủ thuật mà các kỹ sư Nga đã cài vào các tổ hợp tên lửa phòng không S-400.
"Những công trình sư, kỹ sư, nhà công nghệ Nga không phải là những tên ngốc, và khi bán những tổ hợp như vậy, họ đã cài sẵn vào đó những con chip bí mật nào đó khiến tổ hợp này không thể bắn hạ các máy bay Nga", ông Viktor Baranhets nói.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, các phiên bản vũ khí xuất khẩu Nga ngay từ đầu đã có các tính năng tác chiến thấp hơn bản trang bị cho Quân đội Nga.
Yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu trong việc chống các hành vi trộm cắp công nghệ quân sự của Nga- đó là các cán bộ của Tổ hợp công nghiệp quân sự LB Nga luôn sử dụng một số mẹo nào đó để đảm bảo chắc chắn rằng khi có ai đó tìm cách mở các sơ đồ hoặc các bảng mạch thì ngay lập tức những sơ đồ và bảng mạch đó đã không còn có thể sử dụng được nữa.
"Ngay khi người Mỹ thò tay vào một cụm chi tiết nào đó được coi là siêu bí mật, cụm này sẽ ngay lập tức trở nên vô dụng. Đây chính là lý do khiến Nga có thể yên tâm bán S-400 cho bất kỳ khách hàng nào có nhu cầu", chuyên gia Nga cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo