Nga lên kế hoạch hợp nhất một số công ty dầu mỏ để trở thành nhà sản xuất lớn thứ hai toàn cầu
Iran đẩy mạnh khai thác dầu nhằm thúc đẩy nền kinh tế / Trung tâm khí đốt Istanbul: Lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga
Theo Wall Street Journal ngày 9/11, Nga đang hướng đến việc sáp nhập các công ty dầu mỏ chủ chốt nhằm tăng cường vai trò của Moskva trên thị trường năng lượng toàn cầu và đảm bảo kinh tế thời chiến.
Kịch bản được bàn thảo bao gồm việc Rosneft Oil, tập đoàn nhận sự hậu thuẫn từ nhà nước Nga, sẽ thâu tóm Gazprom Neft – một công ty con của Gazprom chuyên xuất khẩu khí đốt – và Lukoil, công ty dầu mỏ tư nhân lớn nhất tại Nga. Cả ba công ty này đều hiện phải chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Khi kế hoạch sáp nhập được hiện thực hóa, tập đoàn mới sẽ trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau Aramco của Saudi Arabia, với sản lượng ước tính có thể gần gấp ba lần Exxon Mobil – công ty dầu mỏ hàng đầu nước Mỹ. Điều này giúp Nga nâng mức giá bán dầu đối với các thị trường như Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo Wall Street Journal, các cuộc đàm phán giữa các lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức chính phủ Nga đã kéo dài vài tháng qua. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức để đạt được thỏa thuận, bao gồm sự phản đối từ một số lãnh đạo của Rosneft và Lukoil, cùng khó khăn trong việc chi trả cổ tức cho các cổ đông của Lukoil.
Những cuộc đàm phán này thể hiện ý định của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc huy động sức mạnh của ngành năng lượng để bổ sung ngân sách quốc gia trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine. Một số nguồn tin cho rằng, Tổng thống Putin mong muốn thành lập một "đế chế năng lượng" đủ mạnh để cạnh tranh với Saudi Arabia, nhất là khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn còn lớn nhưng đang dần chậm lại trước xu hướng chuyển dịch sang năng lượng xanh.
Ngành dầu khí đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế Nga, cung cấp gần một phần ba nguồn thu ngân sách liên bang và giúp Moskva duy trì ảnh hưởng trên thế giới. Nga đã thành công trong việc ổn định nền kinh tế bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây, phần lớn nhờ vào ngành công nghiệp dầu mỏ.
Theo Wall Street Journal, một nhà xuất khẩu dầu mạnh hơn có thể giúp Nga chịu đựng tốt hơn các lệnh trừng phạt từ phương Tây, vốn đang gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu và làm cản trở các dự án dầu khí lớn. Các cuộc đàm phán hiện tại cũng có mục đích chuẩn bị cho tình hình kinh tế Nga khi chiến tranh chấm dứt và các quan hệ kinh tế được nối lại.
Hơn nữa, nếu Lukoil được đưa vào sự kiểm soát hoàn toàn của nhà nước, điều này sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xóa bỏ hoàn toàn tư nhân hóa tài nguyên khoáng sản tại Nga sau khi Liên Xô tan rã.
End of content
Không có tin nào tiếp theo