Nga lên tiếng về khả năng ký hiệp ước hòa bình với Ukraine
Những khu vực của Nga có thể nằm trong tầm bắn của vũ khí phương Tây ở Ukraine / Ông Putin dọa tấn công nước cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine đánh vào Nga
Phát biểu với đại diện các hãng thông tấn quốc tế bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 5/6, Tổng thống Putin cho biết hiến pháp Ukraine không đề cập đến khả năng kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống trong tình trạng thiết quân luật.
"Giới lãnh đạo hiện tại của Ukraine đã quyết định không tham gia cuộc bầu cử, vì vậy có những nghi vấn được đặt ra. Điều 103 trong Hiến pháp Ukraine nói rằng tổng thống chỉ được bầu trong 5 năm", ông Putin cho biết.
Tổng thống Nga lập luận rằng, ngay cả trong điều kiện hiện tại, vẫn có những người ở Ukraine có thể ký một thỏa thuận hòa bình với Nga, nhưng điều đó đòi hỏi phải có sự sẵn sàng của Kiev.
"Chúng tôi nên ký hiệp ước hòa bình với ai? Mọi thứ đều có thể được giải quyết, mọi thứ đều có thể được thỏa thuận. Nếu quyền lực được chuyển cho chủ tịch quốc hội, chỉ cần sẵn sàng ký hiệp ước là đủ", ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc gặp với các hãng thông tấn quốc tế tại Saint Petersburg ngày 5/6 (Ảnh: Reuters).
Ông Putin nhiều lần khẳng định Tổng thống Volodmyr Zelensky không còn là lãnh đạo hợp pháp của Ukraine. Ông Putin lý giải, không điều khoản nào trong hiến pháp Ukraine nói về gia hạn quyền lực của tổng thống sau khi nguyên thủ hết nhiệm kỳ.
Theo Tổng thống Putin, hiến pháp Ukraine chỉ quy định việc mở rộng quyền lực cho quốc hội, mà không đề cập đến việc mở rộng quyền lực của tổng thống. Do vậy, quyền của tổng thống Ukraine nên được chuyển cho người đứng đầu quốc hội bởi vì cơ quan có thẩm quyền hợp pháp duy nhất hiện nay ở Ukraine là quốc hội.
Trước đó, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cũng nói rằng: "Khi hết nhiệm kỳ tổng thống, ông Zelensky không còn quyền phát biểu thay mặt người dân Ukraine nữa". Ông cũng lưu ý, "bất kỳ thỏa thuận nào với một tổng thống bất hợp pháp đều vô hiệu và có thể gặp thách thức trong tương lai".
Về điều này, Tổng thống Putin mới đây khẳng định Nga luôn sẵn sàng đàm phán với Ukraine nhằm chấm dứt xung đột, nhưng quan trọng là đàm phán với ai. "Đó là một câu hỏi quan trọng. Chúng tôi nhận thấy rằng tính hợp pháp của nguyên thủ quốc gia đương nhiệm đã không còn nữa", ông cho biết.
Phản hồi bình luận của ông Putin, Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk tuyên bố, ông Zelensky vẫn là tổng thống Ukraine chừng nào đất nước vẫn còn trong tình trạng thiết quân luật.
"Thật tuyệt vời khi hiến pháp Ukraine được quan tâm ở Nga. Tôi khuyên các độc giả ở Nga nên chú ý đến Điều 108.1 rằng Tổng thống Ukraine sẽ thực thi quyền lực của mình cho đến khi Tổng thống mới được bầu của Ukraine nhậm chức. Trong các xã hội dân chủ, điều này được gọi là sự liên tục của quyền lực", ông Stefanchuk nói.
Ông nhấn mạnh: "Đó là lý do ông Volodymyr Zelensky đang và sẽ giữ chức Tổng thống Ukraine cho đến khi kết thúc thiết quân luật. Và tất cả những điều này đều phù hợp với hiến pháp và luật pháp của Ukraine".
Theo quy định của Hiến pháp Ukraine, nhiệm kỳ của Tổng thống Volodymyr Zelensky chấm dứt từ ngày 21/5.
Theo kế hoạch ban đầu, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tại Ukraine vào ngày 31/3 để chọn ra người kế nhiệm ông Zelensky. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, ông Zelensky cho biết, Ukraine sẽ không tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào trong giai đoạn thiết quân luật như hiện nay.
Ukraine bắt đầu thiết lập tình trạng thiết quân luật kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Kể từ đó đến nay, quốc hội nước này đã nhiều lần gia hạn thiết quân luật.
Đầu năm nay, ông Zelensky tiếp tục nhắc lại việc không thể tổ chức bầu cử do tình hình chiến sự và do nhu cầu huy động nhập ngũ toàn quốc.
Hôm 21/5, ông Zelensky khẳng định: "Nhiệm kỳ 5 năm của tôi chưa kết thúc, nhiệm kỳ vẫn đang tiếp tục vì tình trạng thiết quân luật".
End of content
Không có tin nào tiếp theo